Xuất khẩu trái cây: Không dễ ăn!

Cập nhật, 10:31, Thứ Năm, 09/08/2018 (GMT+7)

Với sự nỗ lực trong việc tìm kiếm, mở rộng thị trường của nhà quản lý cũng như doanh nghiệp, nhiều loại nông sản, trái cây Việt Nam đã và đang vươn ra mạnh mẽ thị trường thế giới.

Theo Bộ Công thương, trái cây Việt Nam đã xuất khẩu tới 180 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, đặc biệt là các thị trường yêu cầu cao như Mỹ, Úc, Nhật...

Theo Bộ Nông nghiệp-PTNT, cả nước hiện có khoảng 700.000ha cây ăn quả, cho sản lượng hàng năm khoảng 7 triệu tấn quả các loại, trong đó có nhiều loại trái cây được nhiều nước đánh giá rất ngon và muốn nhập khẩu như: thanh long, xoài, vải thiều, chôm chôm,...

Tuy nhiên, để đưa trái cây Việt Nam có chỗ đứng lâu dài ở thị trường nước ngoài lại là điều không dễ.

Còn nhớ, năm 2015, trái vải Việt Nam được phép thâm nhập thị trường Úc sau 10 năm đàm phán. Đến nay, sau 3 năm triển khai, số lượng doanh nghiệp tham gia xuất khẩu giảm đến 70% bởi không đáp ứng được yêu cầu của phía Úc.

Không chỉ trái vải, Mỹ và Úc còn mở cửa cho Việt Nam xuất khẩu 3 trái cây khác gồm: thanh long, chôm chôm, nhãn với điều kiện bắt buộc là hàng phải qua xử lý chiếu xạ để giải quyết triệt để nhiễm khuẩn, dịch bệnh trên quả.

Đó là chưa kể một loạt yêu cầu khắt khe về tổ chức sản xuất, đóng gói, xử lý kiểm dịch thực vật...

Các chuyên gia ngành nông nghiệp cũng cho rằng, với những điều kiện bắt buộc tại 2 thị trường nói trên, trái cây Việt cần sử dụng giải pháp tốt nhất để đáp ứng các điều kiện đó là phương pháp chiếu xạ.

Tuy nhiên, trên thực tế, ở Việt Nam các cơ sở để thực hiện giải pháp này vẫn thiếu. Miền Bắc thì chưa có, còn miền Nam thì các doanh nghiệp xuất khẩu lại chịu những chi phí lớn cho việc này.

Như vậy, rõ ràng, không chỉ với trái vải, thanh long, xoài, chôm chôm,…các loại trái cây khác khi muốn đưa ra thị trường nước ngoài cần tuân thủ nhiều quy định.

Xuất khẩu trái cây- cửa đã rộng mở, nhưng không dễ ăn! 

HOÀNG HÀ