Cô Tiên sẵn lòng giúp người nghèo

Cập nhật, 12:18, Thứ Năm, 06/01/2022 (GMT+7)

(VLO) Xen giữa câu chuyện của chúng tôi với vợ chồng cô Trần Thủy Tiên- Nguyễn Ngọc Tươi (Phường 1, TP Vĩnh Long) là những cuộc gọi mua bán. Dù tất bật với công việc đến độ “có khi bà chủ nhào lên xe tải giao hàng luôn” nhưng cô Tiên cùng chồng chưa bao giờ bỏ quên những thư ngỏ, lời kêu gọi giúp người khó khăn.

Cô Tiên đến tận nhà thăm hỏi, tặng quà cho gia đình cô Tăng Thị Lệ.
Cô Tiên đến tận nhà thăm hỏi, tặng quà cho gia đình cô Tăng Thị Lệ.

Sống là cho…

Trong căn nhà chất đầy những bao đậu- chỉ chừa một lối đi nhỏ, cô Tiên không quên dành một khoảng trống chứa gạo, nước mắm, đường, bột ngọt, bánh trái… các nhu yếu phẩm chuẩn bị làm quà Tết giúp người khó khăn.

Cô Tiên cười, nói: “Trong những lúc dịch bệnh như vầy, gia đình tôi vẫn làm ăn bình thường, tôi nghĩ phải biết san sẻ cho những người khó khăn hơn”.

Nói về câu chuyện làm thiện nguyện, cô Tiên nhớ 8 năm về trước khi gia đình mua được 2 chiếc xe tải để giao hàng: “Khi hàng rỗi thì sắp xếp để đi chở thuốc Nam miễn phí.

Người thì góp công tìm thuốc, tôi có xe tải, có con người thì góp sức chở đến nơi để có những thang thuốc không tốn tiền cho bà con”. Rồi những hoàn cảnh khó khăn được bạn bè giới thiệu, vợ chồng cô Tiên xem họ cần gì, cần bao nhiêu là chuẩn bị sẵn sàng.

Cô Tiên nói: “Tôi cũng lập nghiệp trong gian khó, làm ăn thất bại, từng đi làm công nên tôi hiểu được trong lúc khó khăn mà có người giúp đỡ thì đáng quý lắm”.

Khi miền Trung bị ảnh hưởng thiên tai, lũ lụt năm 2020, vợ chồng cô Tiên chạy xe tải ra tận miền Trung tới 3 chuyến, hỗ trợ khoảng 6.000 phần quà.

Cô Tiên nói: “Xe tải 3,5 tấn nên tôi chạy vô tận từng xã, chen qua được những đoạn đường sạt lở, đứt khúc, cây ngã,… thấy nhiều người khó khăn, mất trắng, cái ăn cũng không có,... Vợ chồng tôi trao quà luôn cho những người không có tên trong danh sách rồi hẹn lại địa phương bổ sung sau”.

Trong chuyến đi tặng quà miền Trung, đoàn xe tải của bạn hàng ở Vĩnh Long gặp bão “phải cố thủ tại Nha Trang một đêm”- chú Nguyễn Ngọc Tươi nói thêm: “Lần đầu tiên tôi biết bão ở miền Trung là như thế nào, một đêm cố thủ trên xe mà gió bão ầm ầm kéo tới. Nếu không dừng xe tránh bão, chắc xe tải cũng bị gió quật luôn”.

Thấu hiểu, sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn vì một lý do đơn giản là “mình đỡ hơn”, cô Tiên nói: “Quan niệm của tôi sống là cho, không chỉ biết nhận thôi được. Có để cho thì hạnh phúc lắm, thấy mình làm được việc tốt trong người cũng phấn khởi và cố gắng hơn để giúp được nhiều người”.

Của cho và cách cho

Cô Tiên luôn quan niệm “sống là cho” và khi cho người khác thì phải cho những vật họ cần và “mình ăn gì cho đó”. Lợi nhuận thu được từ buôn bán, vợ chồng cô luôn dành một khoản riêng cho thiện nguyện.

Cô Tiên nói: “Khi mình cảm thấy giàu có, dư dả mới giúp mọi người thì có khi muộn vì biết bao nhiêu là đủ đây. Lợi nhuận buôn bán, tôi trả lương cho các con vì nhà không thuê người. Rồi chia ra phần để dành làm từ thiện, những chỗ quen, những người khó khăn họ cần- lên tiếng, gõ cửa là tôi sẵn lòng cho đi”.

Những món quà cô Tiên chuẩn bị đều phải chất lượng, gạo thơm, nước mắm sạch, đường đóng gói, dầu ăn,… nhà nào có em bé thì thêm bánh trái. Mỗi phần quà mang theo cả tấm lòng của người cho và được trao tận tay người nhận.

Vợ chồng, con cái cô Tiên cùng đồng lòng làm thiện nguyện.
Vợ chồng, con cái cô Tiên cùng đồng lòng làm thiện nguyện.

Trong căn nhà nhỏ nằm sâu trong hẻm quanh co, vợ chồng cô Tăng Thị Lệ (Khóm 2, Phường 2, TP Vĩnh Long) đang nuôi con gái tâm thần cùng 3 cháu ngoại.

Cô Lệ 58 tuổi đi bán vé số, chồng cô làm thuê thu nhập bấp bênh. Cháu ngoại lớn nhất học lớp 7, nhỏ nhất mới hơn 1 tuổi.

Thấy cô Tiên đến thăm, mấy bà cháu cô Lệ liền chạy ra đón, cô Lệ nói: “Gia đình tôi biết ơn cô Tiên nhiều lắm, nhờ cô thỉnh thoảng tặng gạo, bánh trái,… đỡ cho tôi phần nào”. Mới nhận quà xong, các cháu cô Lệ đã vui mừng khui bánh “ăn liền tại chỗ”.

Công việc kinh doanh bận rộn, thức khuya dậy sớm, bà chủ có khi kiêm luôn tài xế và ông chủ kiêm luôn việc khuân vác, bưng bê.

Tuy vậy, nhờ đồng lòng nên những việc thiện nguyện luôn được cả nhà ủng hộ. Chú Nguyễn Ngọc Tươi cho biết: “Vợ chồng tôi luôn bàn bạc với nhau từ chuyện làm ăn đến làm thiện nguyện, ở đâu vận động, lúc nào và cần hỗ trợ bao nhiêu.

Mấy đứa con tôi cũng ủng hộ, góp công sức với ba mẹ”. Vậy là xe tải luồng xanh cứ rỗi hàng là chở khoai lang, giải cứu nông sản, vận chuyển miễn phí. Những suất cơm, phần gạo, cá, đồ bảo hộ ấm áp nghĩa tình cho mọi người, cho tuyến đầu chống dịch…

Với cô Tiên, gia đình ấm êm có công việc ổn định và khỏe mạnh đã là hạnh phúc lớn lao nên không quên chia sẻ với mọi người. Cô Tiên cười: “Tôi biết việc mình làm là nhỏ thôi, nhiều người cũng như tôi vậy, mỗi người góp một chút. Tôi mong chút tấm lòng của mình giúp cho nhiều người cùng vượt qua khó khăn, nhất là trong thời gian dịch bệnh này”.

Chị Hồ Thị Út Em- Giám đốc Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh không quên những ngày “giải cứu khoai lang Bình Tân”, những ngày “Cửa hàng 0 đồng” được vợ chồng cô Tiên hỗ trợ nhiệt tình. “Mới đăng lên, ước gì có bụt xuất hiện cho cửa hàng 0 đồng, thì chị Tiên đã nhắn tin ủng hộ”. Rồi những ngày giải cứu khoai lang Bình Tân, chị Tiên “hùn” xe tải và tài xế chở khoai “không đồng”. Có những ngày chở 5- 6 chuyến khoai, mỗi chuyến 3,5 tấn và chỉ một mình anh Tươi khuân vác khoai lên xuống nhưng “lúc nào ảnh cũng nói chuyện rất vui, hóm hỉnh làm cả nhóm giải cứu khoai cũng vui theo”- chị Út Em nói.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN