Việc giám hộ sẽ chấm dứt khi người được giám hộ đã có năng lực hành vi dân sự đầy đủ

Cập nhật, 15:10, Thứ Tư, 31/01/2024 (GMT+7)

Tôi có nhận làm giám hộ cho đứa cháu từ khi cháu còn nhỏ. Nay, cháu sắp 18 tuổi. Một hôm, cháu nói con sắp trưởng thành rồi, mẹ con cũng quay về bên con, con cảm ơn thời gian qua cô đã cưu mang và chăm lo cho con.

Nhưng sắp tới, chắc con không còn nhờ cô giám hộ nữa và cô chuẩn bị tính toán mọi thứ để giao lại cho mẹ và con! Điều cháu nói tôi phải suy nghĩ mãi và không biết phải quyết định như thế nào cho đúng?

L.T.T. (Kiên Giang)

Trả lời:

Chị T. thân mến! Điều 19 Bộ luật Dân sự (BLDS) quy định: Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự. Theo Điều 20 BLDS: Người thành niên là người từ đủ 18 tuổi trở lên. Người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp quy định tại Điều 22, 23 và 24 của bộ luật này (đó là người mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự).

Căn cứ quy định trên, nếu khi đủ 18 tuổi (không là người thuộc 3 trường hợp tại các Điều 22, 23, 24 BLDS), cháu của chị là người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Đây là 1 trong những điều kiện có thể chấm dứt việc giám hộ.

Theo điểm a, khoản 1, Điều 62 BLDS, việc giám hộ chấm dứt trong trường hợp người được giám hộ đã có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Điều 19 Luật Hộ tịch quy định, UBND cấp xã nơi đã đăng ký giám hộ thực hiện đăng ký chấm dứt giám hộ.

Việc đăng ký chấm dứt giám hộ được quy định tại khoản 1, Điều 22 Luật Hộ tịch như sau: Người yêu cầu đăng ký chấm dứt giám hộ nộp tờ khai đăng ký chấm dứt giám hộ theo mẫu quy định và giấy tờ làm căn cứ chấm dứt giám hộ theo quy định của BLDS cho cơ quan đăng ký hộ tịch.

HT tư vấn