Chính sách nhân văn

Cập nhật, 07:44, Thứ Sáu, 17/08/2018 (GMT+7)

Chính phủ đã thống nhất đề xuất của Bộ GD-ĐT thực hiện chính sách miễn học phí với trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh THCS trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập với trẻ em, học sinh diện phổ cập, đặc biệt với xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa... Đây là chính sách nhân văn, có ý nghĩa lớn đối với xã hội.

Nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước luôn có chủ trương thực hiện chính sách phổ cập giáo dục cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập tiểu học, phổ cập giáo dục THCS và tiến tới thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm.

Dẫu vậy, do chưa đáp ứng được về nguồn lực, hiện nay, chính sách miễn học phí mới chỉ được áp dụng đối với cấp tiểu học. Đến năm 2017, chính sách miễn học phí được mở rộng thêm với việc áp dụng cho trẻ 5 tuổi ở vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn.

Nhưng diện bao phủ như vậy- theo các ĐBQH- vẫn còn hạn chế và chưa thể hiện đúng nguyên tắc của phổ cập giáo dục là Nhà nước phải có chính sách bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, trường lớp học và phải không thu học phí (không phân biệt trường công và trường tư).

Chính vì thế, tại kỳ họp thứ 5 vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội đã tha thiết kiến nghị, Nhà nước phải có chính sách miễn học phí đối với người học thuộc diện phổ cập giáo dục tại các cơ sở giáo dục công lập, nghiên cứu chính sách hỗ trợ học phí cho người học thuộc diện phổ cập giáo dục tại cơ sở giáo dục ngoài công lập.

Dù mức thu học phí đối với giáo dục mầm non và phổ thông hiện nay không cao, nhưng rõ ràng, việc không thu học phí THCS sẽ giảm bớt gánh nặng kinh tế đối với người dân có thu nhập thấp, người dân sống ở vùng có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn, vùng sâu, vùng xa, góp phần ổn định an sinh xã hội.

Chính sách mới cũng tạo thêm cơ hội cho trẻ em học mầm non 5 tuổi, học sinh THCS được tiếp cận giáo dục, đặc biệt học sinh thuộc gia đình có thu nhập thấp, tiệm cận chuẩn nghèo.

HOÀNG HÀ