Những Nhà giáo ưu tú góp sức xây dựng và phát triển văn hóa, con người Vĩnh Long

Cập nhật, 05:39, Thứ Tư, 15/05/2024 (GMT+7)
Nhà giáo ưu tú là những nhà giáo có tư tưởng chính trị vững vàng, có đạo đức lối sống mẫu mực, giản dị, có tài năng sư phạm, có nhiều sáng kiến, cải tiến,… Thầy cô là những nhà giáo dạy giỏi, quản lý giỏi, có uy tín với học sinh và phụ huynh học sinh, luôn nhiệt tình hỗ trợ đồng nghiệp, góp sức xây dựng tập thể ngày càng vững mạnh. 
 
Thầy cô dạy kiến thức, kỹ năng còn truyền cảm hứng cho học trò lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, khát vọng sống cống hiến cho Tổ quốc, ý chí tự lực tự cường,… cho học sinh. Góp sức thực hiện chuyên đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng văn hóa, con người Vĩnh Long trong thời kỳ mới”, những Nhà giáo ưu tú hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, là tấm gương văn hóa tự học, sáng tạo, trách nhiệm, kiên trì,… và còn lan tỏa giá trị văn hóa đến các thế hệ học sinh.
Kỳ 1: Vun bồi thế hệ tương lai
Dạy học lấy trẻ làm trung tâm là dựa trên nhu cầu, hứng thú, khả năng và thế mạnh của từng trẻ.
Dạy học lấy trẻ làm trung tâm là dựa trên nhu cầu, hứng thú, khả năng và thế mạnh của từng trẻ.
 
Cô Đặng Ngọc Phương Thanh- sinh năm 1984, giáo viên Trường Mầm non Tích Thiện (Trà Ôn), là nhà giáo nhỏ tuổi nhất trong những nhà giáo của tỉnh Vĩnh Long được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú năm 2023.
 
Đến với nghề bằng tình yêu trẻ, gần 20 năm gắn bó, ngọn lửa nhiệt huyết giúp cô giáo mầm non vùng sâu luôn nỗ lực vươn lên vượt khó khăn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Với ý chí và nghị lực xây dựng quê hương, cô Phương Thanh cùng tập thể nhà trường xây trường học hạnh phúc, lấy trẻ làm trung tâm- giáo dục dựa trên nhu cầu, hứng thú, khả năng và thế mạnh của từng trẻ, cho trẻ phát triển hoàn thiện.
 
Cùng xây trường hạnh phúc
 
Ngay sau khi tốt nghiệp THPT, cô Phương Thanh đăng ký dự thi vào ngành giáo dục mầm non. Nói về lý do chọn ngành, cô Phương Thanh cười lộ hai đồng xu trên mặt, cô nói: “Nhà tôi ở cạnh trường mầm non, mỗi ngày thấy trẻ đến trường học, nghe tiếng hát, tiếng vui cười,… rất vui. Tôi cũng hiểu được những khó khăn, cực nhọc của cô giáo mầm non nhưng vẫn kiên định với lựa chọn của mình, vì mến trẻ”. 
 
Nhớ những ngày mới vào nghề, cô giáo đôi mươi dạy lớp học nhiều độ tuổi, mỗi độ tuổi là mỗi chương trình nên phải sử dụng nhiều chương trình trong cùng lớp học. “Những năm tháng, chưa hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, chúng tôi đến tận nhà vận động trẻ ra lớp. Trường học thì đơn sơ, thiếu thốn đủ thứ”.
 
Năm tháng trôi qua, Trường Mầm non Tích Thiện bây giờ đã là trường chuẩn quốc gia, đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, trẻ ra lớp tăng cao, toàn trường 324 trẻ thì chỉ có 1 trẻ suy dinh dưỡng. Bên cạnh sự quan tâm đầu tư của ban, ngành, địa phương thì chất lượng giáo dục chăm sóc đã tạo được niềm tin, uy tín trong lòng phụ huynh học sinh, yên tâm cho trẻ đến trường.
 
Là tổ phó chuyên môn, cô Phương Thanh luôn năng nổ, linh hoạt để nâng cao chất lượng dạy và học của giáo viên trong khối. Đồng thời tham mưu với ban giám hiệu chuyên môn để đề ra kế hoạch bồi dưỡng giáo viên thi giáo viên giỏi các cấp; tích cực dự giờ bồi dưỡng giáo viên để chia sẻ kinh nghiệm… với tinh thần học tập trao đổi kinh nghiệm, lòng nhiệt huyết, đoàn kết hỗ trợ nhau cùng nhà trường phát triển.
 
Đối với những hội giảng, thao giảng, thi đua cấp huyện, cấp tỉnh được cô Phương Thanh xem như là cơ hội để học tập, giao lưu quý giá. Cô Phương Thanh cho rằng: “Đây là dịp để đánh giá bản thân, học hỏi từ đồng nghiệp những cách dạy mới, cách làm hay; cùng trao đổi, thảo luận và tích lũy thêm kiến thức, kỹ năng cho mình”.
 
Là Chủ tịch công đoàn trường, cô Phương Thanh là cầu nối giữa tất cả công đoàn viên với lãnh đạo trường; cô luôn quan tâm chăm sóc đến đời sống của công đoàn viên, tạo mọi điều kiện cho công đoàn viên có cuộc sống vui tươi, ấm no. Cô Phương Thanh còn tranh thủ tham mưu, vân động Liên đoàn Lao động huyện Trà Ôn xây được 2 “Mái ấm công đoàn” hỗ trợ 2 công đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn yên tâm hơn trong công tác và chất lượng công việc đạt hiệu quả cao hơn.
 
Hàng năm, cô Phương Thanh cùng nhà trường còn vận động tài trợ đồng phục, gối mền hỗ trợ các bé ở chùa Quan Âm đang học tại trường; hỗ trợ cây xanh, hoa kiểng cho lớp, các phần quà tặng trẻ có hoàn cảnh khó khăn; vận động phụ huynh cho trẻ mang chai nhựa bỏ vào “Ngôi nhà tiết kiệm” gây quỹ hỗ trợ quà khen thưởng trẻ cuối năm,…
 
Hướng dẫn trẻ phát huy
 
Như những cấp học khác, giáo viên mầm non cũng luôn tự bồi dưỡng, học tập và tự rèn luyện, vận dụng thành thạo các kiến thức đã học áp dụng vào giảng dạy để đạt hiệu quả cao.
 
Cô Phương Thanh luôn đi đầu trong đổi mới phương pháp, cập nhật kiến thức và áp dụng phương pháp dạy học tích cực trong việc hướng dẫn trẻ học theo hướng trải nghiệm sáng tạo, đổi mới phương pháp học làm cho học sinh thích thú, say mê.
 
 
Kết quả đánh giá trẻ cuối độ tuổi theo mục tiêu giáo dục từng năm học đạt 99/99 mục tiêu, 100% trẻ đạt các mục tiêu từ khá tốt trở lên. Cô Phương Thanh, cho rằng: “Áp dụng giáo dục STEM là khơi gợi cho bé tự trình bày hiểu biết, suy nghĩ của mình về vật, việc,… gì đó giúp bé phát triển tư duy, sáng tạo. Cô giáo cũng học được nhiều qua cách làm, cách suy nghĩ của bé”. 
 
Trong lớp học, mỗi trẻ một hoàn cảnh, có trẻ mồ côi đang ở chùa Quan Âm, có trẻ khuyết tật, trẻ có cha mẹ đi làm xa, ly hôn phải sống với ông bà,… Tìm hiểu hoàn cảnh từng trẻ, giúp cô Phương Thanh đề ra biện pháp chăm sóc giáo dục phù hợp nhất. “Quan tâm, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng của trẻ, của phụ huynh để thực hiện nhiệm vụ nhanh và hiệu quả nhất. Phối hợp chặt với phụ huynh, cho trẻ tình thương yêu trẻ sẽ quý mến cô và nghe lời cô dạy”- cô Phương Thanh chia sẻ.
 
Cô Phương Thanh đến với nghề bằng tình yêu mến trẻ.
Cô Phương Thanh đến với nghề bằng tình yêu mến trẻ.
Theo cô Phương Thanh, để “lấy trẻ làm trung tâm” thì các hoạt động dựa trên sở thích của trẻ mà cô giáo thiết kế chương trình, ứng dụng công nghệ thông tin, làm những clip cho bé học hỏi, quan sát, trẻ sẽ thích thú hơn. Bên cạnh, cô giáo còn dạy các con kỹ năng tự ăn, vệ sinh cá nhân, tính ngăn nắp, gọn gàng; dạy con làm người biết yêu thương, đoàn kết với bạn bè, lắng nghe lời ông bà, cha mẹ, thầy cô.
 
“Bé còn được rèn kỹ năng tự phê bình và phê bình” vào mỗi cuối buổi học, bé nhận xét mình học có ngoan không và nhận xét bạn có ngoan không,… rất ngây thơ, hồn nhiên, thẳng thắn”- cô Phương Thanh kể.
 
Nhờ đó, cô Phương Thanh giúp trẻ phát huy tốt tính chủ động sáng tạo, trẻ được tìm tòi khám phá qua sự gợi ý của cô, trẻ sẽ phát triển được khả năng vốn có, phát triển hài hòa cân đối cả 5 lĩnh vực: ngôn ngữ, thẩm mỹ, nhận thức, tình cảm xã hội, thể chất.
 
Trẻ mầm non như những tờ giấy trắng, chính vì vậy việc chăm sóc giáo dục trẻ là vấn đề rất quan trọng. Cô Phương Thanh chăm sóc trẻ khỏe mạnh, dạy trẻ thông minh, có lòng yêu nước, biết quan tâm giúp đỡ mọi người,… là góp phần xây dựng văn hóa con người Vĩnh Long trong từng công dân nhỏ tuổi, xây nền tảng cho quê hương đất nước mai sau.
 

* Cô Võ Thúy Hằng- Hiệu trưởng Trường Mầm non Tích Thiện, cho rằng: “Cô Phương Thanh là một giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, viên phấn vàng và nhiều thành tích khác. Cô năng nổ, nhiệt tình trong các hoạt động phong trào, có tinh thần trách nhiệm cao. Chăm sóc giáo dục trẻ nhiệt tình, yêu thương trẻ nên được trẻ thương, phụ huynh quý mến. Là chủ tịch công đoàn trường, cô luôn quan tâm chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho công đoàn viên. Ngoài ra, cô còn sẵn sàng hỗ trợ giúp đỡ các bạn đồng nghiệp để cùng tiến bộ.

* Chị Nguyễn Thị Thanh- nhân viên cấp dưỡng, Trường Mầm non Tích Thiện, cho biết: “Chồng tôi trước đây là bảo vệ của trường nhưng bị thoát vị đĩa đệm không lao động được nên giờ mọi chi phí trong nhà 3 người chỉ có mình tôi lo liệu nên gia đình không đủ khả năng sửa chữa lại căn nhà. Được nhà trường và đặc biệt là cô Phương Thanh quan tâm, vận động hỗ trợ mái ấm công đoàn 50 triệu đồng. Có nhà mới, gia đình tôi ai cũng mừng, tôi cũng an tâm làm việc”.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN

>> Kỳ 2: “Dạy chữ kết hợp dạy người”