Mùa nước nổi miền Tây- đến hẹn lại lên

Cập nhật, 06:17, Thứ Bảy, 11/08/2018 (GMT+7)

Từ hơn tháng nay, nước trên sông Tiền, sông Hậu, sông Cổ Chiên đã chuyển sang màu ngầu đỏ. Người dân sông nước miền Tây khấp khởi mừng dòng nước chứa phù sa đến hẹn lại lên, bồi bổ cho những cánh đồng lúa, rau màu, vườn cây ăn trái tốt tươi.

Thông tin từ Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cho hay, ĐBSCL sẽ đón đỉnh lũ sớm vào nay mai và nhận định đây là năm lũ thấp.

Dù vậy, những ngày đầu tháng 8, nông dân ở các vùng thượng nguồn An Giang, Đồng Tháp trở tay không kịp do lũ về nhanh, hoa màu chịu thiệt hại.

Thực tế đời sống người dân đồng bằng đã thay đổi rất nhiều và mùa lũ (được nhắc đến nhiều hơn mùa nước nổi) hầu như càng trở nên “khó chịu” hơn!

Trong nhiều năm qua, nhờ hệ thống đê bao nội đồng khép kín, người dân đồng bằng ung dung thu hoạch, gieo sạ lúa, rau màu vụ này gối đầu vụ kia, làm liên tục không cho đất nghỉ.

Và có nơi coi con nước đầu mùa là lũ vì nó bất ngờ làm ngập hoa màu, ruộng lúa phải thu hoạch “chạy lũ”…

Mỗi mùa nước về, điều mà hàng chục triệu nông dân vùng ĐBSCL mong chờ là nó dung hòa lợi ích từ việc tiêu diệt mầm bệnh, mang lại phù sa cho đồng ruộng, không phá hoại các công trình đê bao, đường giao thông nông thôn, nhà cửa người dân, mà mang theo nhiều cá tôm…

Tuy nhiên, qua nhiều mùa nước đến hẹn mà không lên, người dân đã thấm thía ruộng vườn thiếu phù sa tác hại như thế nào và đồng bằng “thấy thiếu thiếu”.

“Con nước ở sông Cửu Long từ thượng nguồn đổ về và từ tháng 6, tháng 7 dâng lên từ từ tràn lên đồng “nằm” ở đó rồi đạt đỉnh tháng 9, tháng 10 và đến tháng 11 (đều tính theo âm lịch) bắt đầu rút xuống dần.

Đến từ từ và rút êm ái, nước đồng bằng có hung dữ đâu mà gọi là nước lũ”- nhiều nông dân Chợ Mới (An Giang) phân tích và chắc nịch- “Hồi trước, vùng mình chỉ gọi là mùa nước nổi, từ sau này khi bắt đầu có những dự án làm đê bao thì mới có dùng từ lũ”.

Thế nên, người dân miền Tây háo hức đón chờ mùa nước nổi về đồng hơn là cảm giác “sợ lũ”. Nhiều cánh đồng tận dụng mùa nước nổi tràn đồng để nuôi thủy sản, trồng rau thủy sinh; chính quyền địa phương quản lý chặt từ cỡ mắt lưới cá đến cấm tiệt khai thác thủy sản bằng xung điện…

Không chỉ là tận thu “của trời cho” một cách vô ý thức, người dân đồng bằng đã biết khai thác, bảo tồn và làm giàu lên từ những lợi thế tự nhiên dành cho mình.

Với việc “định vị”, tìm lại mùa nước nổi cho đồng ruộng, miền Tây có thêm mùa hò hẹn của du khách khắp nơi đến trải nghiệm miền văn minh sông nước độc đáo.

Và người đồng bằng còn được nhiều hơn, làm giàu hơn từ việc khai thác các giá trị gia tăng khác nữa khi biết trân trọng mùa nước nổi- đặc sản của mình.

TRẦN PHƯỚC