Nâng cao chất lượng cuộc sống là mục tiêu tại xã nông thôn mới kiểu mẫu

Cập nhật, 18:09, Thứ Tư, 15/05/2024 (GMT+7)
Nâng thu nhập cho người dân không chỉ là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội địa phương, mà còn là tiêu chí thể hiện chất lượng cuộc sống người dân nông thôn trong xây dựng NTM. Thời gian qua, các xã NTM kiểu mẫu của tỉnh đã không ngừng nỗ lực, đề ra các giải pháp hữu hiệu giúp người dân nâng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống. 
Mô hình nuôi lươn mang lại thu nhập khá cho nông hộ.
Mô hình nuôi lươn mang lại thu nhập khá cho nông hộ.
Xây dựng nhiều mô hình hiệu quả kinh tế cao
 
Với gần 1.190ha đất nông nghiệp, chiếm hơn 84,8% diện tích tự nhiên, đời sống người dân xã Đông Thạnh (TX Bình Minh) chủ yếu dựa vào nông nghiệp, mua bán nhỏ và làm thuê. Theo BCĐ Chương trình xây dựng NTM xã, để thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, xã đã tập trung thực hiện tốt kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững giai đoạn 2021-2025. 
 
Ông Trần Thanh Tựu- Chủ tịch UBND xã Đông Thạnh, cho hay, toàn xã có 503,2ha vườn cây ăn trái, nổi bật là mít ruột đỏ, sầu riêng, chanh không hạt, dưa lưới. Đồng thời, có gần 86,6ha màu chuyên canh, gồm: dưa leo và rau củ các loại. Về chăn nuôi, phát triển mô hình nuôi gà, vịt, dê... góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. 
 
Những năm qua, xã phối hợp triển khai ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cải tạo trồng hoa màu và cây ăn trái, khuyến khích người dân đẩy mạnh phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhằm tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích. Theo đó, năng suất lúa trung bình đạt 6,9 tấn/ha.
 
Hiện, xã có nhiều mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao như: trồng mít siêu sớm cho thu nhập bình quân 870 triệu đồng/ha/năm; chanh không hạt đạt 519 triệu đồng/ha/năm; vú sữa đạt 350 triệu đồng/ha/năm; trồng dưa leo theo hướng GAP đạt 290 triệu đồng/ha/năm...
 
Cùng với đó, xã còn thu hút vốn đầu tư, chủ động tìm đối tác, các nhà đầu tư có tiềm năng đầu tư vốn phát triển sản xuất, thu mua sản phẩm nông nghiệp; phát triển mạnh tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ theo hướng đa dạng về hình thức và thu hút nhiều lao động, khuyến khích người dân mở rộng ngành nghề, sử dụng nguyên liệu sẵn có, thu hút nhiều lao động nhàn rỗi ở nông thôn như: may gia công, đan đác... 
 
Bên cạnh, xã phát triển đa dạng hình thức tổ chức sản xuất với tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp và 2 HTX hoạt động trên lĩnh vực xây dựng và công nghệ cao. Nhờ làm ăn đạt hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập cho thành viên. Xã còn có gần 240 cơ sở sản xuất- kinh doanh hoạt động hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
 
Với sự nỗ lực đó, đến nay xã Đông Thạnh chỉ còn 4 hộ nghèo và 39 hộ cận nghèo đa chiều, chiếm 1,81%; thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 74,8 triệu đồng/năm.
 
Thúc đẩy kinh tế không ngừng phát triển
 
Theo ông Nguyễn Văn Năm- Chủ tịch UBND xã Mỹ Lộc (huyện Tam Bình) trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng NTM kiểu mẫu, xã xác định đầu tư hỗ trợ phát triển kinh tế của người dân là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.
 
Do vậy, Đảng ủy xã đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Trong đó, tập trung cho chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang màu và cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế. 
 
Năm 2015 đến nay, địa phương vận động chuyển đổi gần 148ha đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái có hiệu quả cao, chuyển sang cây màu chuyên canh gần 74ha. Đến cuối năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 74,8 triệu đồng/năm, cao gấp 1,49 lần thời điểm công nhận xã NTM nâng cao năm 2019 (50,1 triệu đồng/năm).
 
Ông Nguyễn Văn Dư- Phó Chủ tịch UBND xã Tân An Thạnh (Bình Tân) cho hay, những năm qua BCĐ xã đã tăng cường công tác khuyến nông, vận động Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển đồng bộ các mô hình kinh tế có hiệu quả; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, xã có mô hình mận An Phước được chứng nhận OCOP 3 sao…
Từ đó, góp phần giải quyết việc làm nâng cao thu nhập cho người dân. Theo đó, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 74,8 triệu đồng/năm. Tỷ lệ nghèo đa chiều của xã còn 1,88%.
 
Theo BCĐ Chương trình xây dựng NTM xã Bình Hòa Phước, để nâng cao thu nhập cho người dân, xã đẩy mạnh xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn để thúc đẩy phát triển sản xuất; vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi; phát huy hiệu quả các chương trình dự án, hỗ trợ vốn phát triển sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế địa phương.
 
Qua đó, người dân đã phát triển mô hình nuôi lươn không bùn cho thu nhập bình quân 240 triệu đồng/năm; nuôi dê đạt 130 triệu đồng/năm; làng nghề mai vàng cho thu nhập trên 3 tỷ đồng/năm... Thu nhập bình quân đầu người năm 2015 đạt 45,98 triệu đồng/năm, đến năm 2023 đạt 74,95 triệu đồng/năm, tăng 28,97 triệu đồng. 
Làng nghề mai vàng cho thu nhập trên 3 tỷ đồng/năm.
Làng nghề mai vàng cho thu nhập trên 3 tỷ đồng/năm.
 
Để thúc đẩy kinh tế người dân không ngừng phát triển, ông Lê Ngọc Đức- Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Bình, lưu ý cần gắn xây dựng NTM với xây dựng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại”; xây dựng và hỗ trợ, tạo điều kiện duy trì hoạt động ổn định mô hình liên kết, tiêu thụ nông sản chủ lực của địa phương. 
 
Ông Nguyễn Văn Tập- Chủ tịch UBND huyện Bình Tân, thì cho rằng cần thực hiện tốt đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; mở rộng các loại hình dịch vụ, tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp, tạo việc làm mới, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tăng thu nhập người dân.
*  Ông Nguyễn Văn Dân- Phó Chủ tịch UBND TX Bình Minh
Cần tăng cường chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp tuần hoàn; đẩy mạnh phát triển kinh tế, tăng cường giới thiệu và giải quyết việc làm, nâng cao đời sống và thu nhập cho người dân. 
*  Ông Võ Trung Sơn- Phó Chủ tịch UBND huyện Long Hồ
Cần tạo ra các sản phẩm chủ lực và được chứng nhận sản phẩm OCOP của địa phương, thúc đẩy phát triển loại hình du lịch sinh thái, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tăng thu nhập người dân.
Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI