Vĩnh Long đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử

Cập nhật, 05:35, Thứ Tư, 29/08/2018 (GMT+7)

Vĩnh Long đã ban hành nhiều chủ trương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), đặc biệt là trong xây dựng chính quyền điện tử. Thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh và triển khai hoàn thiện các hạng mục của dự án xây dựng chính quyền điện tử, tiếp cận với các công nghệ mới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Hệ thống một cửa điện tử cấp xã góp phần nâng cao chất lượng phục vụ công dân. Trong ảnh: Hệ thống một cửa điện tử tại UBND Phường 1 (TP Vĩnh Long).
Hệ thống một cửa điện tử cấp xã góp phần nâng cao chất lượng phục vụ công dân. Trong ảnh: Hệ thống một cửa điện tử tại UBND Phường 1 (TP Vĩnh Long).

Tập trung phát triển ứng dụng CNTT

Trao đổi về việc phát triển CNTT của tỉnh trong thời gian qua, bà Đoàn Hồng Hạnh- Phó Giám đốc Sở Thông tin- Truyền thông (TT-TT) tỉnh cho biết hạ tầng TT-TT tiếp tục được hoàn thiện và hiện đại hóa.

Hiện có 7 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông. Có 2.313 trạm BTS (987 trạm 3G và 393 trạm 4G), phủ sóng thông tin di động mặt đất và truy nhập Internet băng rộng tốc độ cao đến 100% xã- phường- thị trấn tạo điều kiện thuận lợi cho triển khai ứng dụng CNTT phục vụ người dân.

Mạng diện rộng của tỉnh đã triển khai đến cơ quan hành chính từ tỉnh đến huyện, xã. Trong đó mạng truyền số liệu chuyên dùng tốc độ cao từ 5Mbps- 30 Mbps ở cấp tỉnh và UBND cấp huyện và 15Mbps cho đường truyền cấp xã- phường- thị trấn.

Tổng số máy tính tại các cơ quan nhà nước của tỉnh trang bị cho cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh, cấp huyện đạt tỷ lệ 100%, cấp xã đạt tỷ lệ 70,5%.

Bà Đoàn Hồng Hạnh cho biết thêm, tỉnh đang triển khai các ứng dụng CNTT theo hướng tập trung chủ yếu tại Trung tâm dữ liệu của tỉnh.

Hiện có 16 máy chủ vật lý, đang xây dựng theo hướng Cloud. Hiện đang vận hành các ứng dụng dùng chung của tỉnh như hệ thống một cửa điện tử, các cổng/trang thông tin điện tử, các phần mềm ứng dụng chuyên ngành,…

Giám đốc Sở TT-TT tỉnh- Phan Văn Giàu nhấn mạnh, công tác phát triển, ứng dụng CNTT được quan tâm. Đến nay, hầu hết các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt chữ ký số, 100% UBND cấp xã được cấp và triển khai sử dụng.

Tính đến tháng 6/2018, toàn tỉnh có 1.254 chứng thư số đang sử dụng. Quan tâm sử dụng phần mềm để luân chuyển, xử lý văn bản đi- đến, có đính kèm tập tin văn bản điện tử có tích hợp chữ ký số.

Hiện tỷ lệ văn bản đi- đến được chuyển hoàn toàn trên môi trường mạng (hoàn toàn không dùng văn bản giấy) trên tổng số văn bản đi- đến trong nội bộ các cơ quan, đơn vị đạt khoảng 80%.

Tổng số hộp thư điện tử lên 8.364 hộp thư cho cán bộ, công chức, viên chức với tỷ lệ thường xuyên sử dụng là hơn 90%.

Cổng dịch vụ công trực tuyến (https://dichvucong.vinhlong.gov.vn) đảm bảo công khai, minh bạch quá trình giải quyết công việc cho công dân.
Cổng dịch vụ công trực tuyến (https://dichvucong.vinhlong.gov.vn) đảm bảo công khai, minh bạch quá trình giải quyết công việc cho công dân.

Một số ứng dụng CNTT ở các sở, ngành được xây dựng và đạt được một số kết quả. Cụ thể, từng bước hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai của tỉnh (đang thí điểm tra cứu thông tin thửa đất bằng tin nhắn mức độ 3 tại các xã đã triển khai phần mềm VLAP);

dự án thông tin khuyến nông và thị trường, xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành; triển khai sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh chính thức đưa vào vận hành tại địa chỉ https://trade.vinhlong.gov.vn;

triển khai phần mềm quản lý bệnh viện (VNPT-His); hệ thống quản lý bệnh truyền nhiễm theo Thông tư số 54; hệ thống quản lý vắc xin và báo cáo tiêm chủng mở rộng;…

Đến nay, tổng số cổng/trang tin điện tử và các phần mềm ứng dụng chuyên ngành trên địa bàn là 114.

Ông Phan Văn Giàu cũng khẳng định, công tác đảm bảo nguồn nhân lực CNTT ngày càng được quan tâm, nhất là nguồn nhân lực cho công tác đảm bảo an toàn thông tin.

Từ năm 2016, tỉnh đã thành lập và từng bước kiện toàn Đội ứng cứu an toàn thông tin mạng với 32 thành viên, chú trọng công tác đào tạo và bồi dưỡng kỹ năng cho đội ngũ làm CNTT, hàng năm mở các lớp đào tạo an toàn thông tin cho phụ trách CNTT của các cơ quan nhà nước cấp tỉnh đến cấp xã, đảng đoàn thể,…

Đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử

Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời cho biết, xác định lĩnh vực TT-TT là lĩnh vực quan trọng đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh, Vĩnh Long đã ban hành nhiều chủ trương để đẩy mạnh ứng dụng CNTT và bước đầu đạt được một số kết quả đáng khích lệ, đặc biệt là trong xây dựng chính quyền điện tử.

Theo đó, hệ thống một cửa điện tử được triển khai theo hướng tập trung, thống nhất, liên thông quy trình xử lý từ cấp tỉnh đến cấp xã. Đối với cấp huyện triển khai từ tháng 2/2017.

Kết quả bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực tạo điều kiện thuận lợi, đảm bảo công khai, minh bạch quá trình giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp, góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh.

Điểm nổi bật của hệ thống là đối với từng thủ tục hành chính của cấp huyện và cấp xã sẽ thống nhất thực hiện quy trình thực hiện thủ tục hành chính giống nhau, từ đó giúp cho việc đánh giá công tác giải quyết thủ tục hành chính giữa các địa phương cũng như công tác vận hành, điều chỉnh khi thay đổi được thuận lợi.

Đặc biệt, cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh được xây dựng và đưa vào vận hành từ tháng 2/2017. Cổng xây dựng theo hướng tập trung đã tích hợp, liên thông với hệ thống một cửa điện tử cấp tỉnh, cấp huyện, và một số cấp xã.

Trên cổng có 100% dịch vụ công trực tuyến cấp huyện và một số đơn vị cấp xã đạt mức độ 3. Theo kế hoạch đến cuối năm 2018, sẽ tích hợp hệ thống một cửa điện tử cấp tỉnh và dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 cho các sở, ban, ngành tỉnh.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lữ Quang Ngời- Trưởng BCĐ CNTT, thời gian tới tỉnh tiếp tục tập trung triển khai hoàn thiện các hạng mục của dự án xây dựng chính quyền điện tử, trong đó chú trọng chia sẻ, liên kết cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin từ trung ương đến địa phương để phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp, tiếp cận với các công nghệ mới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Từ năm 2017, tỉnh triển khai 3 cơ sở dữ liệu dùng chung giữa một số ngành:

* Cơ sở dữ liệu về an toàn vệ sinh thực phẩm: Thống nhất cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý, khai thác và cung cấp thông tin, thống kê báo cáo về lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm, dữ liệu liên quan các ngành nông nghiệp- PTNT, y tế, UBND cấp huyện.

* Cơ sở dữ liệu nền doanh nghiệp: Thống nhất quản lý các thông tin cơ bản của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh từ lúc hình thành, quá trình hoạt động, đến lúc giải thể từ các cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tích từ các ngành: kế hoạch và đầu tư, công thương, lao động- thương binh và xã hội, thuế, BHXH; ngoài ra còn là kênh tiếp nhận đóng góp ý kiến, cung cấp thông tin liên quan doanh nghiệp.

* Cơ sở dữ liệu công chứng: Phần mềm triển khai trên toàn tỉnh và áp dụng liên quan lĩnh vực Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự, Sở Tài nguyên- Môi trường, các tổ chức hành nghề công chứng và tại 100% UBND cấp xã. Dự kiến vận hành trong quý III/2018.

Bài, ảnh: TẤN ANH