Tôn vinh giá trị gia đình

Cập nhật, 13:22, Thứ Ba, 28/06/2016 (GMT+7)

Gia đình là hạt nhân của xã hội, mà mỗi thành viên là nhân tố tích cực để xây dựng gia đình. Gia đình có đầm ấm, hạnh phúc, văn hóa, thì ấp- khóm mới văn hóa, xã hội mới văn minh, tiến bộ và phát triển vững mạnh.

Các gia đình văn hóa tiêu biểu giai đoạn 2013- 2015 được tuyên dương khen thưởng.
Các gia đình văn hóa tiêu biểu giai đoạn 2013- 2015 được tuyên dương khen thưởng.

“Hạt nhân xã hội là gia đình”

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất xem trọng gia đình. Người khẳng định: “Rất quan tâm đến gia đình là đúng, vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình…”.

Do đó, giữ gìn văn hóa trong gia đình xem như tiền đề để giữ gìn và phát huy giá trị, bản sắc truyền thống của dân tộc.

Nước ta đang ở giai đoạn công nghiệp hóa- hiện đại hóa, có sự giao lưu hội nhập với nhiều quốc gia trên thế giới, một mặt mở ra cơ hội kinh doanh, hợp tác làm ăn cho nhiều người, góp phần giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động…

Tỉnh hiện có BCĐ công tác gia đình cấp tỉnh, 8 BCĐ cấp huyện, 109 BCĐ cấp xã. Gần 180 CLB gia đình phát triển bền vững với 5.400 thành viên; 210 nhóm phòng chống BLGĐ, với 550 thành viên; 44 tổ tư vấn hòa giải để tuyên truyền, vận động, can thiệp phòng chống BLGĐ.

Mặt khác, nó cũng là thách thức không nhỏ đối với xã hội, nhất là gia đình, khi mà hiện nay một bộ phận trong xã hội xem nhẹ vai trò gia đình, bữa cơm gia đình ngày một thưa dần, không khí gia đình trở nên lạnh nhạt, thiếu mặn nồng.

Do đó, việc xảy ra “chiến tranh lạnh” rồi dẫn đến tình trạng ly thân, ly hôn chỉ còn là thời gian. Gia đình bạn tôi là một điển hình như vậy.

Còn rất trẻ, quen nhau mà chưa kịp tìm hiểu cặn kẽ tính tình, thói quen, sở thích của nhau rồi vội vàng kết hôn. Khoảng độ năm sau thì sinh được thằng cu tí rất kháu khỉnh, dễ thương nhưng mâu thuẫn “nội bộ” cũng bắt đầu xuất hiện.

Lời qua tiếng lại, lâu ngày trở thành mâu thuẫn không thể giải quyết. Một thời gian ngắn, họ “nắm tay nhau” ra tòa ly dị, dù đứa con vừa mới thôi nôi.

Tôn vinh giá trị gia đình

Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT và DL) Vĩnh Long, từ năm 2009- 2015, toàn tỉnh xảy ra 2.347 vụ bạo lực gia đình (BLGĐ). Trong đó, bạo lực về thân thể 1.059 vụ, bạo lực tinh thần 908 vụ, bạo lực kinh tế 240 trường hợp và bạo lực tình dục 75 vụ.

Chủ thể gây bạo lực phần lớn là nam giới và nạn nhân là phụ nữ, người già và trẻ em. Nguyên nhân bất bình đẳng giới được xem là cội rễ của BLGĐ.

Nhằm tôn vinh gia đình, văn hóa gia đình và đề cao trách nhiệm của lãnh đạo các ngành, các cấp cùng toàn thể gia đình thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ và hạnh phúc, đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ngày 4/5/2001, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 28/6 hàng năm làm ngày Gia đình Việt Nam.

Trên cơ sở đó, những năm qua, tỉnh Vĩnh Long đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến công tác gia đình và xem gia đình văn hóa là động lực để thực hiện các tiêu chí ấp- khóm văn hóa, xã- phường thị trấn văn hóa, văn minh.

Ông Đào Công Đức- Trưởng Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình Sở VH, TT và DL cho biết: “Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản quan trọng về xây dựng gia đình để triển khai cho các ngành, địa phương, như: Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch phối hợp liên ngành trong công tác phòng chống BLGĐ; Kế hoạch hành động phòng chống BLGĐ đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh với mục tiêu tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, gia đình, cộng đồng xã hội trong công tác phòng chống BLGĐ, từng bước ngăn chặn và giảm dần số vụ BLGĐ trong toàn tỉnh”.

“Hàng năm, vào ngày Gia đình Việt Nam 28/6, Sở VH, TT và DL Vĩnh Long phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Tỉnh Đoàn, Công đoàn Viên chức tỉnh,… tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm như: hội thao, hội thi nấu ăn, tọa đàm, hội nghị biểu dương gia đình văn hóa tiêu biểu các cấp, để các gia đình gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm trong việc xây dựng gia đình văn hóa, no ấm tiến bộ, hạnh phúc.

Từ đó nhân rộng mô hình hay, hiệu quả cho các địa phương trong tỉnh học tập và thực hiện. Riêng năm 2016, Sở VH, TT và DL Vĩnh Long đã phát động CB.CCVC và hộ gia đình tổ chức bữa cơm gia đình vào khung giờ chung từ 17- 19 giờ ngày 28/6/2016”- ông Đào Công Đức cho biết thêm.

Văn hóa gia đình không ở đâu xa, mà chính từ những bữa cơm gia đình. Nơi đó, ông bà, cha mẹ làm điểm tựa, nuôi dưỡng, hình thành nên nhân cách và nếp sống cho con cháu, để con cháu trở thành người có ích cho xã hội.

Xem những bài báo, những vụ án gia đình mà nhiều người không khỏi đau lòng, một vài cụ cao niên cho biết, mặc dù gia đình xưa đa phần theo lối sống phong kiến, có hơi gia trưởng nhưng rất chú trọng đạo nghĩa. Tức là mọi người phải có nề nếp, giữ tôn ti trật tự, con cháu phải kính trọng, vâng lời giáo huấn của ông bà, cha mẹ, anh em phải đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau, nên không xảy ra những thảm án gia đình như hiện nay.

Bài, ảnh: MINH TRIẾT