"Mục tiêu cao nhất là kiểm soát dịch bệnh"

Cập nhật, 15:05, Thứ Sáu, 08/07/2022 (GMT+7)

 

Du lịch Việt Nam phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Du lịch Việt Nam phục hồi sau đại dịch COVID-19.

(VLO) Trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát tại nhiều nước, chủ trì phiên họp thứ 15 của BCĐ Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 với BCĐ 63 tỉnh- thành trên cả nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính- Trưởng BCĐ nhấn mạnh: Mục tiêu cao nhất là kiểm soát được dịch COVID-19, yêu cầu tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, không để dịch bệnh bùng phát trở lại.

Dịch bùng phát trở lại tại một số quốc gia

Thứ trưởng phụ trách, điều hành Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, trên thế giới, biến thể phụ BA.5 của Omicron đã ghi nhận tại nhiều quốc gia và đã xuất hiện tại Việt Nam.

Biến thể phụ này có khả năng lây lan nhanh hơn 12% so với biến thể phụ BA.2 đang phổ biến tại Việt Nam hiện nay.

Việt Nam đã ghi nhận các trường hợp nhiễm biến thể phụ BA.4 và BA.5, do đó trong thời gian tới các ca nhiễm biến thể phụ BA.5 có thể ghi nhận nhiều hơn trong cộng đồng ở nước ta.

Do vậy, hệ thống giám sát, đáp ứng phòng chống dịch từ Trung ương đến địa phương cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, tiêm vắc xin tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh và tiếp tục truyền thông để người dân luôn có ý thức phòng, chống dịch.

Trong nước, sau khi tình hình dịch được kiểm soát tốt trên phạm vi cả nước đã có tâm lý lơ là, chủ quan, nhất là trong việc tiêm vắc xin, thậm chí né tránh tiêm vắc xin ở một bộ phận người dân tại một số nơi do đã mắc bệnh hoặc thấy tình trạng bệnh nhẹ khi mắc nên không muốn tiếp tục tiêm vắc xin; công tác vận động, khuyến khích người dân tham gia tiêm chủng chưa thực sự hiệu quả.

Trong bối cảnh đó, chúng ta vẫn phòng chống các dịch bệnh khác, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho người dân và xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, thực tiễn cho thấy vắc xin vẫn là vũ khí quyết định, cùng với việc củng cố, nâng cao năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở. Việc tiêm vắc xin là quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người để bảo vệ chính mình, gia đình và cộng đồng.

"Kinh nghiệm xương máu” khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhanh, khó lường, chưa tiếp cận được vắc xin do vắc xin khan hiếm trên toàn cầu, chưa có nhiều kinh nghiệm phòng chống dịch, năng lực y tế hạn chế, chúng ta buộc phải dùng các biện pháp hành chính để chống dịch, vừa lúng túng, bị động, vất vả, vừa nhiều mất mát, hy sinh, vừa ảnh hưởng tới các hoạt động kinh tế, xã hội.

Điều chỉnh công thức phòng, chống dịch từ 5K xuống 2K

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý tình hình dịch bệnh diễn biến vẫn phức tạp, các hoạt động chưa hoàn toàn trở lại bình thường như trước đại dịch.

Với việc xuất hiện biến chủng mới, dịch bệnh bùng phát trở lại ở nhiều nước, có những nước xuất hiện hàng trăm ngàn ca mắc mới mỗi ngày.

“Chúng ta phòng, chống dịch bệnh tốt để có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội; bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; nâng cao đời sống Nhân dân; xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng...”- Thủ tướng chỉ rõ.

Thủ tướng yêu cầu phải coi tính mạng, sức khỏe người dân là trên hết, trước hết; người dân là chủ thể, là trung tâm, chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của Nhân dân; phòng dịch vẫn là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, phòng dịch tốt thì không phải chống dịch, chống dịch là thường xuyên, quan trọng, đột phá; phòng chống dịch từ sớm, từ xa, mỗi người được tiếp cận y tế sớm nhất, nhanh nhất có thể, ngay từ cơ sở.

“Phòng, chống dịch là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự tham gia của Nhân dân. Tiêm vắc xin là quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân với chính mình, gia đình và cộng đồng, xã hội”- Thủ tướng nhấn mạnh.

Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng nêu rõ vẫn phải tiếp tục thực hiện 3 trụ cột phòng chống dịch (xét nghiệm, cách ly, điều trị), phương châm 2K (gồm khẩu trang và khử khuẩn) + vắc xin + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác.

Theo Thủ tướng, đây là những bài học kinh nghiệm đã được tổng kết từ thực tiễn trong nước và thế giới. Cùng với đó, tiếp tục tổ chức triển khai nghiêm túc và hiệu quả Nghị quyết số 38 của Chính phủ về Chương trình phòng chống dịch COVID-19; chủ động xây dựng và tập huấn với mọi tình huống có thể xảy ra, kể cả trường hợp dịch bệnh bùng phát trở lại.

Về việc bảo đảm đủ thuốc, vật tư y tế, nhân lực cho phòng chống dịch COVID-19 và khám chữa bệnh cho Nhân dân, Bộ Y tế cần thần tốc hơn nữa triển khai các chỉ đạo của Thường trực Chính phủ.

Đồng thời, yêu cầu các cấp, ngành, đặc biệt cơ quan truyền thông tăng cường truyền thông thông điệp phòng chống dịch, phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh hiện nay, không bị động trong trường hợp dịch bệnh bùng phát trở lại.

Để tăng cường giám sát dịch bệnh, Thủ tướng giao Bộ Y tế, các cơ quan liên quan và UBND cấp tỉnh tiếp tục bám sát tình hình dịch bệnh trên thế giới, nhất là sự xuất hiện của các biến chủng mới; chủ động có giải pháp ứng phó với các dịch bệnh mới phát sinh, ngăn chặn, kiểm soát ngay tại cửa khẩu, không để xâm nhập vào nước ta; rà soát, bảo đảm năng lực thu dung, điều trị; chủ động, sẵn sàng các kịch bản, phương án đáp ứng các tình huống dịch bệnh, không để bất ngờ, bị động; phát hiện sớm, điều trị sớm, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển biến nặng, tử vong; tiếp tục tăng cường năng lực của hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở; tập trung xử lý, kiểm soát chặt chẽ dịch sốt xuất huyết.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN