Nông dân vẫn thua thiệt!

Cập nhật, 08:28, Thứ Năm, 16/08/2018 (GMT+7)

Mới đây, người viết đi thăm vợ chồng anh bạn làm nghề nuôi heo nhiều năm. Với tâm thế chúc mừng vợ chồng họ khi giá heo tăng vọt, thế nhưng vợ chồng người bạn buồn so. Trại heo nhiều năm qua luôn có 500- 700 con heo, mỗi tháng đều có xuất chuồng, còn bây giờ nhường chuồng mấy con bò thảnh thơi nhai rơm. Ô chuồng nuôi heo nái là đàn vịt siêu thịt ồn ã...

Anh chị lắc đầu: “Heo lên giá nhưng có còn đâu để bán. Đầu năm ngoái, lỗ một lứa gần 500 triệu, cố gắng gồng mình duy trì tiếp 2 lứa giá heo chưa lên, lỗ đứt gần một tỷ. Khi đã hết sự chịu đựng thì… giá heo lên gấp đôi.”

Đâu chỉ gia đình anh bạn này, sau cuộc khủng hoảng thừa vào năm 2017, hàng ngàn hộ nhỏ lẻ đã bỏ nuôi heo hoặc giảm đàn do không còn đủ khả năng tài chính. Bởi vậy, khi giá heo tăng tới 200% thì người nuôi cũng không được hưởng lợi. Nghịch lý kéo dài nhiều năm nay không chỉ đối với lĩnh vực chăn nuôi mà với cả ngành nông nghiệp cho đến nay vẫn chưa có lời giải.

Giá heo tăng chỉ có doanh nghiệp có “tiềm lực” được hưởng lợi, còn nông dân lỗ vài trăm triệu đã trắng tay. Các công ty lớn có biến động, khủng hoảng, lỗ hàng chục, hàng trăm tỷ cũng dễ phục hồi hơn bởi họ trường vốn (có nhiều vốn để làm ăn lâu dài). Dù tăng đàn- rớt giá hay giảm đàn- giá tăng, cuối cùng nông dân vẫn thua thiệt.

Nhìn lại diễn biến thời gian qua, nhiều người không khỏi hoài nghi việc doanh nghiệp lợi dụng thị trường chăn nuôi heo xuống thấp để kéo giá lên cao.

Lãnh đạo ngành nông nghiệp nhận định, hiện giá heo hơi của Việt Nam thuộc nhóm cao nhất trong khu vực, hoàn toàn do thị trường và người chăn nuôi chi phối. Vậy vai trò quản lý, điều tiết, định hướng ngành chăn nuôi của các cơ quan chức năng sẽ thế nào khi người nông dân phải “bơi” trong bão giá, từ chạm đáy thua lỗ đến cao chót vót chỉ trong vài tháng? 

HOÀNG HÀ