Đừng làm tổn thương trái cây Việt Nam!

Cập nhật, 05:58, Thứ Năm, 24/06/2021 (GMT+7)

(VLO) Do hoạt động trong ngành du lịch, được đi nhiều nơi, nhất là ở các quốc gia Châu Á, tôi thấy họ làm du lịch sinh thái, du lịch nông trang rất tốt. Điều đặc biệt ở chỗ, cách họ cho khách du lịch dùng trái cây ngay tại vườn, khi còn trên cành tươi xanh, chẳng hạn như ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan...

Thoạt đầu tôi còn ái ngại, vì lẽ do thói quen ở trong nước, khi dùng rau quả đều phải ngâm nước muối hoặc rửa nhiều nước cho thật sạch trước khi ăn.

Tôi được chủ vườn trấn an rằng ở đây nhà nông không lạm dụng thuốc trừ sâu, những nông trại hữu cơ hoàn toàn nói không với những hóa chất độc hại nên cứ ăn thoải mái. Vả lại, họ có giấy chứng nhận hẳn hoi từ phía cơ quan hữu trách chứ không nhận bừa. Nếu lừa dối thì họ bán cả gia sản cũng không bồi thường nổi.

Ở ta, trước đây người dân cũng có thói quen dùng trái cây trên cành, ăn tại chỗ vì cảm giác ấy rất thú vị, ngon miệng, thoải mái. Ấy là thời người dân trồng trọt theo kiểu truyền thống, ít tiếp cận với hóa chất (do đắt tiền).

Nhưng từ lúc con người lạm dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học, thuốc trừ sâu,... cho cây tươi tốt, trái to căng bóng, không hư hại, thì người tiêu dùng bắt đầu kỹ tính hơn.

Ngay cả một số nhà vườn, họ còn không dám ăn rau củ quả do họ trồng chứ nói gì người tiêu dùng khuất mắt. Trong một nông trại, thường chủ nhân sẽ chừa lại một miếng đất nhỏ để trồng rau, củ, quả hữu cơ cho gia đình dùng. Tất nhiên không phải ai cũng kém đạo đức trồng trọt, chăn nuôi.

Rất nhiều người có lòng nhiệt huyết với nông trại, ra sức trồng theo hướng “sạch” nhưng rồi cũng thưa thớt dần vì đầu ra và vì khó cạnh tranh với nông sản rẻ tiền.

Từ đấy, một số người bắt đầu rẽ sang “hướng mới”. Cũng cần nói thêm, việc dùng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học không phải xấu, vì đó là cách để bảo vệ cây trái.

Nhưng việc lạm dụng quá nhiều chất hóa học đã đẩy mặt hàng trái cây Việt Nam sang hướng tiêu cực. Về phía cơ quan chức năng, họ cũng làm rất tốt trong công tác quản ký, giám sát, kiểm tra vấn đề nông sản sạch. Nhưng rất khó kiểm soát tuyệt đối khi mà nhà nông trồng trọt, buôn bán nhỏ lẻ đại trà.

Một điều nữa là mặt hàng trái cây nhập lậu, đi đường tiểu ngạch thường kém chất lượng, gắn mác Việt Nam.

Từ nhiều năm qua, mặt hàng nông sản Trung Quốc làm mưa làm gió trên thị trường trái cây tại Việt Nam. Để dễ dàng tiếp cận, trái cây Trung Quốc thường gắn mác Nhật, Mỹ, Hàn, Thái... thậm chí là hàng Việt Nam.

Nó được bày bán khắp các khu chợ truyền thống, chợ tự phát trong cả nước. Nếu tinh ý sẽ dễ dàng nhận ra ngay, bởi trái cây Trung Quốc rẻ, để lâu không hư, trái to căng bóng...

Có những loại quả để hàng tháng trời còn y nguyên bên ngoài, nhưng bên trong đã hỏng. Nếu là người thường xuyên đi chợ, bạn sẽ thấy các xe trái cây mang tên: đào Sa Pa, mận Hà Nội, nho Ninh Thuận,… Thực tế thì trong số ấy, đa phần là hàng Trung Quốc. Nói thẳng ra, chính người Việt Nam hại người Việt Nam.

Nếu chúng ta đặt đạo đức kinh doanh làm tôn chỉ, coi trọng sức khỏe con người, muốn hoạt động ngành nghề lâu dài thì không nên dùng hóa chất độc hại tác động vào cây ăn quả làm hao mòn sức khỏe người tiêu dùng.

Vừa qua, cuối tháng 7/2020, cơ quan chức năng huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) đã phát hiện hơn 8 tấn dâu tây Trung Quốc nhập lậu đem lên Đà Lạt giả dâu tây Đà Lạt.

Theo Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Chi cục Tiêu chuẩn- Đo lường- Chất lượng Lâm Đồng), kết quả kiểm tra lô dâu tây bị tạm giữ đó, có một hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật (Abamectin có kết quả 0,063 mg/kg) vượt 3 lần giới hạn cho phép.

Cũng cần nhắc lại, vài năm trước, truyền thông cũng đã đưa tin khoai tây Trung Quốc đem lên Đà Lạt trộn đất đỏ để giả làm khoai tây Đà Lạt rồi tung ra thị trường. Nếu không có sự tiếp tay nhẫn tâm của một vài người Việt Nam thì hàng độc hại đâu tung hoành như vậy.

Để trái cây Việt Nam không bị tổn thương, tổn hại thì rất cần đạo đức làm vườn của các nhà nông. Song song đó, cơ quan chức năng cần thanh- kiểm tra, xử phạt nghiêm khắc để dần chấm dứt việc sử dụng hóa chất độc hại, vượt mức cho phép tác động vào rau, củ, quả.

Phải công nhận rằng trái cây thuần Việt thơm ngon nhưng hiện Việt Nam chỉ có vài loại trái cây xuất khẩu sang thị trường khó tính như Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản.

Để trái cây Việt Nam bay cao, bay xa, nổi tiếng khắp thế giới như Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc... thì cần hoàn thiện nhiều yếu tố, trong đó đòi hỏi nhà nông phải lao động nghiêm túc. Đặc biệt là không nên tiếp tay cho các trái cây độc hại nước ngoài, làm xấu đi hình ảnh, chất lượng trái cây Việt Nam trên thị trường thế giới.

ĐẶNG TRUNG THÀNH