Truyền thông phát triển đồng bằng theo hướng "thuận thiên"

Cập nhật, 00:26, Thứ Tư, 07/12/2022 (GMT+7)

 

ĐBSCL, trong đó có Vĩnh Long đứng trước nhiều thách thức về biến đổi khí hậu.
ĐBSCL, trong đó có Vĩnh Long đứng trước nhiều thách thức về biến đổi khí hậu.

Thời gian qua, việc tuyên truyền và lan tỏa Nghị quyết số 120/NQ - CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) đã thu lại được nhiều chuyển biến tích cực. Trong đó nổi bật là có sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức phát triển ĐBSCL theo hướng “thuận thiên”. Đây cũng là kết quả ban đầu để các bộ, ngành, địa phương có thể tiếp tục nỗ lực, khắc phục các khó khăn, hạn chế cũng như tiếp tục triển khai công tác truyền thông về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH.

Truyền thông góp phần tạo sự chuyển biến về nhận thức

Theo Trung tâm Truyền thông Tài nguyên - Môi trường (Sở TN - MT), nhìn chung, các hoạt động truyền thông về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng BĐKH đã được triển khai thực hiện với nhiều hình thức và quy mô khác nhau trên phạm vi cả nước cho nhiều đối tượng khác nhau với nhiều phương thức, hình thức truyền thông khác nhau và đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Theo đó, Nghị quyết số 120 được triển khai thực hiện đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong đó nổi bật là có sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức phát triển đồng bằng theo hướng “thuận thiên”. Để đạt được những kết quả đó, công tác truyền thông đã đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối đưa thông tin đến cơ sở và cộng đồng dân cư khu vực ĐBSCL, tạo sự liên kết chia sẻ kinh nghiệm triển khai thực hiện nghị quyết từ Trung ương đến địa phương.

Theo ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Trung tâm Truyền thông Tài nguyên - Môi trường, thời gian qua, hoạt động truyền thông về thích ứng với BĐKH ở khu vực ĐBSCL đã có sự tham gia phối hợp tốt giữa các cơ quan truyền thông.

Cụ thể, thông qua các hoạt động đã kết nối đến các thành phần liên quan để thảo luận, đưa ra các giải pháp cụ thể triển khai hiệu quả Nghị quyết 120. Các địa phương đã truyền thông cho người dân để nâng cao nhận thức, tăng cường tính tiếp cận đến mọi đối tượng và trong cộng đồng khu vực. Qua đó, nhận thức của người dân đã có cải thiện, bước đầu đã vận dụng mô hình chuyển đổi sản xuất ứng phó với BĐKH vào đời sống.

Tại tỉnh Vĩnh Long, Phó Giám đốc Sở TN - MT Nguyễn Văn Tuấn cho biết, BĐKH, các hiện tượng thời tiết cực đoan, bất thường diễn biến phức tạp, đặc biệt là xâm nhập mặn đã xâm nhập sâu vào nội đồng, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và môi trường sống của người dân. Tỉnh Vĩnh Long đã tích cực triển khai Nghị quyết số 120; ban hành Chương trình hành động phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH. Từng nhiệm vụ được cụ thể hóa bằng các giải pháp thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh và được giao cho từng đơn vị sở, ngành, các địa phương triển khai thực hiện. Các cấp, ngành đã tăng cường tuyên truyền, phát động, lồng ghép nhiều chương trình ứng phó với BĐKH, phòng, chống giảm nhẹ thiên tai…, qua đó từng bước nâng cao nhận thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý và người dân về những cơ hội từ quá trình chuyển đổi mô hình phát triển, các thách thức đang đặt ra đối với ĐBSCL cũng như tỉnh Vĩnh Long.

Tăng cường đổi mới, sáng tạo trong phương thức truyền thông

Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chức năng, các chương trình truyền thông còn không ít hạn chế. Theo đó, BĐKH là khái niệm không còn xa lạ với cộng đồng, song, để hiểu đúng và vận dụng, ứng dụng vấn đề liên quan đến ứng phó với BĐKH vào thực tế vẫn còn rất hạn chế. Hoạt động truyền thông về ứng phó với BĐKH đã triển khai từ lâu và ở các quy mô quốc gia, vùng, địa phương nhưng các hoạt động mới mang tính chất thời sự, phong trào, chưa đi sâu phân tích, đặc biệt đối với các mô hình sinh kế, mô hình thích ứng với BĐKH còn chưa phù hợp với nhu cầu thực tế của cộng đồng dân cư.

Bên cạnh đó, nguồn nhân lực hiện có của các hoạt động truyền thông còn nhiều bất cập, chưa ngang tầm nhiệm vụ và đáp ứng được đòi hỏi mới của xã hội. Nhận thức của một số cấp ủy Đảng, bộ, ngành, địa phương về công tác truyền thông chưa thực sự đầy đủ và chưa tương xứng với vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác này, do vậy đã cho rằng đây là nhiệm vụ của riêng cơ quan truyền thông.

Thời gian tới, để chương trình hành động thực sự đi vào cuộc sống và mang lại hiệu quả thiết thực, ông Nguyễn Văn Tuấn cho biết: Tỉnh Vĩnh Long xác định công tác truyền thông, nâng cao nhận thức là việc làm ưu tiên, nhằm giúp cán bộ, cộng đồng, dân cư hiểu được quan điểm, mục tiêu, giải pháp cần triển khai. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tập trung phát triển các mô hình sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tiết kiệm và tiếp tục triển khai phong trào chống rác thải nhựa để góp phần bảo vệ môi trường sống.

Từ các hoạt động truyền thông đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân theo hướng sản xuất “thuận thiên”.
Từ các hoạt động truyền thông đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân theo hướng sản xuất “thuận thiên”.

Theo ông Nguyễn Việt Dũng, để tiếp tục thực hiện tốt công tác truyền thông về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH, các tỉnh, thành phố trong khu vực cần xác định truyền thông là hoạt động thường xuyên, liên tục, gắn với từng chủ trương, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tiếp nhận các ý kiến phản hồi từ cộng đồng để điều chỉnh các hoạt động quản lý nhà nước, các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các dự án phù hợp với tình hình thực tế. Song song đó, các địa phương cần tăng cường đổi mới, sáng tạo trong phương thức truyền thông, áp dụng công nghệ thông tin,... để chuyển tải thông tin đến được với đa dạng các đối tượng cộng đồng dân cư.

Bài, ảnh: TRÀ MY