Ì ạch du lịch đồng bằng

Cập nhật, 16:21, Thứ Ba, 28/06/2016 (GMT+7)

Du lịch đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) không phải đi xuống, vẫn đang phát triển, chỉ có điều sự phát triển không được như kỳ vọng, chưa xứng với tiềm năng… 

Bao năm… chưa lớn

Theo Tổng cục Du lịch, năm 2014, ĐBSCL thu hút 1,7 triệu lượt khách quốc tế; trong khi đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc đạt 8,2 triệu lượt khách, duyên hải Nam Trung bộ 4,3 triệu lượt khách; vùng Đông Nam bộ 5,1 triệu lượt khách.

Năm 2015, vùng ĐBSCL đạt 1,8 triệu lượt khách quốc tế, thấp hơn nhiều so với đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc với 8,4 triệu lượt khách; duyên hải Nam Trung bộ 4,9 triệu lượt khách và Đông Nam bộ 5,6 triệu lượt khách.

Vẻ đẹp hấp dẫn của biển Phú Quốc
Vẻ đẹp hấp dẫn của biển Phú Quốc

Trong khi đó, lượng khách nội địa đến với ĐBSCL tuy có nhỉnh hơn vùng duyên hải Nam Trung bộ và Bắc Trung bộ, nhưng chưa bằng 40% lượng khách nội địa của vùng đồng bằng sông Hồng và Đông Nam bộ.

Giữa các địa phương ở ĐBSCL cũng có chênh lệch rất lớn. Tiền Giang, Bến Tre chiếm đến 50% tổng lượng khách quốc tế cả vùng. An Giang chiếm 1/3 tổng lượng khách nội địa cả vùng.

Kiên Giang, Cần Thơ dù chỉ chiếm 17% lượng khách nội địa và 23% lượng khách quốc tế của cả vùng nhưng đạt gần 50% trong tổng thu (8.636 tỷ đồng) từ khách du lịch toàn vùng…

Tổng cục Du lịch cho rằng, hoạt động du lịch của ĐBSCL từ năm 2006 đến nay không có nhiều thay đổi. Và đã đến lúc cần nhìn thẳng vào thực trạng “nuôi hoài không chịu lớn” để có sự chuyển biến của du lịch đồng bằng.

Nguyên nhân chính là do sản phẩm du lịch ĐBSCL trùng lắp, thiếu nét độc đáo, không rõ tính đặc thù trong phát triển tour, tuyến… Khách đến và đi chủ yếu chỉ trong ngày, kéo theo thời gian lưu trú ngắn, chi tiêu ít khiến doanh thu thấp.

Hiện nay tỷ lệ lưu trú của khách ở ĐBSCL chỉ đạt bình quân 1,95 ngày với khách quốc tế và 1,7 ngày với khách nội địa.

Theo các chuyên gia du lịch, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ là 3 trong 5 địa phương nằm trong tuyến du lịch “Một điểm đến 4 địa phương +” (thêm Cà Mau và Bạc Liêu) thuộc vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL; nổi trội bởi sông, biển, núi, rừng và sinh thái vườn; có 2 cơ sở nghỉ dưỡng cao cấp cùng hệ thống cảng sông, cảng biển, cảng hàng không thuận lợi… nhưng chỉ số lưu trú trung bình cũng chỉ có... 1 ngày.

Chờ tư duy, diện mạo mới

Tăng số ngày khách lưu trú, số lần khách quay lại chính là bài toán “cốt tử” của du lịch ĐBSCL và cả nước. Muốn vậy, trước tiên phải tạo ra sản phẩm du lịch mới, độc đáo, khác biệt, hấp dẫn.

“Cái gì ĐBSCL cũng có, nhưng rất ít món đủ chuẩn”, chuyên gia du lịch Phan Xuân Anh nhận định. Muốn “đủ chuẩn” cần đầu tư chuyên nghiệp, đúng hướng, đúng trọng điểm, tránh dàn trải...

ĐBSCL có hơn 700km bờ biển của 8/13 tỉnh, thành giáp biển, có biển Tây (vịnh Thái Lan) thông thoáng và xu hướng gia tăng du lịch biển trên thế giới.

Nhưng thật lạ, một tuyến liên vận biển quốc tế Phú Quốc (hoặc Hà Tiên) ngược dòng Mekong huyền thoại để nối với các điểm du lịch nổi tiếng Kep, Kampot, Sihanoukville, KohKong (Campuchia); Chanthaburi, Pattaya, Bangkok (Thái Lan) đến giờ vẫn chỉ là suy nghĩ?

Chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ), nơi thể hiện cao nhất “văn minh sông nước” đang “hụt hơi, đuối sức”, sụt giảm đến phân nửa số ghe, thuyền chỉ trong vòng mấy năm.

Mới đây, đề án “Bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng” kinh phí 63 tỷ đồng được chính quyền thông qua với phương án giữ nguyên hiện trạng, có sắp xếp, điều chỉnh như lắp đặt phao tiêu, đầu tư cầu tàu, nhà vệ sinh, du thuyền; quy hoạch địa điểm tập kết hàng hóa và các kho vựa…

Tuy nhiên, vẫn thiếu điểm nhấn, chưa xứng tầm. Do sự “rụt rè, tự ti” khiến điểm du lịch nổi tiếng này vẫn do cấp quận quản lý; mới cung cấp chủ yếu một sản phẩm (tham quan), chỉ 15 phút loanh quanh khắp chợ rồi… về.

Để thay đổi, cần sự đầu tư trọng điểm, tạo sự bứt phá cho du lịch cả vùng như hình thành một “trung tâm dịch vụ du lịch chợ nổi” tầm cỡ, chuyên nghiệp; với “Bảo tàng ghe xuồng Nam bộ”; nhà biểu diễn nghệ thuật các dân tộc, nhà trình diễn ẩm thực dân gian, cùng đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ cung ứng (hàng hóa, quà lưu niệm…) ngay trên sông nước sẽ giúp nơi này “lột xác”, mang dáng vóc mới, hấp dẫn, sôi động hơn...

Các chuyên gia cho rằng, với sự đa dạng và tầng sâu văn hóa truyền thống bản địa (Kinh -  Khmer - Hoa - Chăm) luôn là mục tiêu “săn tìm” của du khách, đặc biệt là khách quốc tế.

Sự quan tâm, đầu tư thiết thực từ ngành dọc sẽ giúp “đứa con xa” bớt “bơ vơ, tủi thân” và “lớn” nhanh hơn nữa. Đề án “Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng ĐBSCL” và đề án “Thành lập Ban điều phối phát triển du lịch vùng ĐBSCL” đã trôi qua cả năm. Vì vậy, sắp tới cần triển khai quyết liệt nhằm thúc đẩy du lịch đồng bằng cất cánh…

Ông Trần Hữu Hiệp, Ủy viên chuyên trách (Ban chỉ đạo Tây Nam bộ), chỉ rõ: Cách làm du lịch còn mang nặng tính tự phát, thiếu chuyên nghiệp. Các sản phẩm chủ yếu dựa vào thiên nhiên, thiếu sự đầu tư dài hạn, thiếu liên kết. Đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, nguồn nhân lực và cơ chế điều phối, liên kết chuỗi giá trị du lịch ĐBSCL để phát triển bền vững là “ba điểm yếu” cần phải thay đổi…

Theo SGGPO