Phòng, chống dịch COVID-19: Cần tiêm ngừa đúng lịch, đủ liều

Cập nhật, 07:44, Thứ Sáu, 24/06/2022 (GMT+7)

 

Cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, tiêm vắc xin tăng cường, tiêm nhắc lại và tiếp tục truyền thông để người dân có ý thức phòng, chống dịch.
Cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, tiêm vắc xin tăng cường, tiêm nhắc lại và tiếp tục truyền thông để người dân có ý thức phòng, chống dịch.

Trước tình hình dịch đang được kiểm soát nhưng chưa kết thúc, giải pháp quan trọng hiện nay là đẩy nhanh việc tiêm vắc xin ngừa COVID-19 mũi 3, mũi 4 tại các địa phương. Đây cũng là nội dung chính tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương trong toàn quốc về công tác y tế và phòng chống dịch.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, bao phủ vắc xin vẫn là giải pháp cơ bản, nhất là khi các biến thể mới đáng lo ngại vẫn tiếp tục xuất hiện, chưa kể gánh nặng kép cho hệ thống y tế do các bệnh dịch mùa hè tăng.

Còn tình trạng lơ là tiêm vắc xin

Theo Thứ trưởng phụ trách điều hành hoạt động của Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, trên thế giới, thời gian gần đây, biến thể Omicron đã ghi nhận chiếm chủ đạo với các nhánh phụ BA.2; BA.2.3, BA.2.3.2; trong khi biến thể phụ BA.5 ghi nhận ở nhiều quốc gia có nguy cơ xâm nhập vào nước ta và có thể dẫn đến sự gia tăng các ca mắc COVID-19.

Tại Việt Nam, số ca mắc COVID-19 trong thời gian qua có xu hướng giảm mạnh nhưng số ca mắc mới được ghi nhận tăng nhẹ trở lại tại một số tỉnh- thành.

Bộ Y tế cho biết, với diễn biến dịch bệnh COVID-19 trên thế giới có thể xảy ra 2 tình huống. Thứ nhất, chủng vi rút vẫn tiếp tục tiến hóa, song do cộng đồng đã có miễn dịch nên số trường hợp nặng và tử vong ở mức thấp, dịch không còn nghiêm trọng hoặc xuất hiện biến thể mới nhưng ít nghiêm trọng.

Thứ hai, xuất hiện biến thể mới nguy hiểm hơn có khả năng làm giảm hiệu quả của vắc xin hoặc miễn dịch, khiến ca nặng hoặc tử vong tăng lên, dịch có nguy cơ bùng phát mạnh trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế. Do vậy, cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, tiêm vắc xin tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh và tiếp tục truyền thông để người dân luôn có ý thức phòng, chống dịch.

Đáng chú ý, tốc độ tiêm ngừa COVID-19 còn chậm, nhất là tiêm mũi 3, mũi 4 cho người trên 18 tuổi và tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Có tình trạng tồn đọng nhiều vắc xin tại Trung ương và các địa phương, dẫn tới nguy cơ hết hạn phải hủy bỏ nếu không đẩy mạnh tiếp nhận vắc xin và triển khai tiêm chủng trong thời gian tới.

Trước vai trò quan trọng của việc tiêm vắc xin mũi 3, mũi 4, Bộ Y tế đề nghị các địa phương khẩn trương tiếp nhận vắc xin đã được phân bổ, nhanh chóng hoàn thành tiêm; nơi nào không nhận vắc xin mà vẫn còn người cần tiêm mà bùng phát dịch thì địa phương đó sẽ chịu trách nhiệm.

Nêu những khó khăn hiện nay trong việc tiêm vắc xin mà Bộ Y tế, các địa phương cần tập trung khắc phục, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế hệ thống lại tất cả các văn bản để hướng dẫn chi tiết việc tiêm vắc xin mũi tăng cường cho các nhóm đối tượng khác nhau. Các địa phương thống nhất số lượng mũi tiêm với các nhóm đối tượng cụ thể; đồng thời, tăng cường tuyên truyền các thông tin, đặc biệt về các biến chủng vi rút mới có thể xuất hiện, làm rõ các tác dụng phụ sau khi tiêm vắc xin để vận động người dân đi tiêm an toàn trước mắt và lâu dài.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh tinh thần gương mẫu trong thực hiện tiêm vắc xin và có chế tài xử lý phù hợp những trường hợp không tham gia tiêm vắc xin theo yêu cầu. Về biện pháp phòng, chống dịch V2K (vắc xin, khẩu trang, khử khuẩn), Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương rà soát, nêu rõ những nơi bắt buộc thực hiện hoặc khuyến khích, vận động thực hiện.

Không được để thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế

Trước tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế ở một số cơ sở y tế thời gian qua, Thứ trưởng phụ trách điều hành hoạt động của Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, một số thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung quốc gia, thuốc y học cổ truyền, thuốc điều trị sốt xuất huyết, các trang thiết bị y tế chuyên sâu như thiết bị phòng mổ, thiết bị chuyên ngành thần kinh, tim mạch, nội soi tai mũi họng, mắt, tiêu hóa, hô hấp, hồi sức tích cực, thiết bị chẩn đoán hình ảnh, thiết bị xét nghiệm chuyên sâu;...

Sau khi nhận được phản ánh của các địa phương, cơ sở y tế về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai mua sắm, đấu thầu, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cam kết, Bộ Y tế sẽ phối hợp, làm việc với Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để có văn bản tháo gỡ. Bảo hiểm y tế Việt Nam nắm lại tình hình thanh toán cho những trường hợp bệnh nhân phải tự mua thuốc, vật tư y tế trong quá trình điều trị.

Tiêm vắc xin COVID-19 để bảo đảm yêu cầu của công tác phòng, chống dịch, vì vậy người dân cần đi tiêm đúng lịch, đủ liều.
Tiêm vắc xin COVID-19 để bảo đảm yêu cầu của công tác phòng, chống dịch, vì vậy người dân cần đi tiêm đúng lịch, đủ liều.

Về vấn đề thiếu thuốc, vật tư y tế tại các bệnh viện, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề cập nguyên nhân đấu thầu tập trung cấp trung ương còn chậm, các địa phương xác định vướng mắc cụ thể để các cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ, không để ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe người dân.

Thông tin rõ hơn về tác dụng phụ của tiêm ngừa COVID-19, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, đến nay Tổ chức Y tế thế giới và các quốc gia đều xác định vắc xin là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng, chống dịch COVID-19.

Trên thế giới, nhiều nước đã tiêm vắc xin ngừa COVID-19 mũi 3, mũi 4 cho người dân. Hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ đã triển khai tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi và một số quốc gia đã tiêm cho trẻ dưới 5 tuổi. “Hiện nay chưa có bất cứ bằng chứng khoa học nào khẳng định vắc xin COVID-19 ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe người dân. Trong khi hiệu lực của vắc xin giảm tương đối nhanh, vì vậy, để duy trì hiệu quả bảo vệ, cần phải tiêm mũi 3, mũi 4 theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Tiêm vắc xin ngừa COVID-19 để bảo đảm yêu cầu của công tác phòng, chống dịch, vì vậy người dân cần đi tiêm đúng lịch, đủ liều”- Thứ trưởng nói.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN