Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không"

Kỳ 1: Cuộc đọ sức giữa bầu trời Hà Nội

Cập nhật, 06:03, Thứ Sáu, 16/12/2022 (GMT+7)

(VLO) Vào những năm 1970, chiến tranh Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn mới, thế và lực của quân Giải phóng miền Nam Việt Nam trên chiến trường thể hiện rõ ưu thế, Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã thay đổi phương kế, ráo riết thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” - dùng người Việt đánh người Việt, bình định một số vùng trọng yếu đông dân, dự kiến đến giữa năm 1972 Mỹ sẽ chuyển nhiệm vụ tác chiến trên mặt đất cho quân đội Sài Gòn, rút dần lực lượng quân đội Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam, nhưng vẫn không thể cứu vãn được tình thế sụp đổ.

Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình tại Việt Nam là một nỗ lực nhằm chấm dứt cuộc chiến tranh.

Tuy Kissinger tuyên bố “hòa bình trong tầm tay” nhưng khi Tổng thống Nixon trúng cử nhiệm kỳ 2, phía Mỹ lại đưa ra nhiều trở ngại để trì hoãn việc ký hiệp định.

Chính sự ngoan cố, hiểm độc của kẻ xâm lược, khiến Mỹ vẫn chưa chịu thất bại và muốn cứu vớt danh dự trong việc ký kết Hiệp định Paris với những điều kiện có lợi cho chúng. Khi không đạt được mục đích này, Mỹ đã đi nước cờ cuối cùng.

Triển khai thực hiện chiến dịch có mật danh là “Linebacker II” (cứu bóng trước khung thành II) - dùng pháo đài bay B-52 ném bom xuống Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố khác, nhằm buộc Việt Nam hoảng sợ quay lại đàm phán.

Máy bay B-52 đang ném bom.Ảnh: TL
Máy bay B-52 đang ném bom.Ảnh: TL

Với trang bị kỹ thuật gây nhiễu điện tử công suất lớn nhằm gây nhiễu các đài ra-đa điều khiển tên lửa SAM-2, làm tên lửa mất điều khiển sau khi phóng; gây nhiễu ra-đa trang bị trên máy bay MIG-21; sử dụng tên lửa chống ra-đa (Shrike); bom điều khiển bằng tia laser… nên nhiều học giả quân sự Mỹ huênh hoang rằng pháo đài bay B-52 sẽ đưa “miền Bắc Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá”; “các phi công Mỹ khi thi hành nhiệm vụ chỉ là dạo mát trên bầu trời Hà Nội”.

Phục vụ chiến dịch ném bom với mật danh “Linebacker II”, Mỹ đã huy động tất cả lực lượng không quân chiến lược, không quân chiến thuật và máy bay của hải quân, tổng cộng hơn 800 máy bay, trong đó có 83 máy bay B-52, Hạm đội 7 được huy động đảm bảo phục vụ chiến dịch.

Các máy bay B-52 sẽ xuất kích từ các căn cứ ở đảo Guam trên Thái Bình Dương, từ sân bay U-Tapao ở Thái Lan bay vòng qua Lào trước khi vào Việt Nam.

“Sớm muộn đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra ném bom Hà Nội rồi có thua mới chịu thua... Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”
(Hồ Chí Minh).

Qua công tác trinh sát của máy bay chụp không ảnh, không quân Mỹ cơ bản nắm được các trận địa tên lửa, pháo phòng không, vị trí các sân bay, số máy bay với vài chục chiếc MIG-21, MIG-17 do Liên Xô, Trung Quốc viện trợ.

Chúng cho rằng các máy bay MIG sẽ nằm chết gí dưới đất không thể cất cánh, vì các sân bay sẽ là mục tiêu bị ném bom phá hủy đường băng ngay từ ngày đầu chiến dịch.

Còn các trận địa tên lửa, pháo phòng không, các cơ sở quân sự sẽ bị nhiễu làm “mù mắt” chỉ nằm đó chịu trận đợi bom và tên lửa trút xuống.

Tên lửa SAM-2 và máy bay MIG trưng bày trong Bảo tàng Phòng không - Không quân Hà Nội. Ảnh: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)
Tên lửa SAM-2 và máy bay MIG trưng bày trong Bảo tàng Phòng không - Không quân Hà Nội. Ảnh: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)

Kế đến là các cơ sở vật chất quan trọng như cảng Hải Phòng, các cơ sở hành chính, khu công nghiệp, đường giao thông... với cách đánh liên tục (cả ngày lẫn đêm) nhằm tạo ra sự khủng khiếp, làm suy sụp tinh thần của người dân, bẻ gãy ý chí kháng cự, buộc giới lãnh đạo Bắc Việt Nam phải nhượng bộ ký hiệp định theo những điều kiện có lợi cho Mỹ.

Lúc 10 giờ 30 ngày 17/12/1972, Tổng thống Mỹ Nixon ra lệnh mở cuộc tập kích bằng B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã miền Bắc.

Máy bay B-52 là loại máy bay ném bom chiến lược hạng nặng, tầm xa, rất nổi tiếng của không quân Mỹ.

Máy bay B-52 có tổ bay 6 người, mang vũ khí hạt nhân và vũ khí thông thường. Chiến tranh Việt Nam là nơi lần đầu tiên B-52 tham chiến và có uy lực ném bom rải thảm với sức tàn phá ghê gớm, nên còn được gọi là “Siêu pháo đài bay B-52”. Nó có thể mang từ 18 - 30 tấn bom, 12 - 20 quả tên lửa hành trình.

B-52 bay ở độ cao tối đa hơn 17km, thông thường 10 - 13km; tầm bay xa: 12.000 - 16.000km, có thể bay liên tục 9 giờ không cần tiếp dầu, nếu được tiếp dầu có thể bay 18.000 - 20.000km.

Trong một phi vụ oanh tạc, máy bay B-52 thường đi thành nhóm 3 chiếc theo đội hình mũi tên, trên độ cao 9 - 10km và ném gần 100 tấn bom với mật độ dày đặc xuống một khu vực 2,5km².

Nếu một quả bom tiêu chuẩn là 500lb (gần 250kg) thì mật độ bom rơi là khoảng 130 quả/km², tức là khoảng cách trung bình giữa 2 hố bom là 80m. Với mật độ ném bom nhiều như vậy, xác suất hủy diệt trong bãi bom B-52 là cực cao.

Kỳ cuối: Vạch nhiễu tìm thù

ANH TIẾN