Thành Điểm- Nghệ sĩ đa tài

Cập nhật, 16:07, Chủ Nhật, 17/03/2024 (GMT+7)

Gần 30 năm đứng biểu diễn trên sân khấu cải lương chuyên nghiệp, nghệ sĩ (NS) Thành Điểm- Ngân Thiện đã có đầy đủ tố chất, kinh nghiệm biểu diễn và sáng tác bài ca tài tử và cải lương Nam Bộ.

NS Thành Điểm tên thật là Nguyễn Văn Điểm (SN 1960 tại xã Tích Thiện, huyện Trà Ôn) là con thứ chín trong một gia đình “nhà nòi” về đờn ca tài tử, cải lương. Ba anh- ông Nguyễn Văn Sĩ (SN 1927 tại xã Tích Thiện) từng tham gia đoàn văn công chiến khu xã Tích Thiện, đã truyền niềm đam mê đờn ca cho các con.

Gia đình nghèo, đông anh em, nên năm 19 tuổi- 1979, NS Thành Điểm rời quê hương đến TX Vĩnh Long và xin vào làm hậu đài cho Đoàn Văn công Cửu Long. Tại đây, anh vừa diễn những vai phụ, vừa học ca, diễn với những diễn viên, đạo diễn và soạn giả.

Sau 7 năm vừa làm vừa học, có được chút kinh nghiệm, năm 1986, NS Thành Điểm gia nhập Đoàn Cải lương Trùng Dương (Vũng Tàu). Tại đây, anh được phân vai phụ, gọi là “kép nhì”, dù được diễn chính thức, nhưng anh vẫn học hỏi kinh nghiệm diễn xuất và sáng tác với những đạo diễn, soạn giả.

Năm 1988, NS Thành Điểm sang Đoàn Cải lương Hoa Biển, tỉnh Phú Khánh (nay là Khánh Hòa và Phú Yên). Tại đoàn Hoa Biển, với nghệ danh Ngân Thiện, anh chuyên đóng vai chính, còn gọi là “kép chánh”. Tại đây, sự nghiệp và cuộc đời của anh có 2 bước ngoặt và theo anh suốt cuộc đời. Vừa diễn, NS Ngân Thiện vừa sáng tác bài ca cổ và sáng tác kịch bản. Vở cải lương “Sau đêm ân ái” là kịch bản đầu tay của anh và rất ăn khách của Đoàn Cải lương Hoa Biển.

Vở cải lương “Người tình hai lần chết” được anh chỉnh biên cũng ăn khách không kém. Bước ngoặt thứ hai cũng tại Đoàn Cải lương Hoa Biển, anh diễn chung cô đào Lý Ngân (Lý Thị Man), quê Khánh Hòa, từ bạn diễn, hai người yêu nhau và nên duyên chồng vợ.

Giọng ca của NS Thành Điểm rất riêng, không ảnh hưởng bởi những NS lớn có tên tuổi. Chất giọng không hoa mỹ, không sử dụng kỹ thuật hay kỹ xảo nhấn nhá, ém hơi dài, chất giọng rất tự nhiên, trầm ấm, rõ ràng và rất truyền cảm. “Tôi ca và diễn gửi hồn theo tình huống đoạn văn và nhân vật. Luôn giữ chất giọng của mình, không ảnh hưởng chất giọng của những NS nổi tiếng”- NS Thành Điểm chia sẻ.

Đầu những năm 1990, sự bùng nổ của làn sóng băng video và truyền hình khiến cải lương mất thế thượng phong và sàn diễn dần thoái trào. Sân khấu ca cổ không còn nhiều đất sống, các đoàn hát tư nhân, đoàn hát ở tỉnh dần rã gánh, giải thể.

Năm 1994, sau gần 30 năm quen với ánh đèn sân khấu, vợ chồng NS Ngân Thiện- Lý Ngân đành ngậm ngùi rời sân khấu trở lại quê nhà. Tuy nhiên, với tình yêu cải lương, anh chị hợp tác với Trung tâm Văn hóa tỉnh Vĩnh Long diễn nghệ thuật quần chúng. Cũng từ đây, NS Thành Điểm đạt nhiều giải thưởng cao cấp tỉnh và cấp khu vực ĐBSCL.

Năm 2018, NS Thành Điểm thành lập CLB Đờn ca tài tử Quê Nhà. Anh vừa làm chủ nhiệm, vừa sáng tác bài ca vọng cổ, bài ca tài tử cho thành viên ca, đặc biệt là bà xã anh chuyên ca những bài do anh sáng tác. Trong sáng tác, anh cũng đạt nhiều giải thưởng văn học nghệ thuật của tỉnh và khu vực.

Phần lớn bài ca tài tử do anh sáng tác là “tức cảnh sinh tình” với cảnh sắc quê hương. Trong số đó, bài “Dòng sông lên tiếng” điệu Ngũ đối hạ 21 câu, anh sáng tác để trải lòng về dòng sông Tiền đang ngày càng bị ô nhiễm, qua đó kêu gọi bảo vệ dòng sông, bảo vệ môi trường…

Thương một dòng sông

Bao đời qua vẫn chảy miên man

Êm trôi xuôi ngược đêm ngày

Mãi dâng cho đời nước ngọt phù sa…” (câu 1, 2)

… “Kia thấy không cây trái bạt ngàn

Cánh đồng vàng tiếp chân trời mênh mông

Cũng nhờ dòng nước con sông

Yêu mến trọn đời hỡi dòng Tiền Giang…” (câu 8, 9)

Mở đầu từ câu 1 đến câu 11, như lời tri ân dòng sông, gợi bao ký ức, kỷ niệm êm đềm và những gì dòng sông đã ban tặng.

… “Nghe tiếng con sông thở dài

Thầm trách con người vô tình vô nghĩa

Bỏ rác trên sông dập dìu xuôi ngược

Khai thác tài nguyên ồ ạt lan tràn

Khiến đổi thay dòng chảy

Làm ô nhiễm nước sông thủy sản cạn dần

Đau lòng con sông lên tiếng

Xin trả tôi nước ngọt trong lành…” (câu 13-16)

Khắc khoải, đau lòng “Nghe tiếng con sông thở dài…” sử dụng biện pháp tu từ nhân hóa, khơi niềm trắc ẩn, cùng bảo vệ môi trường.

… “Người ơi chung sức chung lòng

Góp phần bảo vệ dòng sông”… (câu 20)

Bài, ảnh: NGUYÊN HẠNH