Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 22

"Bản hòa âm" đa sắc màu

Cập nhật, 16:51, Thứ Ba, 27/02/2024 (GMT+7)
Nghi thức truyền thống kéo lá cờ thơ.
Nghi thức truyền thống kéo lá cờ thơ.
Ngày Thơ Việt Nam được tổ chức vào ngày rằm tháng Giêng hàng năm. Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 22 có chủ đề “Bản hòa âm đất nước”, không khí thi ca nhộn nhịp trên cả nước trong thời khắc còn nồng ấm hương xuân thật sự làm xao xuyến bao người yêu thơ và để lại dư vị khó quên.
 
Tự hào quá khứ, vững bước đến tương lai
 
Ngày Thơ Việt Nam tỉnh Vĩnh Long lần thứ 22 được tổ chức tại Trường THPT Lưu Văn Liệt TP Vĩnh Long, ngôi trường được thành lập cách nay tròn 75 năm (1949-2024).
 
Ông Trần Thanh Sơn- Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, cho biết, từ ngôi trường College de Vinh Long đầu tiên năm 1949 đến Trường Trung học Nguyễn Thông, Trường Trung học Tống Phước Hiệp, Trường Cấp 3 TX Vĩnh Long và nay là Trường THPT Lưu Văn Liệt.
 
Nhiều thế hệ học sinh của trường đã trở thành những nhà lãnh đạo, nhà khoa học nổi tiếng. Một ngôi trường mang tên người học sinh của chính ngôi trường này và cũng là người đặt mìn đánh Mỹ đầu tiên ở miền Tây Nam Bộ. Lưu Văn Liệt đã trở thành Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, là tấm gương để thế hệ hôm nay noi theo.
 
Vĩnh Long vinh dự và tự hào có những nhà thơ lớn như: Thượng Tân Thị, Nguyễn Thông, Nhiêu Tâm, Học Lạc, Phan Văn Trị… Nguyễn Hải Trừng, với truyện thơ “Chú Hai Neo”, Truy Phong với tập “Lòng quê”, nổi tiếng với bài “Một thế kỷ mấy vần thơ”.
 
Trong thời kỳ chống Mỹ có các nhà thơ: Nguyễn Minh Điền, Sa Giang Tử, Văn Tước, Kiên Tâm, Nguyễn Minh Quang, Sao Vàng, Trúc Phương, Song Hảo... Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đội ngũ những tác giả thơ Vĩnh Long không ngừng phát triển và trưởng thành. Hiện nay, đội ngũ những người làm thơ ở Vĩnh Long có trên 50 tác giả- một đội ngũ khá hùng hậu và vững chãi.
 
Ông Trần Thanh Sơn nhấn mạnh: “Thơ đồng hành cùng cuộc sống con người, góp phần bồi đắp tâm hồn, nhân cách con người. Thơ làm cho con người đẹp hơn trong giới hạn của mình, bao dung hơn và tự tin hơn trên hành trình của cuộc sống làm người”.
 
Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 22 có chủ đề “Bản hòa âm đất nước”, và văn học Vĩnh Long cũng sẽ đồng hành cùng đất nước hướng về chủ quyền dân tộc, hướng về núi sông bờ cõi. Văn học nghệ thuật gắn với quá trình xây dựng NTM, với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xây dựng văn hóa và con người Việt Nam trong quá trình phát triển bền vững đất nước.
 
“Bản hòa âm đất nước” còn là ngày hội của những vẻ đẹp đời sống và văn hóa của các dân tộc anh em thông qua thơ- nhạc- cổ. 
 
Hướng tới khát vọng chân- thiện- mỹ
 
Ở đâu đó, chúng ta vẫn còn nghe thấy những giai điệu của mùa xuân, đó chính là những cung bậc cảm xúc khiến bất cứ ai cũng hân hoan, phấn khởi. Không khí vui tươi của những ngày Tết vẫn còn phảng phất, hương vị mùa xuân vẫn còn lắng đọng, đêm thơ là cầu nối đôi bờ rung cảm của người làm thơ và công chúng yêu thơ.
 
Đây cũng là dịp để các nhà thơ chia sẻ, trao đổi những kinh nghiệm trong lĩnh vực thơ ca, là niềm tin, là động lực để thơ ca cất cánh, bay cao, vươn xa, là hoạt động để tất cả chúng ta cùng hướng về xây dựng cuộc sống tươi đẹp hơn.
 
Như một điều không thể thiếu, mở đầu đêm thơ, một hồi trống vang lên rồi tiếng trống lắng dần. Bài thơ “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt vang vọng do NNƯT Vũ Linh Tâm thể hiện. Tiếp sau đó luôn là phần thể hiện bài thơ đã trở thành tiêu đề cho ngày Thơ Việt Nam “Nguyên tiêu” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 
NNƯT Vũ Linh Tâm thể hiện bài thơ “Nam quốc sơn hà”.
NNƯT Vũ Linh Tâm thể hiện bài thơ “Nam quốc sơn hà”.
 
Thể hiện niềm tin và hy vọng vào đầu năm mới, tiết mục nhạc phổ thơ “Chol Chnam Thmay” của tác giả thơ An Phương, nhạc Mai Trung Nghĩa thể hiện văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Khmer, gửi gắm một cái Tết tràn đầy hy vọng, niềm tin, là điểm khởi đầu cho một năm mới bởi trời đất giao hòa, cây cối đâm chồi nảy lộc... hướng tới một năm mới may mắn, vui tươi, người người mạnh khỏe, mùa màng bội thu. 
 
Không gian thơ bỗng lắng đọng trong “Ký ức linh thiêng” được Lê Đỗ Lan Anh sáng tác trong chuyến đi thực tế tại Côn Đảo. Bài thơ thể hiện cảm nhận của tác giả về nỗi đau thể xác của những người tù và những người đã mãi nằm xuống trên mảnh đất này: “Lịch sử là ánh sáng hiện tiền/ Những con tàu đến và đi nhiều ước hẹn/ Vỗ ngàn năm ký ức linh thiêng”…
 
Cô Phan Hoàng Tú Nga- Hiệu Trưởng Trường THPT Lưu Văn Liệt, chia sẻ: “Thơ ca là tinh hoa của văn hóa, là giá trị tinh thần của mỗi dân tộc, phản ánh nên chiều sâu và tâm hồn con người. Chính vì vậy văn học nói chung, thơ ca nói riêng trở thành một trong những môn học trong nhà trường.
 
Nếu trong tương lai, chương trình văn học địa phương đưa vào chương trình cấp 3, chắc chắn thơ ca Vĩnh Long sẽ được đưa vào giảng dạy để các em học sinh có điều kiện tìm hiểu thơ ca Vĩnh Long, để có thêm niềm tự hào về vùng đất “Địa linh nhân kiệt” của chúng ta”. 
Những người yêu thơ có dịp hội ngộ, cùng tự hào với những đóng góp của thơ ca.
Những người yêu thơ có dịp hội ngộ, cùng tự hào với những đóng góp của thơ ca.
 
Ông Phan Văn Giàu- Giám đốc Sở Văn hóa-TT-DL tỉnh, cho biết, ngày thơ góp phần làm phong phú thêm cho không khí lễ hội của những ngày đầu xuân trên quê hương Vĩnh Long. Vai trò của thơ ca trong nền văn hóa càng trở nên có nhiều ý nghĩa khi mà đất nước ta hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế thế giới.
 
Thơ ca có thể góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc để chúng ta “hòa nhập mà không hòa tan”, “đổi mới mà không đổi màu”. Sứ mệnh của văn hóa nói chung, của văn học nghệ thuật và thơ ca nói riêng là góp phần xây dựng con người hướng tới những khát vọng về chân- thiện- mỹ. 
Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ