Nhớ tác giả bài "Nam Bộ kháng chiến" đi cùng năm tháng

Cập nhật, 05:50, Thứ Bảy, 24/09/2022 (GMT+7)
Nhạc sĩ Tạ Thanh Sơn. Ảnh: Sưu tầm
Nhạc sĩ Tạ Thanh Sơn. Ảnh: Sưu tầm

(VLO) Trong những ngày cuối tháng 9 hàng năm, Nhân dân trên mọi miền Tổ quốc cùng nhớ về mùa Thu 1945- khi đó cả Nam Bộ sục sôi chống giặc ngoại xâm với tất cả tinh thần và lực lượng, để bảo vệ thành quả tự do, độc lập vừa giành được.

Cùng với tiếng súng, tiếng gậy, giáo, mác và tiếng hô xông lên giết giặc là tiếng hát “Mùa thu rồi ngày hăm ba/ Ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến/ Rền khắp trời, lời hoan hô/ Dân quân Nam nhịp chân tiến ra trận tiền...”.

Đó là lời mở đầu bài ca “Nam Bộ kháng chiến” của người nhạc sĩ Tạ Thanh Sơn, quê ở huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long.

Nhạc sĩ Tạ Thanh Sơn sinh năm 1921, cha mẹ ông là chủ hãng rượu nổi tiếng nhất miền Tây Nam Bộ lúc bấy giờ. Từ tấm bé, ông đã bộc lộ tính khí rất khác thường.

Năm bắt đầu học bậc trung học, Tạ Thanh Sơn chuyển về học tại Trường College tỉnh Cần Thơ. Nhà giàu nhưng Tạ Thanh Sơn khước từ sự đón rước tới trường mỗi ngày bằng xe ô tô, anh xin cha mẹ cho ở nội trú tại trường để tự lập. May mắn nhất là anh được ở chung phòng nội trú với nhạc sĩ tài danh Lưu Hữu Phước.

Trong hồi ký của mình, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước nhận xét: “Tạ Thanh Sơn rất được bạn bè quý mến vì tính nết hòa đồng, hiền lành, vui vẻ, chân thật. Sơn sớm có lòng tự hào dân tộc, luôn mong muốn quê hương thoát khỏi ách đô hộ.

Điều tôi nhớ mãi là Tạ Thanh Sơn đã cho ra đời bài hát “Nam Bộ kháng chiến” rất nổi danh và có mặt trước những bài hát quen thuộc của tôi như “Xếp bút nghiên”, “Lên đàng”, “Tiếng gọi thanh niên”, “Bạch Đằng giang”. Thật đáng khâm phục...”.

Khi được hỏi, nhạc sĩ Tạ Thanh Sơn đã cho biết về hoàn cảnh ra đời của bài Nam Bộ kháng chiến: “Tôi hoàn thành bài hát này vào ngày 25/9/1945, tại xã Mỹ Xương, tỉnh Sa Đéc (huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp bây giờ), tức là sau 2 ngày toàn Nam Bộ bắt đầu kháng chiến (23/9/1945).

Bài hát được đăng lần đầu tiên trên báo Độc Lập, rồi lan tỏa theo con đường truyền miệng và được nhiều người biết đến qua sóng phát thanh”. 

Theo ông, bài hát sau đó được ông Nguyễn Việt Nam, khi ấy là Trưởng Ty Thông tin tuyên truyền tỉnh Sa Đéc và là cấp trên của ông, đã cho đội văn nghệ tuyên truyền dàn dựng và biểu diễn ngay.

Ngay lần vang lên đầu tiên với hình thức đồng ca, bài hát đã gây ấn tượng rất mạnh và được đông đảo bà con ưa thích, rồi cứ thế lan truyền khắp các vùng ở Nam Bộ trước khi phát trên sóng phát thanh.

Cứ thế bài ca được hát vang ở chiến khu cũng như trên mỗi trận đánh bất kể nhỏ, to, như tiếng kèn xung trận, có sức thôi thúc dân quân Nam Bộ và cả nước đứng lên giết giặc cứu nước, cứu dân:

“Mùa thu rồi, ngày hăm ba

Ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến

Rền khắp trời, lời hoan hô

Dân quân Nam nhịp chân tiến ra trận tiền.

Ra trận chiến đấu với một quân đội nước ngoài mạnh, chuyên nghiệp, trang bị nhiều vũ khí, khí tài tối tân, trong khi quân ta thì vũ khí thô sơ, thiếu đủ thứ- trừ tinh thần quyết chiến, quyết thắng:

Thuốc súng kém, chân đi không,

Mà lòng người giàu lòng vì nước.

Nóp với giáo mang ngang vai,

Nhưng thân trai nào kém oai hùng...

Quyết chiến với quân xâm lược và bè lũ tay sai bởi có một niềm tin, có một lời thề “độc lập hay là chết”!

Cờ thắm tung bay ngang trời

Sao vàng xao xuyến khắp nơi bưng biền

Một lòng nguyện với tổ tiên

Thề quyết thắng quân ngoại xâm!

Chiến đấu với lòng dũng cảm, xả thân đền nợ nước:

Ta đem thân ta liều cho nước

Ta đem thân ta đền ơn trước

Muôn thu sau lưu tiếng anh hào.

Và niềm tin vào thắng lợi cũng như tương lai đất nước, hạnh phúc của dân tộc:

Ta đem thân ta liều cho nước

Ta đem thân ta đền ơn trước

Xây giang sơn hạnh phúc muôn đời

Nền độc lập khắp nước Nam.

Năm 1947, trong một lần đi công tác, Tạ Thanh Sơn bị giặc bắt. Biết ông là tác giả bài hát “Nam Bộ kháng chiến”, chúng giam ông vào khám lớn ở Sài Gòn và tra tấn dã man, nhưng không khai thác được bất cứ điều gì về tổ chức.

Tại đây, tình cờ ông gặp lại tên quan Pháp trước đây cùng học với ông tại Cần Thơ. Tên này hỏi ông: “Vì sao ông học giỏi, con nhà giàu có mà không ra làm việc cho Pháp, lại theo Việt Minh làm giặc?”.

Tạ Thanh Sơn khảng khái trả lời: “Ông nghe kỹ bài hát của tôi sẽ hiểu. Ông có Tổ quốc của ông. Tôi có Tổ quốc của tôi. Lẽ nào tôi theo các ông để chống lại đất nước, dân tộc tôi? Ông bảo tôi là giặc, hay chính các ông mới là giặc của chúng tôi?”.

Bìa bài Nam Bộ kháng chiến in sau ngày giải phóng miền Nam. Ảnh: Sưu tầm
Bìa bài Nam Bộ kháng chiến in sau ngày giải phóng miền Nam. Ảnh: Sưu tầm

Sau đó, ông bị chúng đày sang Pháp. Tại đây, ông liên lạc với lực lượng tiến bộ của Pháp để hoạt động. Đến năm 1949, chúng thả ông trở về Việt Nam.

Ông tiếp tục dạy học tại Trường Huỳnh Khương Ninh ở Sài Gòn, đồng thời, hoạt động trong phong trào yêu nước của quần chúng ở đô thành.

Sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, Tạ Thanh Sơn trở lại Cần Thơ tham gia công tác ở Ủy ban MTTQ phường Cái Khế, quận Ninh Kiều. Đến năm 1980, ông nghỉ hưu ở Vĩnh Long và qua đời năm 1986, hưởng thọ 66 tuổi.

Đã 77 năm qua, ca từ khí thế hào hùng của bài “Nam Bộ kháng chiến” vẫn sống động, sôi sục trong trái tim bao người, nhớ về một thời gian lao và anh dũng của “Miền Nam đi trước về sau”, của miền Nam “Thành đồng Tổ quốc” như lời Bác Hồ khen tặng.

Cùng với lịch sử của đất nước, lịch sử đấu tranh cách mạng từ khi có Đảng, bài “Nam Bộ kháng chiến” đã trở thành bản hùng ca sống mãi bởi ý nghĩa to lớn và giá trị tinh thần bất tử của nó.

HOÀNG KHẢI