Về Vĩnh Long đốt đuốc đi xem hát bội đình làng

Cập nhật, 11:06, Thứ Ba, 20/09/2022 (GMT+7)
Đi cúng đình, xem hát bội là nét văn hóa đặc sắc lâu đời.Ảnh: PHƯƠNG NAM
Đi cúng đình, xem hát bội là nét văn hóa đặc sắc lâu đời.Ảnh: PHƯƠNG NAM

(VLO) Tôi đã có dịp trải nghiệm về quang cảnh đốt đuốc đi xem hát bội đình làng của người dân làng quê Nam Bộ nói chung và Vĩnh Long nói riêng, đã để lại cho tôi cảm giác vui vui, là lạ về một quang cảnh của miền quê sông nước.

Trên chuyến xe về Vĩnh Long, trong lúc thiu thiu ngủ, tôi bỗng nghe tiếng của một người trong đoàn thốt lên “A. Tới cầu Mỹ Thuận rồi”.

Tôi bật dậy và nhìn qua kính xe, đúng là xe chúng tôi đang tiến dần lên cây cầu dây văng tuyệt đẹp. Tôi ngắm nhìn dòng sông Tiền hiền hòa lững lờ trôi những đám lục bình bên dưới.

Tôi chợt nhớ về chuyến phà Mỹ Thuận trước đây mà tôi đã có dịp đi ngang với hối hả người xe tấp nập qua lại và bài hát “Tình đẹp mùa chôm chôm” của nhạc sĩ Giao Tiên chợt vang lên trong đầu tôi, cũng chính vì những lời hát tự tình tươi đẹp nổi tiếng đó đã phần nào thúc giục tôi tìm hiểu và đến với Vĩnh Long trong chuyến đi này.

Qua cầu Mỹ Thuận xe của đoàn chúng tôi rẽ trái hướng về trung tâm TP Vĩnh Long. Phía bên phải là Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh trang nghiêm với những hàng cây xanh lá và hoa trắng; tiếp đến là Trung tâm Giáo hội phật giáo tỉnh với cổng chào nguy nga, lộng lẫy thấp thoáng bên trong tượng phật Mẹ Quan Âm sáng chói, ánh lên những sắc màu huyền bí.

Được biết công trình này được khởi tạo xây dựng trong nhiều năm với nguồn kinh phí lớn và thu hút hàng ngàn phật tử, khách tham quan.

Đến vòng xoay cổng chào TP Vĩnh Long, cô hướng dẫn viên giới thiệu với chúng tôi bên phải là ngôi chùa Ước mà hàng ngày thu hút rất nhiều khách thập phương của nhiều tỉnh- thành khác đến đây chiêm bái và cầu nguyện. Đây cũng là một điều gây tò mò đối với tôi và tôi nghĩ sẽ một lần đến với nơi này.

Nơi đoàn chúng tôi nghĩ là khách sạn Sài Gòn- Vĩnh Long có vị trí ở trung tâm TP Vĩnh Long thuận tiện cho chuyến đi trải nghiệm vui chơi, thư giãn, ăn uống, mua sắm; đặc biệt được ngắm dòng sông Tiền thơ mộng, ngắm hàng thủy liễu bờ bên kia trước chùa Tiên Châu với giai thoại truyền lại: Trước đây khi vùng đất còn hoang vu tiên nữ giáng trần thường xuống tắm ở nơi này và được truyền miệng gọi là bãi tiên.

Tuy mực nước dâng cao không thấy được bãi tiên, nhưng tôi vẫn cảm thấy có điều gì đó thú vị khi nhìn phía bờ bên kia, nhớ câu chuyện kể và sự mường tượng của mình về giai thoại tiên nữ giáng trần của ngôi chùa Tiên Châu cổ kính.

Sau thời gian nghỉ ngơi, khoảng 6 giờ tối, đoàn chúng tôi được cô hướng dẫn viên dễ thương, nồng hậu hướng dẫn lên tàu để sang xã An Bình nơi có ngôi đình thần với trên 100 năm tuổi.

Trên tàu, đoàn chúng tôi được trải nghiệm các loại bánh mứt dân dã, trái cây miệt vườn, đặc biệt là trong ánh sáng mờ ảo thơ mộng của những chiếc đèn dầu ấm áp của thế kỷ XIX mà cư dân nơi đây đã từng sử dụng.

Trong không khí lãng mạn đó, trên mặt nước sóng sánh ánh trăng, lòng tôi cảm thấy nhẹ nhàng thư thái và suy nghĩ quả là một chuyến nghỉ dưỡng thú vị, trong đầu luôn tò mò qua lời dẫn chuyện của hướng dẫn viên mà sắp tới chúng tôi sẽ được trải nghiệm chuyến đi đốt đuốc xem hát bội đình làng.

Hát bội là một nghệ thuật sân khấu độc đáo của Việt Nam, là một loại hình nghệ thuật hát ra bộ, được truyền vào Nam Bộ khoảng thế kỷ XVIII và XIX. Hát bội gắn bó chặt chẽ với hoạt động văn hóa đình làng, bởi ngôi đình là trung tâm văn hóa cộng đồng của làng.

Ở mỗi đình, bên cạnh các gian thờ, luôn có gian võ ca. Gian võ ca được thiết kế có sân khấu và khán đài để dành cho mọi người đến xem hát bội. Trong các kỳ lễ hội, hát bội được trình diễn để dâng cúng Thần Thành Hoàng bổn cảnh của làng và giúp vui cho bà con nông dân sau những ngày lao động vất vả.

 Đây là đặc thù tiêu biểu sắc nét của cư dân Nam Bộ khi xưa. Hầu hết ở vùng miền Tây Nam Bộ, hầu như nơi nào cũng hằn in dấu ấn của một thời đốt đuốc đi xem hát bội đình làng.

Tôi ngơ ngẩn say sưa theo lời dẫn của hướng dẫn viên thì tàu đã cập bến. Trong bóng tối của một vùng quê yên bình, chỉ có những ánh đuốc cháy sáng một cách huyền hoặc khó tả.

Cô hướng dẫn viên hướng dẫn mọi người lên bờ, tôi cùng đoàn người đi bộ qua cây cầu xi măng được xây trên một con rạch.

Và được nghe giới thiệu: trước đây người dân đi qua con rạch này trên cây cầu bằng gỗ, có khi là cây cầu dừa và cây cầu dừa là loại cầu phổ biến ở vùng quê Nam Bộ, nên có bài hát “Cây cầu dừa” mà tác giả là nhạc sĩ Hàn Châu đã cảm tác.

Ảnh: PHƯƠNG NAM
Ảnh: PHƯƠNG NAM

Tôi rất thích thú với ánh sáng lập lòe của những cây đuốc lá dừa cầm tay mà mọi người quơ lên quơ xuống; À mà phải quơ theo chiều gió thổi, chứ nếu ngược gió, ánh đuốc sẽ cháy bùng khó khống chế ngọn lửa, ảnh hưởng người cầm đuốc và mọi vật xung quanh, bởi những tàn lửa dễ gây bốc cháy, theo lời giới thiệu của cô hướng dẫn viên. Đi bộ ước khoảng 500m, đoàn chúng tôi đến ngôi đình An Bình.

Cô hướng dẫn viên mời mọi người dừng lại và điều bất ngờ là: Có một nhóm người đã chuẩn bị sẵn giới thiệu cho chúng tôi cách đốt đèn măng sông, là loại đèn thắp sáng bằng dầu với ánh sáng trắng như đèn điện hiện nay.

Loại đèn này chỉ có những gia đình bá hộ, điền chủ ngày trước sử dụng hoặc trong những ngôi đình làng để thắp sáng trong những đêm hát bội như vầy. Bọn nhóc đi cùng chúng tôi vô cùng thích thú bởi tiếng kêu “khò khè” khi ông chú bơm hơi vào đốt đèn.

Cô hướng dẫn viên đưa đoàn chúng tôi vào gian võ ca của ngôi đình. Đèn măng sông treo sáng trên trần nhà. Sân khấu được bày trí khang trang bằng màn vải đầy màu sắc hoa văn, rồng, phụng… rất đẹp mắt.

Đoàn chúng tôi lại được phát cho mỗi người một chiếc quạt mo cau, được làm từ những chiếc tàu cau già rụng xuống và được mời ngồi trên những chiếc ghế đẩu rất nhỏ nhắn. Quả là không đi thì không thể gặp được những cảnh tượng và những đồ vật đời thường mà ở thành phố giờ hầu như đã mất.

Khi mọi người đã yên vị, thì tuồng hát bội bắt đầu. Chúng tôi say sưa ngắm nhìn những điệu bộ, lắng nghe những làn hơi khỏe khoắn của các nghệ sĩ đang biểu diễn.

Đặc biệt, trong đoàn có một vài người nước ngoài, họ xem rất thích thú. Các nghệ sĩ biểu diễn chừng nửa tiếng thì hết trích đoạn của tuồng. Cô hướng dẫn viên giới thiệu chúng tôi lên chụp ảnh lưu niệm cùng các nghệ sĩ.

Điểm thú vị là, chúng tôi còn được các nghệ sĩ hướng dẫn cách ra bộ, diễn tuồng. Vui nhất là các anh chị người nước ngoài họ học cách ra bộ, múa may tay chân lòng vòng, tạo những tràng cười sảng khoái.

Sau khi kết thúc màn xem hát bội, đoàn chúng tôi trở lại tàu để trải nghiệm thả đèn giấy trên sông. Những chiếc đèn giấy đủ màu, bên trong có những cây đèn cầy nhỏ xíu, cháy những ánh sáng lấp lóe, vui nhộn trên một đoạn sông, trông như những ánh sao trên trời nhấp nháy.

Lòng tôi thấy lâng lâng khó tả, một cảm giác khoan khoái dễ chịu khi làn gió mát lùa sang. Đêm cũng đã dần khuya, tàu đưa chúng tôi trở lại bờ để lên một homestay thưởng thức món cháo gà được gọi là gà thả vườn. Sau đó, chúng tôi lên tàu và trở về khách sạn.

Con tàu chồng chềnh trên sông nước, đôi mắt tôi mơ màng khép lại với tâm trạng thật thư thái, dễ chịu, chắc chắn đêm Vĩnh Long này tôi sẽ ngủ thật ngon.

VÕ LÊ THIÊN VY