Sổ tay văn hóa

Tự hào trang phục Việt Nam

Cập nhật, 05:42, Thứ Bảy, 25/03/2023 (GMT+7)

(VLO) Mỗi dịp cây hồng cổ nổi tiếng ở thôn Khê Hạ (Ninh Bình) vào mùa trái chín, các dịch vụ cho thuê đồ Hàn Quốc, Nhật Bản,... nhanh chóng mọc lên tại đây để tạo điều kiện cho các bạn trẻ “sống ảo” chân thật như đang du lịch ở nước ngoài.

Thời gian gần đây, nhiều bạn trẻ liên tục “khoe” những bộ ảnh đi du lịch Hà Giang, Sa Pa trong trang phục người Tây Tạng.

Blogger Khoai Lang Thang vừa chạnh lòng trong bài viết của mình: “Gần đây Khoai thấy nhiều bạn mặc đồ nước ngoài khi chụp ảnh ở sông Nho Quế. Bạn của Khoai- người nước ngoài, hỏi Khoai là: “Nho Quế có phải của Việt Nam không?”.

Trào lưu thuê quần áo của các nước để chụp ảnh tạo cơ hội cho người dân địa phương tăng thêm nguồn thu nhờ mở ra thêm các loại hình dịch vụ mới, tuy nhiên trào lưu dần đang khiến người Việt đánh mất bản sắc các dân tộc vốn có.

Có bạn bày tỏ rằng: “Không tán thành với việc mặc quần áo của nước khác, vùng Tây Bắc nước ta cũng có rất nhiều dân tộc anh em sinh sống, có nhiều trang phục truyền thống, tại sao cứ phải mượn thiên nhiên hùng vĩ của ta để quảng bá cho một nơi nào đó.

Nên nhớ quảng bá du lịch bằng hình ảnh là cách dễ làm nhất. Nên xây dựng ý thức từ cả người cho thuê lẫn người thuê đồ chụp hình.

Nếu muốn thì du khách có thể tìm kiếm thông tin các dân tộc sinh sống ở đó, đến thuê cứ hỏi thẳng người dân địa phương và đối chiếu với bảng giới thiệu du lịch đặt tại các thắng cảnh thì biết ngay”.

Các địa điểm du lịch không thể chiều theo thị hiếu của du khách để tăng doanh thu mà cần có cách làm bài bản, lâu dài, nghiên cứu phát triển cái riêng mang bản sắc giá trị văn hóa Việt Nam và thúc đẩy nó thì mới bền vững.

Hãy luôn tự hào mình là người Việt Nam, quê hương mình cảnh quan hùng vĩ và khoác lên trang phục của dân tộc. Mỗi cá nhân là một đại diện văn hóa, càng yêu và tự hào hơn khi khoác lên người trang phục dân tộc sẽ góp phần quảng bá du lịch Việt, văn hóa Việt.

PHƯƠNG THƯ