Hãy nói thật với cha mẹ!

Cập nhật, 17:11, Thứ Tư, 09/06/2021 (GMT+7)

Ngày nay, thành phần bất hảo thường lừa gạt bằng nhiều cách và nhắm vào tuổi học sinh, sinh viên. Khi xảy ra chuyện, các em thường giấu cha mẹ; tự xoay xở bằng cách vay tiền “tín dụng đen”, đến khi hết khả năng trả nợ thì làm chuyện phi pháp hoặc khi phụ huynh biết thì nợ đã lên cả trăm triệu, cả tỷ đồng. Xin nêu 3 trường hợp (xin giấu tên):

- Em N. (26 tuổi, ngụ Phường 8- TP Vĩnh Long), nhà có xe du lịch, thường chở khách quen và lái xe thuê ăn tiền công. Ngày nọ một chủ xe 7 chỗ thuê N. đi Thủ Đức về trong ngày, tiền công 500.000đ. Cha N. không cho đi nhưng vì muốn có tiền nên N. vẫn đi. Khi về, xe 7 chỗ va chạm nhẹ xe 30 chỗ, rồi cả 2 chủ xe đều xử ép N. như: nứt bóng đèn sau xe 30 chỗ giá 4 triệu nhưng buộc trả 8 triệu đồng; thuê kéo xe 7 chỗ về Vĩnh Long 5 triệu nhưng kê lên 15 triệu đồng; xe hư nằm chờ sửa thì tính ngày cho thuê xe và tính gấp đôi số ngày,… Tất cả là 40 triệu đồng. Nếu N. không giấu, điện thoại cho gia đình đến giải quyết thì có lẽ ổn rồi. Đằng này N. đã tự lo: điện bạn gái (A.) mượn 15 triệu đồng để trả ngay một số chi phí, sau đó kêu A. vay “tín dụng đen” với lãi suất cao, vì “nếu không sẽ bị xử”… N. nhiều lần dặn A. không cho cha mẹ N. biết. Thương N. nên A. điện kể cho mẹ N. biết và được khắc phục ngay. Còn may là N. giấu được khoảng 3 tuần, nếu kéo dài nhiều năm thì không biết hậu quả sẽ ra sao.

- Em B. (19 tuổi, ngụ Phường 8- TP Vĩnh Long) lên TP Hồ Chí Minh học nghề, ở nhà người dì. Hàng tháng, cha mẹ gửi tiền lên cho B. ăn học. Ban đêm, B. đi xin giữ xe máy để đỡ gánh nặng cho gia đình. Không ngờ, B. bị nơi đây lừa gạt: tạo hiện trường giả là có 1 người không có thẻ giữ xe đến lấy xe. B. cản lại, thì ông chủ đến hỏi rồi kêu cứ cho xe ra đi, không gì đâu. Sau đó, có người cầm thẻ giữ xe đến lấy xe và kêu mất xe. Ông chủ buộc B. đền 20 triệu đồng và giới thiệu chỗ cho B. vay. B. giấu cha mẹ tự khắc phục. Hàng tháng, mẹ B. gửi tiền lên thì B. cứ kêu gửi thêm, để đóng quỹ này nọ để trả lãi. Hơn 1 năm thì lãi mẹ đẻ lãi con, tình thế buộc B. phạm pháp. Và nạn nhân buộc gia đình B. trả gấp 3 lần giá trị tài sản (100 triệu đồng), nếu không sẽ báo công an. Cha mẹ B. vì danh dự gia đình, phải chạy lo vay tiền để trả nợ.

- Em K. (20 tuổi, ngụ TP Hồ Chí Minh), đang học ĐH năm 2. Gia đình có nhà lầu 2 tầng, là đại lý bán tạp hóa lớn… Một hôm, K. gom đồ về nhà ở, chứ không ở ký túc xá nữa. Gia đình tra hỏi mới biết K. trốn nợ, bỏ học vì chơi cá độ thua, vay “tín dụng đen”. K. còn gạt cả người thân là ông ngoại (75 tuổi) bằng cách kêu ông cho biết số tài khoản và mật khẩu, “vì có làm ăn với mấy đứa bạn, tụi nó gửi tiền vào tài khoản của ông rồi con rút ra”. Sau đó, K. rút sạch tiền của ông ngoại. Cho đến khi số nợ tăng lên vài tỷ đồng thì K. đành bỏ học, trốn về nhà. Khi gia đình biết chuyện thì cũng không đủ khả năng trả nợ. K. phải sống trong cảnh trốn nợ, luôn bất an sợ “xã hội đen” tìm đến. May mà sau đó K. được đi nghĩa vụ.

Thiết nghĩ, trên đây là bài học kinh nghiệm cho mọi người. Tuổi trẻ năng động, thường muốn làm gì đó kiếm tiền để bớt đi gánh nặng cho gia đình nhưng khi gặp chuyện thì lo sợ, giấu gia đình và tự giải quyết để rồi phải gánh chịu hậu quả nặng nề, có khi phải tiêu tan cả tương lai, sự nghiệp của bản thân và của cả gia đình.

MAI XUÂN