Tôn vinh nét đẹp truyền thống của phụ nữ

Cập nhật, 07:00, Thứ Bảy, 02/03/2024 (GMT+7)
Phụ nữ Vĩnh Long đồng diễn hưởng ứng “Tuần lễ áo dài” năm 2023.
Phụ nữ Vĩnh Long đồng diễn hưởng ứng “Tuần lễ áo dài” năm 2023.
Những năm gần đây, dù cuộc sống ngày càng hiện đại, năng động, nhưng chiếc áo dài, áo bà ba lại càng gần gũi, quen thuộc hơn với phụ nữ. Khoác lên mình chiếc áo dài, áo bà ba, các chị em tiếp tục tạo hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng và khơi dậy trách nhiệm gìn giữ, phát huy truyền thống văn hóa của người Việt Nam.
 
Nét đẹp bình dị, thân quen
 
Trong khoảng 5 năm trở lại đây, công chúng chứng kiến nhiều cơn sốt áo dài mới. Sau bộ phim “Tấm Cám”, phom áo dài hơi xòe cùng chiếc mấn cách điệu bùng nổ, từ phim “Cô Ba Sài Gòn”, các bạn trẻ háo hức may áo dài bằng vải mang họa tiết gạch bông.
 
Một số nhóm bạn trẻ đã tìm hiểu, phục dựng và tạo nên hiệu ứng từ những bộ cổ phục. Đặc biệt, mỗi dịp lễ Tết, không khó để chứng kiến những bạn nữ từ lứa tuổi học sinh đến những phụ nữ trung niên khoác lên chiếc áo dài hay áo bà ba chụp hình trên những góc phố, lan tỏa khắp mạng xã hội.
Phụ nữ Vĩnh Long hưởng ứng mặc áo dài.
Phụ nữ Vĩnh Long hưởng ứng mặc áo dài.
 
Không khí hưởng ứng lễ hội trang phục áo bà ba, áo dài rộn ràng lan tỏa từ các cơ quan, đơn vị, trường học đến các địa phương trên địa bàn tỉnh. Khoác lên mình chiếc áo đẹp nhất, dù ở độ tuổi nào, dù làm bất kỳ công việc gì, người phụ nữ cũng tự tin, thướt tha trong từng cử chỉ, bước đi.
 
Đó là minh chứng cho niềm tự hào, tình yêu chiếc áo bà ba, áo dài. Đồng thời đã thể hiện được tinh thần trách nhiệm của mỗi người phụ nữ hôm nay luôn có ý thức giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của quê hương.
 
Khoảng đầu thế kỷ XX, bộ quần áo bà ba giản dị trong cuộc sống thường ngày ở miền Tây Nam Bộ. Loại áo phù hợp với các điều kiện sinh hoạt, thời tiết, lao động ở miền đất này khi xẻ giữa, làm khuy, cài cúc nhựa do ảnh hưởng của phương Tây, tay áo dài, được xẻ hai bên vạt ở hông để dễ cử động.
 
Cùng với áo bà ba, chiếc khăn rằn là nét đặc trưng riêng cho bản sắc văn hóa của người dân vùng sông nước, phụ nữ mặc áo bà ba, quấn khăn rằn làm việc, sinh hoạt và chiến đấu. Ngoài thể hiện sự duyên dáng, chiếc áo còn gợi nhắc hình ảnh tảo tần, chịu thương, chịu khó của người mẹ, người chị.
 
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử dân tộc và tiếp biến văn hóa, tà áo dài có nhiều thay đổi để phù hợp hơn với nhịp sống đương đại nhưng ở thời kỳ nào cũng vẫn giữ trong mình nét truyền thống, góp phần tôn lên vẻ đẹp thanh lịch, kín đáo của người phụ nữ Việt Nam và để lại những ấn tượng tốt đẹp đối với người dân trong nước và bạn bè quốc tế.
 
Trong buổi trưng bày chuyên đề: “Trang phục, trang sức các dân tộc ĐBSCL” tại Bảo tàng Vĩnh Long, ông Nguyễn Xuân Hoanh- Phó Giám đốc Sở Văn hóa-TT-DL, đã nói: Lịch sử phát triển hơn 300 năm của vùng ĐBSCL không chỉ được ghi nhận trong sử sách mà còn thể hiện rõ nét qua trang phục.
 
Mỗi bộ trang phục, mỗi món trang sức là một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống. Xuất phát từ những đặc điểm về lịch sử, địa lý, kinh tế, phong tục, tập quán, quan niệm thẩm mỹ và sự giao lưu văn hóa giữa các dân tộc qua từng thời kỳ lịch sử, chúng đã góp phần làm nên bản sắc văn hóa đồng bằng phong phú, nhiều màu sắc.
 
Tôn vinh, lan tỏa những giá trị truyền thống
 
Từ bao đời nay áo dài là trang phục truyền thống của người Việt Nam và áo dài luôn là di sản văn hóa trong lòng người Việt Nam. 
 
Hơn 800 phụ nữ Vĩnh Long từng tổ chức diễu hành và đồng diễn trang phục áo dài truyền thống Việt Nam nhân ngày Quốc tế Phụ nữ với mục tiêu cùng làm, cùng vui và cùng chia sẻ, qua đó tôn vinh tà áo dài của Việt Nam để các chị em phát huy được nét đẹp dịu dàng của mình.
 
Festival Áo bà ba Hậu Giang 2023 nhận hiệu ứng tích cực từ người dân và nhân dịp này, Hậu Giang lần đầu tiên giới thiệu những bộ sưu tập áo bà ba được dệt từ sợi tơ khóm Cầu Đúc. TP Cần Thơ tổ chức Lễ hội Trang phục áo bà ba, áo dài chủ đề “Duyên dáng phương Nam” với hơn 5.000 phụ nữ tham gia…
Áo bà ba thể hiện sự duyên dáng, năng động của người phụ nữ miền đồng bằng sông nước.
Áo bà ba thể hiện sự duyên dáng, năng động của người phụ nữ miền đồng bằng sông nước.
 
Nhiều năm nay, Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động “Tuần lễ áo dài” với nhiều hoạt động tôn vinh chiếc áo dài Việt Nam được triển khai sôi nổi, đa dạng, rộng khắp trong cả nước đã được đông đảo cán bộ, hội viên, phụ nữ trên cả nước tích cực tham gia. Phụ nữ mặc áo dài tại cơ quan, công sở, nơi làm việc và những sự kiện trong gia đình, xã hội, qua đó góp phần lan tỏa, tôn vinh giá trị văn hóa của áo dài Việt Nam.
 
Các cấp hội LHPN nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã tổ chức rất nhiều hoạt động sôi nổi, mang tính tập thể thu hút đông đảo hội viên, phụ nữ và các thành phần trong xã hội tham gia để lan tỏa hình ảnh chiếc áo dài. Các chương trình nghệ thuật, đồng diễn, trình diễn áo dài, quyên góp áo dài tặng phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn,... được tổ chức đồng loạt tại các tỉnh, thành, địa phương, cơ sở, tạo được hiệu ứng tích cực trong việc gìn giữ và phát huy trang phục truyền thống của dân tộc.
 
Cô giáo trẻ Huỳnh Anh cho biết, thật tự hào khi được khoác lên mình chiếc áo dài truyền thống của dân tộc và mỗi cán bộ nữ trong nhà trường tự nhủ sẽ tiếp tục thi đua, phấn đấu để hoàn thành thật tốt mọi nhiệm vụ được giao.
 
Bà Nguyễn Thị Kim Anh- Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Vĩnh Long, cho biết, những tà áo dài đã thể hiện sự duyên dáng, thướt tha nhưng không kém phần năng động, sáng tạo của người phụ nữ hiện đại.
 
Hưởng ứng “Tuần lễ áo dài” hàng năm là cách làm thiết thực nhằm góp phần tôn vinh và lan tỏa giá trị của áo dài trong đời sống xã hội, khơi dậy niềm tự hào, trách nhiệm giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa của người Việt Nam trong mỗi cán bộ, hội viên, phụ nữ.
 
Hội LHPN tỉnh cũng vừa phát động “Tuần lễ áo dài” năm 2024 trong cả tỉnh, khuyến khích phụ nữ mặc áo dài tại cơ quan, đơn vị và tham gia các hoạt động, đưa áo dài trở thành trang phục được sử dụng thường xuyên, rộng rãi trong các dịp lễ, Tết, sự kiện quan trọng.
 
Theo bà Dương Tuyết Nga- Trưởng Ban Gia đình Xã hội- Kinh tế, Hội LHPN tỉnh, các hoạt động tôn vinh giá trị áo dài đã được lồng ghép thường xuyên với các hoạt động, sự kiện của các cấp hội LHPN trong tỉnh.
 
Ngoài ra, những dịp đi công tác cơ sở hay tham gia các hoạt động về nguồn, các sự kiện, các dịp giao lưu trao đổi kinh nghiệm thì chị em cán bộ, hội viên cũng thường xuyên chọn chiếc áo bà ba. Khoác lên chiếc áo bà ba đặc trưng của phụ nữ đồng bằng, các chị duyên dáng thướt tha và cũng không kém phần năng động, tự tin để hoàn thành tốt các hoạt động công tác. 
Phụ nữ Vĩnh Long mặc chiếc áo bà ba trong các hoạt động.
Phụ nữ Vĩnh Long mặc chiếc áo bà ba trong các hoạt động.
 
Chiếc áo dài, áo bà ba qua bàn tay của các nhà thiết kế, cùng với những chất liệu đặc trưng của địa phương tạo nên sự giao hòa độc đáo giữa truyền thống và hiện đại, tôn vinh thêm nét đẹp, sự duyên dáng, dịu dàng, tính năng động, sáng tạo của phụ nữ Việt Nam.
 
Chúng ta cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ những giá trị truyền thống tốt đẹp này, gìn giữ và lan tỏa ý nghĩa trang phục truyền thống của người Việt Nam.
Bài, ảnh: YẾN- THÚY