Truyện ngắn

Dáng hình của biển

Cập nhật, 12:45, Chủ Nhật, 25/09/2022 (GMT+7)
Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)
Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)

(VLO) Sóng trên Biển Đông đã bắt đầu êm dịu. Xa kia, ngọn hải đăng sừng sững sáng rực, một góc Trường Sa lung linh huyền diệu trong đêm.

Nhật thức dậy khi trời còn chưa sáng. Anh lục đục chuẩn bị đồ đạc tác nghiệp, kiểm tra lại giá đỡ, lau ống kính… Khoác thêm chiếc áo ấm bên ngoài, đội thêm cái nón, anh bước ra khỏi phòng nghỉ đi thẳng về phía bờ đá xôn xao sóng.

Để có được những tấm ảnh đẹp nhất về bình minh Trường Sa, Nhật đã phải canh góc máy từ lúc màn đêm còn ôm ấp, hải đảo đang say sưa trong giấc ngủ, chỉ có những người lính đảo làm nhiệm vụ vẫn còn đứng gác.

Sau khi máy móc đã sẵn sàng, chỉ đợi mặt trời nhô lên từ lòng biển thăm thẳm là bấm máy, Nhật đứng ngắm từng đợt sóng êm ả vỗ vào ghềnh đá như những nét cọ trắng quệt ngang bức tranh đêm u huyền.

Nhật không sợ say sóng, càng không thấy bơ vơ, cô độc khi một mình đứng trước biển rộng trời cao như cảm giác của đại đa số những người lần đầu tiên đối diện với khoảng không bất tận.

Sóng biển rào rạt, những đợt gió thốc, những cơn mưa vần vũ và cả cái nắng trưa khô khốc khắc nghiệt trên cụm đảo này đã trở thành quen thương, thành ký ức của Nhật.

Đoàn công tác gồm nhiều đơn vị, những người tham gia hải trình Trường Sa đến từ nhiều miền đất khác nhau. Trong đó có Nhật, phóng viên của một tòa soạn báo ở miền Nam.

Khi chiếc tàu mang số hiệu KN491 cập bến, đoàn công tác được lính đảo tặng hoa và cùng chụp những tấm ảnh lưu niệm để đời.

Bởi đến Trường Sa không phải là chuyện dễ dàng, hơn nữa, Trường Sa là một phần máu thịt của Tổ quốc. Tuy cách ngăn bởi một hải trình dài, nhưng phần máu thịt ấy không thể nào tách rời được.

Ngày đầu tiên đến Trường Sa, một vài người đã nhận ra Nhật. “Trời, thằng bé ngày nào còn cắp sách đến trường Song Tử Tây học chữ ê a, giờ lớn ngần này, lại còn làm phóng viên nữa”.

Tay bắt mặt mừng, nụ cười tươi rói trên môi mà khóe mắt lại cay xè như gió biển tạt vào hơi mặn. Lòng Nhật đang xôn xao sống về những ngày trước, như biển cả xôn xao, như hải đảo xôn xao ngày đoàn công tác về thăm.

Mặt trời đã dần nhô lên, đỏ rực “như hòn lửa” trong câu thơ của Huy Cận được học thuở thiếu thời. Anh bấm máy, chụp, chụp thật nhiều góc ảnh. Bình minh trong ngần trên biển, cánh hải âu chao, vệt sáng nghiêng nghiêng…

Phía xa trong khung ảnh của Nhật là bóng dáng người lính biển đứng hướng ra xa xôi, trước muôn trùng sóng trắng.

*

Nhật được sinh ra trên đảo. Mẹ nói, ngày sinh Nhật, bà mụ đã lấy nhau rốn của Nhật thả xuống biển, ý muốn tâm hồn Nhật sẽ gắn bó trọn đời với biển cả quê hương.

Ba mẹ yêu biển tha thiết, bởi vậy, từ hồi lấy nhau, ba mẹ tự nguyện xin ra Trường Sa sống, dù cuộc sống trên đảo không hề mơ mộng như trong những trang thơ, những bức vẽ.

Mẹ Nhật dạy tiểu học ở Trường Song Tử Tây, ba theo ghe đi đánh cá. Ba lúc nào cũng nồng nàn mùi biển. Cái mùi biển ấy đã nuôi lớn tâm hồn của Nhật, để sau này Nhật nói với mẹ:

- Mẹ, con không muốn đi học, con muốn đi biển đánh cá như ba!

Mẹ giật mình nhìn Nhật trân trân. Lúc đó Nhật mới chỉ đi lon ton ở vuông sân trước nhà, hướng nhìn ra biển. Từ đất liền, nhiều thầy cô trẻ tuổi lại xung phong ra Trường Sa công tác, đảo không còn tình trạng thiếu giáo viên như trước. Sức khỏe mẹ cũng kém dần, nhất là đôi mắt.

Mẹ thôi dạy ở trường, nhưng mỗi đêm mẹ vẫn dạy thêm không lấy học phí, cho trẻ con Trường Sa. Bởi vậy người dân ở đây rất quý mẹ, khen Nhật giống mẹ, chắc mai sau sẽ học hành rất giỏi.

- Đi đánh cá như ba cực lắm, nắng gió mặt nám tay chai. Không đi học sau này tương lai sẽ không xán lạn đâu, con trai!

Nhật phụng phịu. Mắt nhìn ra ngoài kia tìm bóng ba. Ngày còn thơ bé, thoảng mẹ lại bế Nhật ra cuối vuông sân, dưới gốc cây bàng vuông, mẹ chỉ về phía chiếc ghe đang mờ mờ xuất hiện ngoài khơi xa, bảo đó là ghe của ba. Thói quen tìm bóng dáng chiếc ghe của ba trên biển vẫn theo cho đến ngày Nhật nghe lời mẹ, chịu đi học.

- Chú lính nói phải đi học, học giỏi, sau này trở thành người có ích. - Nhật lí nhí.

Mẹ cười hiền như lá bàng vuông.

- Chú ấy nói đúng. Thế Nhật có muốn đi đánh cá nữa không?

- Con cũng muốn, mà cũng không. Đi đánh cá thì sẽ được gần ba, đi học thì con được gần mẹ. Mà sao ba đi đánh cá lâu về với mẹ con mình, hả mẹ?

Nghe Nhật nói thế, mắt mẹ buồn buồn. Mẹ lại đi ra cuối vuông sân, chỗ cây bàng vuông vẫn tỏa bóng mát che chắn chỗ Nhật ngồi nhìn ra xa xôi tìm bóng hình của người ba yêu quý.

Mẹ cũng thường ngồi ở đó nhìn ra, giữa nghìn trùng sóng vỗ, nơi đó có người mẹ yêu thương cùng đoàn người trên chiếc ghe đánh cá đã không về bến như lời hứa hẹn, sau một đêm biển động kinh hoàng. Biển giữ lấy ba vĩnh viễn…

Mỗi lần nhìn về phía biển, mẹ lại thấy thấp thoáng trong sóng nắng là bóng dáng, là khuôn mặt tảo tần và nụ cười chân chất tỏa nồng vị mặn mòi biển khơi của ba. Ở cạnh biển, mẹ thấy mình như được ở gần ba, như được ba nắm tay, vuốt ve khuôn mặt đã nhiều nếp nhăn của mẹ.

Nhật càng lớn càng giống ba, nhất là nụ cười. Mẹ càng muốn mai sau Nhật sẽ cống hiến cho Tổ quốc bằng trí tuệ, bằng nỗ lực của người con ra đi từ Trường Sa. Thế nên mẹ không trả lời cho Nhật biết tại sao ba chưa về. Mẹ vẫn âm thầm gieo hy vọng... “Con trai, khi nào lớn lên con sẽ hiểu. Ba con đã ngủ yên trong lòng biển khơi”.

Ngày ngày mẹ dắt tay Nhật đến Trường Tiểu học Song Tử Tây, ngang qua mấy chú bộ đội đang làm nhiệm vụ, các chú vui tươi chào Nhật kiểu hải quân vẫn thường chào.

Mái trường Song Tử Tây đơn sơ, nhỏ nhắn giữa biển trời quê hương. Nơi đó hàng ngày vẫn vang vọng tiếng trẻ con đánh vần, tập làm toán, rôm rả đọc những bài thơ ngợi ca Tổ quốc, ngợi ca biển cả quê hương…

Từ mái trường giản đơn, bao học sinh đã rời đảo vào đất liền để nối tiếp chương trình học, học lên cấp hai, cấp ba, vào đại học bằng khát khao của tuổi trẻ. Bao người thành nhân và thành công. Từ hải đảo xa xôi, bao người đã trưởng thành và không ngừng cống hiến trí tuệ, sức lực cho Tổ quốc.

*

- Mẹ, mình vào đất liền sống tiếp đi mẹ. Ở đây có một mình mẹ, con không yên tâm. Biển đã giữ ba giúp mẹ con mình rồi! Mẹ cứ nhớ ba hoài thì ba cũng đâu trở lại…

Nhật đã nói với mẹ như thế vào một chiều biển lặng sóng, mơ màng trong ánh hoàng hôn. Nhật trở về thăm đảo. Khi đó anh đã trở thành sinh viên đại học.

Mẹ cứ đắn đo suy tư mãi về lời đề nghị của Nhật. Mắt mẹ ngày một kém hơn. Hình như nó đã không chịu đựng được nổi những đợt gió thốc bời bời, khô khốc, mắt mẹ rát và ứa nước. Nhưng… “Mẹ quen sống ở Trường Sa rồi. Vào đất liền mẹ nhớ đảo, sao chịu nổi?”.

Nhật cũng yêu đảo, yêu biển. Nhưng để mẹ đơn độc trên đảo Nhật hoàn toàn không yên tâm, mỗi lần Nhật về thăm cũng khó:

- Trường Sa, biển cả và ba vẫn mãi trong tim mẹ con mình. Khi nào mẹ nhớ biển, nhớ Trường Sa, mẹ con mình sẽ lại về thăm…

Mẹ suy nghĩ một lúc rồi gật đầu.

Đêm ấy, có lẽ là đêm ấn tượng nhất trong cuộc đời của mẹ. Mẹ con Nhật lang thang trên đảo, đứng dưới cây bàng vuông có ánh trăng hiền lành chiếu qua, làm thành những mảng sáng kỳ diệu trên đảo đá. Mẹ nhìn biển rì rào trong đêm, từng đợt sóng cuộn trắng buốt, đẹp mê ly.

Mẹ tìm ba. Mẹ luôn cảm giác ba đang ở đâu đây, nhìn mẹ, thoảng lại ôm ấp, vỗ về đôi vai gầy của mẹ…

Đêm ấy, đêm cuối cùng mẹ ở lại Trường Sa. Ngày mai, khi con tàu vỗ sóng, mẹ con Nhật sẽ đi khỏi nơi này.

- Nhật, chắc mai này mẹ nhớ nơi đây nhiều lắm! - Mẹ khe khẽ khi đứng trên boong tàu nhìn về phía Trường Sa, tiễn mẹ con Nhật là những khuôn mặt thân quen đã gắn bó với nhau tự thuở nào.

Nhật áp tay lên ngực trái, nhìn mẹ. Mắt Nhật trong veo. Hải âu chao lượn trên mũi tàu xé sóng.

- Trường Sa luôn ở đây, trong tim, trong lòng mẹ con mình. Và cả ba nữa…

*

Nhật trở thành phóng viên. Công việc đó đã giúp anh đi đến nhiều nơi, miền núi, miền biển, miền đồng bằng… nơi nào anh cũng đã từng đặt chân đến. Nhưng không ở đâu Nhật có cảm xúc bằng ở Trường Sa, nơi anh được sinh ra, nơi nhau rốn anh hòa vào lòng biển thăm thẳm…

Trường Sa, chỉ cần nhắc đến hai tiếng đó, Nhật đã thấy tim mình rung lên. Nhật đã xin cho mình được đi Trường Sa, hứa hẹn những bài viết hay về cuộc sống và con người ở nơi đây, về hình ảnh người lính hải đảo bồng súng canh giữ vùng biển trời thiêng liêng của đất nước.

Bao năm trở lại Trường Sa, nơi này giờ đã đổi khác… Nhật về thăm xóm biển năm xưa, thăm khoảng sân có cây bàng vuông mẹ hay ra ngồi ngóng ba. Nhật gặp lại những người xưa, xúc động vỡ òa, đáy mắt long lanh. Ai cũng mừng vì cậu nhóc ngày nào giờ đã thành phóng viên rồi, đã cống hiến ít nhiều cho đất nước.

Bình minh Trường Sa, Nhật đứng trước biển khơi, chợt thấy mình nhỏ lại như cậu nhóc năm nào. Tìm ba. Nhật muốn gọi ba, gọi biển thật to. Nhật muốn nói với ba, cậu giờ đã trưởng thành, đã biết cách bảo vệ mẹ, để ba yên lòng hòa vào biển cả.

Buổi tối ngồi trên bậc tam cấp dẫn xuống vuông sân, Nhật ngồi viết bài và gửi về tòa soạn. Sếp khen qua tin nhắn: “Viết tốt quá! Cố lên nhé, cậu phóng viên trẻ”.

Nhật cười vui lắm. Đó là bài viết về nhà giàn DK1 mà Nhật được ghé thăm trên hải trình của đoàn công tác, là bài phỏng vấn về anh lính hải quân- trách nhiệm và nỗi nhớ đất liền, về những khó khăn và hy vọng của người dân Trường Sa…

Nhật cũng muốn viết gì đó cho ba. Nhưng là viết cho riêng mình, viết cho mẹ, viết bằng tất cả tình yêu của chàng trai được sinh ra ở Trường Sa, và rồi trở lại Trường Sa đầu sóng ngọn gió. Để biết rằng sau bao năm cách xa, trong tim mình, Trường Sa, Tổ quốc, mẹ và ba luôn là tất cả…

HOÀNG KHÁNH DUY