Lừa đảo thế chấp tài sản rồi đem bán trả nợ

Cập nhật, 11:53, Thứ Sáu, 08/12/2023 (GMT+7)

 

Lê Thị Ngọc Hương (ảnh, SN 1986, ngụ xã Nguyễn Văn Thảnh, huyện Bình Tân) lừa đảo bằng hình thức nhận thế chấp đất rồi đem bán để lấy tiền trả nợ.

Ngày 6/12, TAND tỉnh Vĩnh Long mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử và tuyên phạt bị cáo Lê Thị Ngọc Hương 7 năm tù vì tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo cáo trạng, tháng 4/2019, anh Nguyễn Văn Dạng thế chấp 12 thửa đất bằng hình thức hợp đồng ủy quyền cho Lê Thị Bích Trâm (con gái chị Trần Kim Phượng, ngụ TP Cần Thơ) để vay của chị Phượng 150 triệu đồng.

Sau đó, anh Dạng hỏi vay thêm 150 triệu đồng nhưng chị Phượng không có nhưng hứa sẽ giới thiệu cho người khác. Cũng trong thời gian này, Lê Thị Ngọc Hương nợ Trần Văn Thịnh (TP Cần Thơ) 600 triệu đồng đến hạn nhưng không có tiền trả nên Thịnh nói sẽ làm thủ tục sang tên thửa đất (do cha Hương đứng tên) mà trước đó Hương thế chấp để vay tiền.

Cùng đường, Hương nảy sinh ý định cho vay tiền thông qua hình thức thế chấp đất, sau đó thế chấp lại cho người khác để lấy tiền trả nợ. Hương gặp chị Phượng thì nghe nói đến trường hợp của anh Dạng đang có nhu cầu thế chấp 12 thửa đất để vay 300 triệu đồng, thời hạn 1 năm, lãi suất 5 %/tháng.

Sau đó, Hương mượn Nguyễn Phúc Lê Duy 300 triệu đồng để đưa cho anh Dạng, đồng thời nhờ Duy tìm cách thế chấp các thửa đất của anh Dạng. Ngày 16/4/2019, tại văn phòng công chứng, anh Dạng ký 3 hợp đồng ủy quyền 12 thửa đất cho Hương.

Theo đó, Hương được toàn quyền thay mặt anh Dạng ký tên trên hợp đồng đặt cọc, hợp đồng chuyển nhượng, hợp đồng tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất của anh Dạng đã ủy quyền (kể cả việc ký hủy hoặc sửa đổi, bổ sung hợp đồng nêu trên và không giới hạn số lần ký kết) với cá nhân tổ chức và thực hiện các quyền của chủ sở hữu, sử dụng bất động sản theo quy định của pháp luật tại cơ quan công chứng và các cơ quan chức năng có thẩm quyền có liên quan.

Đối với tài sản là quyền sử dụng thửa đất nêu trên với cá nhân, tổ chức; đóng các loại thuế, phí, lệ phí và nhận khoản tiền thu được từ việc ký kết các hợp đồng nêu trên (nếu có), thực hiện các công việc cần thiết khác có liên quan không trái pháp luật để thực hiện các công việc đã được ủy quyền tại cơ quan công chứng và các cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Tuy nhiên, vì sợ Hương tự ý bán đất của mình cho người khác, anh Dạng yêu cầu Hương viết tờ thỏa thuận với nội dung “nếu anh không đóng lãi quá 3 tháng thì Hương có quyền sở hữu tài sản trên, anh không có quyền khiếu nại về sau”.

Ngay sau khi nhận các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Hương lập tức đưa cho Duy tìm người thế chấp vay tiền. Cụ thể, chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (TX Bình Minh) nhận thế chấp 8 thửa đất thông qua hợp đồng chuyển nhượng và cho Hương vay 800 triệu đồng, thời hạn vay 3 tháng, lãi suất 5 %/tháng, kèm điều kiện ràng buộc nếu không trả lãi như cam kết thì chị Hạnh làm thủ tục sang tên.

Ngày 17/4/2019, sau khi ký hợp đồng chuyển nhượng, chị Hạnh đưa trước cho Hương 600 triệu đồng, 2 ngày sau đưa tiếp 160 triệu đồng (đã trừ lãi suất 1 tháng là 40 triệu đồng).

Do Hương không trả nợ như cam kết nên ngày 9/4/2020, chị Hạnh nhờ Duy đến cơ quan đăng ký đất đai sang tên 8 thửa đất mới biết không thể do vướng tranh chấp. Cũng với chiêu thức này, cùng ngày 17/4/2019, Hương chuyển nhượng 2 thửa đất cho Duy để trừ bớt tiền Hương nợ Duy trước đó.

Duy nhờ người anh tên Nguyễn Phúc Toàn đứng tên trên giấy chứng nhận. 2 thửa đất còn lại, Hương chuyển nhượng cho chị Nguyễn Thị Hồng (ngụ TP Cần Thơ) với số tiền 50 triệu đồng. Toàn và chị Hồng làm thủ tục sang tên và được cơ quan đăng ký đất đai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Các thửa đất này, Toàn và chị Hồng tiếp tục chuyển nhượng cho người khác thì bị cơ quan chức năng ngăn chặn.

Theo cáo trạng, tổng số tiền Hương chiếm đoạt của 2 bị hại Hạnh và Hồng là 810 triệu đồng. Hành vi này đã phạm vào tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 174 Bộ luật Hình sự.

Bài, ảnh: TRUNG HƯNG