Sức khỏe và thuốc lá

Tác hại của khói thuốc lá đến trẻ em

Cập nhật, 09:04, Chủ Nhật, 26/06/2022 (GMT+7)

Theo các chuyên gia, khói thuốc lá trong môi trường là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều bệnh nguy hiểm, đặc biệt là trẻ em, bởi ở trẻ em phổi chưa phát triển hoàn thiện, sức đề kháng chưa cao nên trẻ rất nhạy cảm với các chất kích thích và chất độc trong khói thuốc.

Trẻ sống chung với người hút thuốc sẽ có nguy cơ cao mắc nhiều bệnh đường hô hấp.
Trẻ sống chung với người hút thuốc sẽ có nguy cơ cao mắc nhiều bệnh đường hô hấp.

Trẻ em sống chung với người hút thuốc sẽ vô tình tiếp xúc hoặc hít phải khói thuốc lá. Khói thuốc thường đến từ hai nguồn: khói thuốc thụ động và khói thuốc phụ.

Theo số liệu của Bộ Y tế, Việt Nam đang nằm trong số 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới với khoảng 15 triệu người hút và 33 triệu người hít phải khói thuốc thụ động. Có tới 70% trẻ dưới 5 tuổi bị phơi nhiễm với khói thuốc lá thụ động. Khói thuốc thụ động là khói từ người hút nhả ra. Khói thuốc phụ bay ra từ đầu điếu thuốc đang cháy và chiếm phần lớn lượng khói thuốc trong một môi trường nhất định.

Khói thuốc phụ độc hại gấp 2- 3 lần khói thuốc do người hút thải ra vì khói thuốc phụ không đi qua đầu lọc khói. Một đứa trẻ nếu ở trong căn phòng có vài người hút thuốc trong khoảng 1 giờ sẽ hấp thụ nhiều hóa chất độc hại tương đương với một người hút 10 điếu thuốc mỗi ngày. Nhìn chung, trẻ có mẹ hút thuốc hấp thụ nhiều khói thuốc vào cơ thể hơn những trẻ có cha hút thuốc vì thông thường trẻ dành nhiều thời gian ở bên mẹ hơn. Những trẻ bú sữa từ người mẹ hút thuốc sẽ gặp nhiều nguy cơ nhất bởi hóa chất từ khói thuốc sẽ hòa lẫn bên trong sữa mẹ. Tác hại này cũng tương đương với hóa chất từ khói thuốc bên ngoài môi trường xung quanh bé.

Các bà vợ thường rất khó chịu khi các ông chồng hút thuốc trong nhà hay không gian công cộng. Chị Lê Thị Thu Anh (Phường 3- TP Vĩnh Long) cho biết: “Phần là chị em nào cũng ghét mùi thuốc, phần là vì rất hại cho trẻ nhỏ. Bởi khói thuốc lá không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người hút mà nó còn ảnh hưởng vô cùng nặng nề đến những người hít phải khói thuốc lá hay còn gọi là hút thuốc thụ động. Và trẻ em là nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất về cả sức khỏe và trí tuệ”. Chị Nguyễn Ngọc Thùy (xã Long Mỹ- Mang Thít) bức xúc: “Người lớn biết hút thuốc lá có hại cho sức khỏe, biết toàn bộ khói thuốc bao vây trẻ em là ảnh hưởng đến các em, nhưng thói quen hút thuốc lá vẫn không bỏ được. Những đứa trẻ ngày ngày nhìn người lớn hút thuốc, thậm chí ngày ngày đi mua thuốc lá cho người lớn, nhiều đứa trẻ 13- 14 tuổi đã hút thuốc lá”.

Theo chuyên gia y tế, chức năng giải độc ở cơ thể trẻ em thấp hơn người trưởng thành, nên trẻ em càng dễ nhiễm độc từ khói thuốc lá. Đáng ngại nhất là tỷ lệ mắc ung thư ở trẻ sẽ cao gấp từ 1,6- 8 lần so với người lớn. Có đến 165.000 trẻ em chết trước 5 tuổi trên thế giới là do nhiễm trùng đường hô hấp dưới vì hút thuốc lá thụ động.

Bác sĩ Trần Điều Ngọc Hân- Bệnh viện Phổi tỉnh Vĩnh Long cho biết, khi trẻ bị ảnh hưởng bởi thuốc lá sẽ làm giảm chức năng hô hấp, sức khỏe kém, tăng nguy cơ nhiễm trùng phổi, viêm phổi, viêm phế quản, hay bị ho, thở khò khè. Khói thuốc làm tăng nguy cơ mắc bệnh hen suyễn ở trẻ em, khi trẻ đã bị hen suyễn mà hít thở không khí có khói thuốc sẽ lên cơn hen nhiều hơn và bệnh cũng trầm trọng hơn. Hút thuốc lá thụ động gây ra những hậu quả lâu dài cho trẻ em như làm lão hóa mạch máu sớm, làm dày thành mạch, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ sau này, làm tăng nguy cơ mắc nhiều loại bệnh khác và gây nên gánh nặng về kinh tế cho gia đình và cuộc sống của trẻ em.

“Để hạn chế khói thuốc lá ảnh hưởng đến trẻ cách tốt nhất là người nhà cần bỏ hút thuốc. Khi đi ra ngoài, hạn chế cho trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá. Bên cạnh đó, để kiểm tra xem trẻ có đang bị mắc các bệnh về đường hô hấp mà nguyên nhân do hút thuốc lá thụ động, phụ huynh nên cho trẻ đi khám định kỳ để tầm soát sức khỏe và có những phương pháp giúp trẻ khỏe mạnh, phát triển toàn diện”- bác sĩ Ngọc Hân khuyến cáo.

Bài, ảnh: MAI ANH