Vui đón lễ Sel Dolta, hướng về cội nguồn

Cập nhật, 05:51, Thứ Bảy, 24/09/2022 (GMT+7)
Từ sáng sớm, người dân đến chùa chuẩn bị “Bos bai banh”.
Từ sáng sớm, người dân đến chùa chuẩn bị “Bos bai banh”.

(VLO) Hàng năm cứ vào ngày 29/8- 1/9 âl, đồng bào dân tộc Khmer tưng bừng tổ chức lễ Sel Dolta nhằm tưởng nhớ đến công ơn bậc sinh thành, tri ân tổ tiên đã khai phá đất đai, phù hộ cho phum, sóc được bình an, thịnh vượng. Lễ Sel Dolta là một trong những lễ hội truyền thống quan trọng, mang đậm bản sắc văn hóa của người Khmer Nam Bộ.

Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần vùng đồng bào Khmer

Theo Trưởng Ban Dân tộc- Thạch Dương, tỉnh Vĩnh Long có cơ cấu đa dân tộc, ngoài người Kinh, có 19 dân tộc thiểu số sinh sống. Đồng bào dân tộc trong tỉnh có hơn 26.500 người, trong đó có 22.630 người Khmer, chiếm 2,21% dân số toàn tỉnh.

Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021- 2025 bước đầu được triển khai thực hiện đạt kết quả khá tốt. Hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa trong đồng bào dân tộc Khmer được tiếp tục quan tâm đầu tư, như: hỗ trợ trùng tu, nâng cấp các chùa, xây dựng lò hỏa táng, trang bị dàn nhạc ngũ âm… các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao trong vùng đồng bào dân tộc Khmer được phát huy, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào được nâng lên.

Có 100% xã và ấp có đường giao thông nông thôn đảm bảo kiên cố hóa và thuận tiện đi lại cả hai mùa mưa nắng.

Tỷ lệ xã có điện lưới quốc gia; tỷ lệ phủ sóng phát thanh, truyền hình ở vùng đồng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh chiếm 98%.

Lễ Sel Dolta là dịp để đồng bào dân tộc Khmer tưởng nhớ, tri ân công ơn bậc sinh thành.
Lễ Sel Dolta là dịp để đồng bào dân tộc Khmer tưởng nhớ, tri ân công ơn bậc sinh thành.

Hệ thống trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống được đầu tư, xây dựng để phục vụ tốt nhu cầu dạy và học.

Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh ngày càng phát huy hiệu quả, đội ngũ cán bộ, giáo viên đáp ứng tốt yêu cầu giảng dạy và quản lý, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT năm học 2020- 2021 đạt 100%, nhiều em đã thi đỗ vào trường ĐH, CĐ và các trường dạy nghề.

An sinh và phúc lợi xã hội được chú trọng thực hiện; công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ở các xã đồng bào dân tộc Khmer được thực hiện chu đáo và kịp thời, nhất là hỗ trợ 100% kinh phí mua BHYT; đồng bào dân tộc Khmer gương mẫu chấp hành nghiêm quy định về phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong vùng đồng bào dân tộc Khmer được giữ vững và ổn định. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được củng cố, mở rộng và ngày càng vững mạnh.

Bà con Khmer chuẩn bị “Bos bai banh”.
Bà con Khmer chuẩn bị “Bos bai banh”.

Tỉnh luôn quan tâm đến việc bố trí, sắp xếp, đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ dân tộc Khmer, toàn tỉnh có 609 cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc, trong đó có 549 đảng viên, phần đông được đào tạo cơ bản về chuyên môn và lý luận chính trị, nhiều đồng chí được đào tạo ĐH và sau ĐH.

Trong đồng bào Khmer có 4 vị trúng cử đại biểu HĐND cấp huyện và 41 vị trúng cử đại biểu HĐND cấp xã nhiệm kỳ 2021- 2026.

Ban Dân tộc tỉnh cũng cho biết, cùng với việc tập trung phát triển đời sống kinh tế- xã hội, đồng bào Khmer luôn quan tâm đến việc giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, đặc biệt là phát huy các giá trị tích cực của Phật giáo Nam tông Khmer trong đời sống xã hội và giáo dục tinh thần cho cộng đồng, góp phần cùng với địa phương ngăn chặn, đấu tranh phòng, chống âm mưu của các thế lực thù địch chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh.

Lưu giữ những giá trị truyền thống

Chị Thạch Thị Nita đến biểu diễn văn nghệ ở Trường Phổ thông Dân tộc nội trú.
Chị Thạch Thị Nita đến biểu diễn văn nghệ ở Trường Phổ thông Dân tộc nội trú.

Trong không khí ngày lễ rộn ràng, chị Thạch Thị Nita (xã Trà Côn, huyện Trà Ôn) càng tất bật tập luyện các tiết mục để biểu diễn phục vụ bà con. Là Tổ trưởng Tổ ca múa Khmer (thuộc Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh), chị Nita đến biểu diễn tại chùa Giữa (xã Tân Mỹ); ấp Phù Ly ở TX Bình Minh và biểu diễn văn nghệ phục vụ Trường Phổ thông Dân tộc nội trú ở Tam Bình.

Trong trang phục lung linh màu sắc, chị Nita cùng nhóm múa rô băm, hát những bài hát nổi bật về ngày lễ Sel Dolta như: “Bos bai banh”- cúng cơm vắt; “Vên banh” thanh niên…

Chị Thạch Thị Nita chia sẻ, lễ hội Sel Dolta có ý nghĩa gần giống với lễ Vu Lan báo hiếu của người Việt. Để chuẩn bị lễ Sel Dolta, mọi người sẽ dọn dẹp nhà cửa, bàn thờ tổ tiên.

Con cháu thường đến thăm hỏi chúc sức khỏe người thân trong gia đình để bày tỏ lòng biết ơn. Mỗi gia đình chuẩn bị mâm cơm cùng thức ăn, bánh trái, rượu trà cúng ông bà.

Mọi người ăn mặc tươm tất, chuẩn bị các lễ vật cần thiết dâng đến chùa làm lễ, nghe các vị chư tăng tụng kinh cầu siêu và thuyết pháp, thưởng thức tiết mục văn nghệ…

Trước khi dâng đến chùa, từ đầu hôm, người dân đã chuẩn bị một số lễ vật như: nấu gạo nếp vắt thành viên tròn, để bánh trái, nhang, đèn cầy, cắm cờ cá sấu ngay giữa để trang trí cho đẹp.

Theo chị Nita: Mỗi ngày nấu nhiều mâm cơm, đặc biệt có một mâm cơm được vắt thành viên tròn nhỏ, người Khmer gọi là “bai banh”. “Bos bai banh”- cúng cơm vắt, là một trong những nghi thức không thể thiếu trong dịp Sel Dolta của đồng bào dân tộc Khmer.

Không chỉ có người lớn mà các em nhỏ cũng tranh thủ thức sớm để tham gia nghi thức này. Bai banh được đặt trong mâm cùng với bánh trái, thức ăn rồi đem lên cúng, sau đó Acha đem mâm đó để trong chánh điện, rồi mời sư tụng kinh cầu phước cho linh hồn những người trong họ tộc đã quá cố.

Sau khi nghe sư tụng kinh xong, mọi người đem cơm vắt ra ngoài, rồi đi 3 vòng chánh điện và cúng cơm vắt cho ma quỷ. Lễ đặt cơm vắt được cúng liên tục tại chùa trong vòng 15 ngày. “Bos bai banh” với mục đích cầu phước cho ông bà, họ hàng thân tộc đã khuất.

Nở nụ cười tươi, ông Thạch Chu (xã Tân Mỹ- Trà Ôn) cho biết những ngày này bà con trong ấp vui tươi phấn khởi, còn ở các chùa thì nhộn nhịp ngày đêm.

Có nhiều nhà cũng gói bánh ú, bánh tét dâng cúng ông bà. “Cúng tại nhà cho ông bà rồi vắt cơm đi chùa, cầu siêu, đọc kinh.

Đến chùa cũng là dịp để gặp gỡ, thăm hỏi lẫn nhau nhằm thắt chặt thêm tình đoàn kết trong cộng đồng. Sư cả còn động viên mọi người sống tốt đời đẹp đạo, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp, sống hiếu thảo với ông bà, cha mẹ và đón lễ thật sự tiết kiệm…”- ông Thạch Chu kể.

Cuộc sống ngày càng hiện đại nhưng lễ Sel Dolta của đồng bào dân tộc Khmer vẫn luôn được gìn giữ và phát huy.

Nghi lễ thể hiện được truyền thống đạo lý “Cây có cội, nước có nguồn” của cộng đồng dân tộc Việt Nam, mang tính nhân văn và tính giáo dục đạo đức sâu sắc.

Thế hệ sau nối tiếp để hòa cùng dòng chảy của văn hóa dân tộc, lễ Sel Dolta như một nét độc đáo của người Khmer Nam Bộ góp chung vào sự đa dạng, đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ