Em kiện anh đòi tài sản thừa kế

Cập nhật, 09:16, Thứ Năm, 07/12/2023 (GMT+7)

Mẹ mất để lại di chúc nhưng anh em không tìm được tiếng nói chung trong việc chia tài sản dẫn đến tranh chấp phải đưa nhau ra tòa.

Bà N.L.C. và ông N.Q.B. (ở TP Vĩnh Long) là anh em ruột nhưng nhiều năm qua không thuận thảo vì bất đồng trong việc phân chia tài sản. Cụ thể, trước khi qua đời, mẹ của bà C. và ông B. có lập di chúc để lại tài sản gồm nhà và đất diện tích 103,2m2 cho anh em bà.

Tuy nhiên, sau khi mẹ qua đời vào năm 2018, bà C. yêu cầu anh trai chia tài sản theo di chúc nhưng ông B. không đồng ý nên phát sinh tranh chấp. Ngày 1/10/2020, bà C. khởi kiện yêu cầu ông B. chia đôi thửa đất, còn nhà và tài sản khác trong nhà giao ông B. quản lý sử dụng.

Tại đơn phản tố ngày 6/6/2022, ông B. trình bày: Thửa đất bà C. đòi chia được cấp quyền sử dụng hộ gia đình do mẹ ông đại diện đứng tên và ông là thành viên nên là tài sản chung. Do đó, ông B. yêu cầu chia đôi thửa đất, ông nhận một nửa là 51,6m2 và nửa phần còn lại là của mẹ ông sẽ chia theo di chúc. Ông và bà C. mỗi người nhận 25,8m2 nhưng do bà C. đã có chỗ ở ổn định nên ông yêu cầu được nhận hiện vật và sẽ hoàn giá trị đất cho bà C..

Tại phiên tòa sơ thẩm, HĐXX đã công nhận cho ông B. được sử dụng toàn bộ thửa đất. Trong đó, phần ông B. được chia tài sản chung thuộc hộ gia đình với mẹ ruột là 30,96m2 và 72,24m2 là nhận thừa kế. Ông B. phải hoàn trả giá trị phần đất bà C. được chia thừa kế bằng số tiền hơn 234,7 triệu đồng. Tuy nhiên, cả ông B. và bà C. đều không đồng ý với phán quyết này nên đã kháng cáo.

Trong đơn kháng cáo ngày 14/8/2023, ông B. yêu cầu được quyền sử dụng 50% diện tích đất thuộc tài sản chung hộ gia đình với mẹ ruột, tương đương 51,6m2 và chia thừa kế diện tích còn lại thành 2 phần cho ông và bà C..

Ông B. yêu cầu được nhận nhà đất và hoàn giá trị phần bà C. được chia thừa kế 25,8m2 tương đương 167,7 triệu đồng. Bà C. thì yêu cầu được hưởng thừa kế 41,9m2 đất trong khối di sản mẹ ruột để lại theo giá thị trường.

Việc phân chia tài sản chi li đến từng mét vuông đất được xem là nguyên nhân khiến anh em bà C. không thể ngồi lại giải quyết theo hướng “hợp lý, vẹn tình”.

Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm, qua phân tích của HĐXX, ông B. và bà C. đã nhận ra việc hơn thua chỉ càng làm anh em bất hòa nên đã tự nguyện thỏa thuận, bà C. giao cho ông B. quản lý sử dụng toàn bộ nhà, đất diện tích 103,2m2; ông B. có trách nhiệm trả giá trị 40m2 cho bà C. theo giá thị trường tương đương 440 triệu đồng.

Xét sự thỏa thuận trên phù hợp với quy định pháp luật và không trái với đạo đức xã hội nên HĐXX đã công nhận và tuyên ông B. được quyền sử dụng toàn bộ nhà, đất diện tích 103,2m2. Ông B. được liên hệ cơ quan chức năng kê khai đăng ký quyền sử dụng đất và phải hoàn trả giá trị phần đất bà C. hưởng theo thừa kế bằng 440 triệu đồng.

Vụ kiện kết thúc và nút thắt trong mối quan hệ của anh em ông B., bà C. cũng đã được tháo gỡ sau nhiều năm tranh chấp, bất hòa.

DIỄM PHƯỢNG