Sạt lở xã Hòa Ninh (Long Hồ)

Những việc cấp thiết cần làm ngay

Cập nhật, 05:53, Thứ Tư, 14/12/2022 (GMT+7)
Khu sạt lở bờ sông Cổ Chiên, đoạn thuộc xã Hòa Ninh (Long Hồ) vào ngày 5/12.
Khu sạt lở bờ sông Cổ Chiên, đoạn thuộc xã Hòa Ninh (Long Hồ) vào ngày 5/12.

(VLO) Vụ sạt lở bờ tả sông Cổ Chiên, đoạn thuộc Tổ 9 và Tổ 10, ấp Bình Thuận 1, xã Hòa Ninh (Long Hồ) vào chiều ngày 5/12 đã để lại hậu quả rất nặng nề về đất đai, sản xuất, kết cấu hạ tầng và nhà ở của nhiều hộ dân.

Để xử lý sạt lở tại nơi đây, bên cạnh các giải pháp mà ngành chức năng và chính quyền địa phương đã làm, cần thực hiện ngay các công việc sau đây.

Theo đó, sau khi đã công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông Cổ Chiên thì cần khảo sát, điều tra, đánh giá nguyên nhân gây sạt lở và đề xuất giải pháp xử lý, khắc phục hậu quả.

Trong đó có hoạt động khảo sát địa hình, địa chất lòng, bờ sông, đo đạt thủy văn dòng chảy; điều tra, đánh giá các hoạt động kinh tế - xã hội ven và tại khu vực sạt lở... Công việc này cần giao cho một tổ chức chuyên môn độc lập để thực hiện để đảm bảo tính khách quan, khoa học, chính xác.

Đồng thời, cần triển khai chương trình dự báo sạt lở bờ sông. Không riêng vụ sạt lở bờ sông Cổ Chiên tại xã Hòa Ninh mà các vụ sạt lở khác trên địa bàn tỉnh hầu như không thể dự báo trước.

Phòng sự cố sạt lở bờ sông từ trước đến nay chủ yếu thực hiện công tác cảnh báo bằng mắt thường, theo kinh nghiệm, bằng cách lắp biển báo nguy hiểm tại những nơi đã bị sạt lở và những khu vực có nguy cơ cao, nên chưa giúp người dân và chính quyền tại chỗ chủ động phòng, tránh, ứng phó kịp thời.

Được biết, trong những năm qua đã có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, dự án ứng dụng về sạt lở và phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển ở vùng ĐBSCL của các cơ quan chuyên môn thuộc các bộ: TN - MT, Nông nghiệp - PTNT, KH - CN, GD - ĐT,… đã được nghiệm thu, trong đó có những ứng dụng mô hình toán, công nghệ hiện đại để nghiên cứu quy luật diễn biến lòng dẫn, dự báo xói lở và đề xuất các giải pháp chỉnh trị cho nhiều khu vực xói lở trọng điểm trên các tuyến sông lớn.

Do đó, thiết nghĩ các bộ, ngành Trung ương cần sớm triển khai ứng dụng rộng rãi, phổ biến các đề tài, mô hình dự báo sạt lở đã có để giúp các địa phương chủ động hơn trong công tác phòng, chống sạt lở bờ sông.

Bài, ảnh: TRUNG CHÁNH