Quản lý hiệu quả, phát triển vật liệu thay thế cát sông

Cập nhật, 13:52, Thứ Tư, 28/12/2022 (GMT+7)

(VLO) Trước tình trạng nguồn cát sông ở ĐBSCL có xu hướng giảm trong khi nhu cầu sử dụng cát sông rất cao, cần thắt chặt các giải pháp quản lý cát hiệu quả, có thêm giải pháp về công nghệ xây dựng để giảm lượng cát tiêu thụ và đẩy mạnh phát triển vật liệu thay thế cát sông.

Theo báo cáo tham vấn của Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam) và Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp - PTNT), trung bình mỗi năm ĐBSCL mất khoảng 500ha đất.

Từ năm 2018 - 2020, sạt lở gây thiệt hại hơn 200 tỷ đồng tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long, Cà Mau.

Thống kê của Bộ Nông nghiệp - PTNT, đến cuối năm 2021, ĐBSCL có 621 điểm sạt lở với chiều dài khoảng 610km. Trong đó, sạt lở đặc biệt nguy hiểm có 147 điểm với chiều dài 127km, sạt lở nguy hiểm có 137 điểm với chiều dài 193km.

Giai đoạn 1998 - 2008, độ sâu của lòng sông Tiền và sông Hậu tăng thêm 1,5m; giai đoạn 2009 - 2016 độ sâu này tăng thêm 5 - 10m và kéo theo 66% đường bờ biển của ĐBSCL bị xói mòn.

Nguyên nhân chính gây ra sạt lở là do việc xây dựng nhiều đập thủy điện ở thượng nguồn, khai thác nước ngầm, khai thác cát sông quá mức.

Theo ông Nguyễn Hữu Thiện - chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL, cát từ thượng nguồn trải qua mấy ngàn ký lô mét và hàng chục năm để về đến ĐBSCL.

Theo đó, cát di chuyển về hạ lưu trong 3 tháng đầu mùa lũ (tháng 7, 8, 9) với hành trình 100 - 200 km/năm.

Đến tháng 10, hành trình này sẽ dừng lại, chờ đến mùa lũ năm sau mới tiếp tục. Tuy nhiên, việc xây dựng các đập thủy điện trên phía thượng nguồn làm giảm lượng cát di chuyển xuống hạ lưu.

Theo số liệu của Ủy hội sông Mekong và nhà khoa học, hàng năm lượng cát từ thượng nguồn đổ về ĐBSCL khoảng 7 triệu tấn nhưng có đến 6,5 triệu tấn đổ ra Biển Đông. Trong khi đó, lượng cát khai thác hàng năm trên sông Tiền và sông Hậu là 28 - 40 triệu tấn.

Còn theo kết quả đợt khảo sát vào mùa khô vừa qua của đoàn khảo sát thuộc Dự án Quản lý khai thác cát bền vững ở ĐBSCL, lượng cát ghi nhận tại Tân Châu (An Giang) chỉ bằng khoảng 15 - 20% lượng cát đổ về ĐBSCL cách đây 30 năm…

Ông Hoàng Việt - Giám đốc Dự án Quản lý cát bền vững ở ĐBSCL cho rằng, cần xây dựng “ngân hàng cát”.

Kết quả tính toán từ “ngân hàng” này sẽ cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách biết lượng cát có thể khai thác, vị trí khai thác gây ra các ảnh hưởng xấu.

Bên cạnh, cần có sự hỗ trợ của Nhà nước để thúc đẩy nghiên cứu và phát triển vật liệu thay thế cát sông ở Việt Nam.

SÔNG HẬU