Gan Thị Phương Ánh đi tìm lại chính mình

Cập nhật, 22:08, Chủ Nhật, 03/03/2024 (GMT+7)

Có năng khiếu viết văn, làm thơ hay và từng đạt giải cao ở cấp khu vực ĐBSCL, cấp tỉnh, nhưng chị Gan Thị Phương Ánh lại mang trái tim và ước mơ với tình yêu nghệ thuật sân khấu cải lương Nam Bộ.

Chị Gan Thị Phương Ánh sinh năm 1968, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long. Phương Ánh được sinh ra trong gia đình bình dân tại Phường 1, TP Vĩnh Long; gia đình không có người làm nghệ thuật, nhưng chị Phương Ánh lại có đa tài về lĩnh vực văn học nghệ thuật.

Những năm còn tuổi thanh thiếu niên, chị tham gia Bút nhóm Áo Trắng (Trung tâm Hoạt động thanh thiếu niên tỉnh Vĩnh Long). Từ đó, Phương Ánh được học và trau dồi được kỹ năng viết văn, làm thơ…

Năm 2001, Phương Ánh tham gia sinh hoạt Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long. Từ môi trường văn học nghệ thuật, Phương Ánh càng phát huy sở trường viết văn, truyện ngắn, làm thơ… và từ đó đến nay chị đạt nhiều giải thưởng lớn về văn học ở khu vực ĐBSCL và cấp tỉnh.

Đang độ “sung sức” trong lĩnh vực viết văn, thơ, nhưng Phương Ánh lại ấp ủ và tìm tòi học hỏi viết bài ca vọng cổ viết kịch bản sân khấu, dù chưa biết đàn cổ cũng như nhạc lý...

Năm 2017, Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Long tổ chức cuộc thi viết lời mới bài ca vọng cổ, nhạc tài tử Nam Bộ, Phương Ánh tham gia dự thi bài vọng cổ “Tình mẹ” và đạt giải khuyến khích. Đây là tác phẩm bài ca vọng cổ đầu tay của Phương Ánh, từ đó càng thôi thúc chị bước sang lĩnh vực sân khấu.

Bài vọng cổ “Tình mẹ” với 4 câu vọng cổ và 2 điệu lý, mở đầu bài hát bằng lý Chim quyên và xen giữa câu 2 và 5 bằng điệu lý Tòng quân. Bài ca kể một câu chuyện về một người con gái được mẹ cho đi học ở xa quê.

Khi thành tài ở lại thành thị với cuộc sống xa hoa kẻ đón người đưa, quên mẹ một mình vò võ nơi quê nhà. Khi nhớ lại, quay về thì mẹ đã già và người con tỏ lòng hối hận. “Con chối bỏ một miền quê nghèo khó. Để mẹ ngóng trông thắt thẻo mong chờ” (dứt câu 5).

Bài vọng cổ “Tấm lòng bác Sáu”, cũng 4 câu vọng cổ và lý Qua cầu. Bài hát thể hiện lòng tôn kính và biết ơn bác Sáu- Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt đã có những quyết sách làm nên những công trình vĩ đại phát triển đất nước.

Trong đó, tác giả tâm đắc câu nói của bác Sáu “Không ai chọn cửa mà sinh ra!” là câu nói nổi tiếng khái quát về tinh thần đại đoàn kết và hòa hợp hòa giải dân tộc. Bao năm qua, câu nói này đánh động đến suy nghĩ của nhiều người, không chỉ đối với người dân trong nước và kiều bào Việt Nam ở nước ngoài.

“Bác đã thấu hiểu cho nỗi lòng của những người con lạc bước. Chỉ muốn chung tay dựng xây Tổ quốc sau những mất mát đau thương từ cuộc chiến điêu … tàn” (Vọng cổ câu 6).

Nói về tình yêu đối với nghệ thuật ca cổ, cải lương, Gan Thị Phương Ánh cho biết: Ngay từ nhỏ chị đã thích nghe ca cổ và cải lương. Nhà ở gần Đoàn Văn công Cửu Long, mỗi lần các nghệ sĩ tập tuồng, chị và chị gái chạy lại xem, rồi về nhà bắt chước diễn hát.

Rồi thời thiếu nữ, đoàn văn công mở lớp biểu diễn, chị xin học, nhưng ba chị không cho, sợ con lông bông “xướng ca vô loài” (thành kiến Nho giáo phong kiến). Từ đó chị Phương Ánh cứ ấp ủ mãi ước ao được đến với nghệ thuật sân khấu. Phương Ánh có nguyện vọng được biểu diễn, được sáng tác bài vọng cổ, kịch bản sân khấu…

Từ đó, chị vào internet tìm học cách sáng tác vọng cổ, sáng tác kịch bản. Rồi đến nay, nhiều bài vọng cổ chị sáng tác được đăng trên tạp chí văn nghệ, được biểu diễn trên sân khấu. Chưa thỏa nguyện, chị còn khát khao được biểu diễn, khi ở vào tuổi trung niên, chị tham gia học lớp biểu diễn tuồng cổ do Nghệ nhân ưu tú Vũ Linh Tâm trực tiếp hướng dẫn. “Hồi đó, nhà kế bên có máy hát dĩa.

Mỗi lần nhà ấy mở ca cổ hay tuồng cải lương, tôi ngồi nghe say sưa đến không còn biết những gì diễn ra xung quanh. Cứ vậy mà tôi thuộc nhiều bài ca vọng cổ, thậm chí nhiều tuồng cổ trang tôi thuộc lời nguyên tuồng, như Thuyền ra cửa biển, Đêm lạnh chùa hoang, Áo Vũ cơ hàn, Người tình trên chiến trận, Băng Tuyền nữ chúa…”- Chị Phương Ánh tâm sự.

Đầu năm 2023, Gan Thị Phương Ánh xin chuyển sinh hoạt từ Phân hội Văn học sang Phân hội Sân khấu. Điều làm nhiều người ngỡ ngàng, vì ít ai biết chị ấp ủ tình yêu nghệ thuật sân khấu cải lương Nam Bộ. Đồng thời chị cũng là người thuộc hàng “văn hay chữ tốt”. “Tôi xin chuyển sinh hoạt qua sân khấu để học hỏi các anh các chú trong sáng tác và biểu diễn, để thỏa đam mê cải lương đã ấp ủ trong tôi mấy chục năm qua. Tôi đang tìm lại chính mình!”.

Nghệ nhân ưu tú Vũ Linh Tâm- Chi hội trưởng Chi hội Sân khấu Việt Nam tỉnh Vĩnh Long, nhận xét: “Phương Ánh có hàm lượng văn chương tốt, lại có năng khiếu do ưu thế của người viết văn, nên lời bài hát sử dụng ngôn ngữ mạch lạc truyền cảm và gần gũi.

Tuy nhiên, do chưa rành một số làn điệu của tài tử, nên còn hạn chế trong sáng tác, đặc biệt là viết kịch bản. Với lòng đam mê của Phương Ánh, anh em nghệ nhân trong Chi hội, Phân hội Sân khấu sẽ hỗ trợ Phương Ánh bù đắp những phần khiếm khuyết trong sáng tác, giúp Phương Ánh thỏa nguyện ước mơ!”.

Bài, ảnh: NGUYÊN HẠNH