Câu chuyện văn nghệ

Lá thư của một họa sĩ Vĩnh Long

Cập nhật, 21:52, Chủ Nhật, 10/03/2024 (GMT+7)

TRẦN THẮNG

Từ trái sang: Họa sĩ Thanh Châu, họa sĩ Huỳnh Quốc Trọng cùng đồng đội vượt Trường Sơn vào Nam. Ảnh: TL
Từ trái sang: Họa sĩ Thanh Châu, họa sĩ Huỳnh Quốc Trọng cùng đồng đội vượt Trường Sơn vào Nam. Ảnh: TL
Họa sĩ Huỳnh Quốc Trọng (SN 1936, quê quán xã An Phước, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long), lớn lên trong một gia đình truyền thống cách mạng, cha tham gia cách mạng bị địch bắt đày đi Côn Đảo.
 
Người em tham gia công tác địa phương hy sinh. Sau hiệp định Genève năm 1954, lúc này Huỳnh Quốc Trọng tròn 18 tuổi, tập kết ra Bắc thuộc diện Thiếu sinh quân miền Nam và sau đó thi đậu vào Trường Mỹ thuật Hà Nội. Từ 1961-1967 được Đảng và Nhà nước đưa đi đào tạo hội họa tại Liên Xô cũ (Trường ĐH Mỹ thuật Kiev, nước Cộng hòa Ukraine). Khi trở về nước, năm 1968 anh đã xung phong vào miền Nam chiến đấu và nhận công tác tại Phòng Hội họa Giải phóng (thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam).
 

Ngày 28 Tết năm Kỷ Dậu (ngày 4/2/1970 dương lịch), trong một trận chiến đấu không cân sức với tiểu đoàn địch có trực thăng yểm trợ, họa sĩ Huỳnh Quốc Trọng đã anh dũng hy sinh trên chiến trường huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang trong tư thế người chiến sĩ bên khẩu súng ngắn đã bắn hết đạn và túi tài liệu đựng tranh ký họa đeo bên mình. Họa sĩ Huỳnh Quốc Trọng đã để lại bộ sưu tập quý với 120 tác phẩm hội họa, 72 vật lưu niệm hiện được Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long lưu giữ.

Cuối năm 2020, họa sĩ, liệt sĩ Huỳnh Quốc Trọng được vinh danh và xét truy tặng Giải thưởng Văn học nghệ thuật Văn Xương Các tỉnh Vĩnh Long lần thứ I.

Trong số những vật lưu niệm của họa sĩ có nhiều bức thư gửi người thân, bạn bè, người yêu… Xin trích đăng lá thư của họa sĩ Huỳnh Quốc Trọng- người con của quê hương Vĩnh Long viết từ chiến trường miền Nam gửi các anh, các chú lãnh đạo và các họa sĩ ở miền Bắc.

Bức thư được viết vào thời điểm cuối năm 1968 khi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 đã bước vào đợt 2, đạt nhiều ý nghĩa thắng lợi về quân sự lẫn chính trị, tạo bước ngoặt trong cuộc chiến, nhưng cũng phải đánh đổi bằng biết bao máu xương mất mát, hy sinh.

Lúc này yếu tố bất ngờ không còn, địch phản kích dữ dội, nhiều đơn vị quân Giải phóng phải tạm thời rút xa các vùng đô thị để củng cố lực lượng, nhưng đối với người họa sĩ, chiến sĩ Huỳnh Quốc Trọng thì trong giai đoạn khó khăn này nhiệm vụ của người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa nghệ thuật càng nặng nề và quyết liệt hơn. Anh tiếp tục hăng say sáng tác, cho ra đời nhiều tác phẩm để cổ vũ, động viên quân và dân miền Nam tiếp tục vượt qua mọi khó khăn gian khổ, vững tin vào ngày mai chiến thắng.

Miền Nam ngày 14/12/1968

Kính gửi các anh, các chú Bảo Định Giang, Huỳnh Văn Thuận, Trần Văn Cẩn, Diệp Minh Châu, Trần Văn Lắm, Huỳnh Văn Gấm.

Các anh, các chú kính mến! Chúng tôi vô cùng xúc động đọc những lá thư của các anh, các chú gửi anh em Hội Văn nghệ Giải phóng miền Nam. Một sự chăm sóc đầy tình nghĩa của các anh, các chú đối với chúng tôi những người đang đem hết khả năng và trí tuệ tô thắm cho nền hội họa miền Nam bằng xương, bằng máu.

Một sự ước mơ và chờ đợi chúng tôi trưởng thành hơn nữa trên bước đường sáng tác và ghi chép cho cách mạng miền Nam. Điều mong muốn của các anh, các chú là những người đi trước đang là nguồn cổ vũ mạnh mẽ cho chúng tôi, đồng thời cũng là nhiệm vụ lớn lao của chúng tôi đối với cuộc đấu tranh thần kỳ của Nhân dân miền Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ Thiệu- Kỳ- Hương.

Chúng tôi cũng thấy rằng, cách mạng miền Nam ngày nay đang bước vào một thời kỳ vô cùng gay go ác liệt nhưng hết sức vẻ vang. Cuộc kháng chiến chống Mỹ của Nhân dân ta đang vào tình thế phát triển vô cùng thuận lợi. Ta đang ở thế thắng, thế tiến công liên tục và mạnh mẽ về quân sự, chính trị, ngoại giao. Sức mạnh đoàn kết xung quanh Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam ngày càng trở nên vô địch.

Đặc biệt, những cuộc tiến công và nổi dậy đồng loạt của quân dân miền Nam từ đầu xuân đến nay có ảnh hưởng sâu rộng trong nước và vang dội trên thế giới, làm thay đổi tương quan lực lượng giữa ta và địch: Ta đang còn ở thế chủ động tiến công và thắng lợi, địch đang ở bị động và thất bại rõ ràng.

Mặt khác, nhiệm vụ lịch sử ngàn năm có một đòi hỏi: Họa sĩ phải ghi chép thật nhiều về nhiều mặt cuộc sống, chiến đấu muôn màu, muôn vẻ của Nhân dân miền Nam để làm tư liệu cho việc sáng tác sau này, nhằm làm giàu kho tàng lịch sử mỹ thuật của dân tộc.

Các anh, các chú! Riêng phần tôi, cũng đã nhận rõ nhiệm vụ ấy. Cho nên, trong những năm tôi còn ở Liên Xô đã nhiều đêm mất ngủ, nghĩ đến quê hương miền Nam yêu quý.

Những cảnh giết người bằng bom napan, chất độc hóa học, cảnh tra tấn cực kỳ tàn bạo của giặc Mỹ đối với những người yêu nước ở miền Nam làm cho tôi vô cùng đau xót và căm thù cao độ. Và những gương chiến đấu hy sinh dũng cảm của quân dân miền Nam đã làm xúc động tâm hồn tôi.

Vì vậy tôi không quản ngày đêm suy nghĩ và sáng tác, để tuyên truyền đối ngoại, nhằm góp một phần công lao nhỏ mọn của mình cho cách mạng miền Nam. Tôi đã làm được khoảng 30 bức tranh khắc kẽm về cuộc chiến đấu của Nhân dân miền Nam. Những bức tranh này được tham gia triển lãm 2 lần ở nước Cộng hòa Ukraine tại Kiev và 2 lần toàn Liên bang Xô Viết tại Mạc Tư Khoa.

Khi về đến Hà Nội tôi định giao tranh ấy cho Hội Mỹ thuật để có dịp chọn đưa vào các cuộc triển lãm mỹ thuật về đề tài cách mạng miền Nam đồng thời để góp phần vào Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam một chất liệu mới mang tính chất, phong cách của dân tộc, nhằm làm phong phú thêm nền nghệ thuật tạo hình của Việt Nam.

Nhưng chưa làm kịp thì tôi về đây công tác. Về phần kỹ thuật diễn tả ở những bức tranh có một số bức làm cho giới hội họa bên ấy chú ý đến. Phần này chắc hẳn có ngày gặp các anh, các chú để trao đổi thêm.

Hiện giờ tranh của tôi để ở số 46 Ngô Quyền, Hà Nội do ông Lam Kỳ Xuân giữ (45 Ngô Quyền- tầng 3- phòng 1). Các anh, các chú đến đấy xem và có thể chọn một số đưa vào triển lãm sắp tới. Trong ấy toàn bộ tranh là khắc kẽm, chỉ có một bức tranh “Đoàn dân công tải lương thực ra tiền tuyến” là vẽ trên đá.

Những bức tranh ấy làm từ năm 1965 trở lại đây. Với nội dung diễn tả cuộc tra tấn, đàn áp dã man của kẻ thù đối với đồng bào ta. Tinh thần tham gia và chiến đấu dũng cảm của quân dân miền Nam, như đưa đứa con cuối cùng cho giải phóng, đấu tranh trực diện với quân thù, chặn xe lội nước địch, chống càn, tình quân dân, mẹ con, vợ con, gia đình cách mạng.

  Tranh khắc kẽm: Tình mẹ con.Tranh: Huỳnh Quốc Trọng
Tranh khắc kẽm: Tình mẹ con.Tranh: Huỳnh Quốc Trọng

Những sự hy sinh to lớn về nhiều mặt của phụ nữ Việt Nam. Trong tác phẩm tôi muốn phản ánh hiện thực quá trình phát triển của cách mạng từ những năm đen tối cho đến khi mặt trận ra đời và giành được những chiến thắng vẻ vang như ngày nay. Các anh, các chú xem và chọn, rất mong các anh, các chú giúp đỡ.

Để đáp ứng yêu cầu cách mạng hiện đang đòi hỏi, hiện chúng tôi đang lao vào sáng tác và ghi chép thực tế nhiều mặt với số lượng, chất lượng cao hơn, để góp phần cùng toàn quân, toàn dân ta đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai bán nước, giải phóng miền Nam, thực hiện một miền Nam độc lập, dân chủ, hòa bình, trung lập, phồn vinh, đem tới thống nhất nước nhà.

Tất cả anh em trong này gửi lời hỏi thăm sức khỏe đến các anh, các chú.

Rất mong được thư các anh, các chú.

Chào thân ái

HUỲNH QUỐC TRỌNG