Đọc sách

Vương đạo cuộc đời

Cập nhật, 17:40, Thứ Bảy, 24/09/2022 (GMT+7)

(VLO) Có những cuốn sách ẩn chứa sự quan sát sâu sắc và có nền tảng văn hóa cao giúp ta có niềm tin và điểm tựa tinh thần lớn.

Tôi cho rằng “Vương đạo cuộc đời- Con đường đi đến thành công bằng sự tử tế” của Inamori Kazuo là cuốn sách mang tinh thần ấy một cách mạnh mẽ, bởi không chỉ dành cho người Nhật, người đang kinh doanh mà dành cho tất cả chúng ta- những ai muốn giàu có cả về vật chất lẫn tâm hồn, những ai tâm niệm “nghĩ thiện để cuộc đời và công việc được viên mãn”.

Với tôi, mỗi lần đọc sách là “thả con thuyền sang chơi” (Dạ Ngân) với người chấp bút. Việc biết rõ về tác giả sẽ giúp người đọc hiểu sâu nội dung sách. Inamori Kazuo là người sáng lập và điều hành Công ty Kyocera và KDDI, cũng là nguyên chủ tịch hãng hàng không nổi tiếng Nhật Bản Japan Airlines.

Ông viết cuốn sách như một sự đúc kết cách thức bản thân đi đến thành công trên nền tảng văn hóa Nhật Bản.

Điều này đồng nghĩa với việc đọc sách, ta sẽ được vươn tầm xa hơn, đặt chân trong tưởng tượng lên một đất nước có thể ta chưa từng đến, chạm tay vào những việc có thể ta chưa từng làm và mở ra những điều có thể thâm tâm chưa từng nghĩ tới.

“Vương đạo cuộc” đời hay ở cảm xúc và hình thức. Cảm xúc ở đây không phải là hỉ, nộ, ái, lạc- những thứ ai cũng có khi sinh ra mà là nhớ thương, cảm động- những thứ được tạo ra và nuôi dưỡng bởi giáo dục (lời của Masahiko).

Còn hình thức chính là tinh thần võ sĩ đạo tạo khung sườn cho toàn bộ nội dung sách. Mười hai chương sách với các tên gọi lần lượt là: (1) Vô tư, (2) Thử thách, (3) Lợi tha, (4) Đại nghĩa, (5) Đại kế, (6) Giác ngộ, (7) Vương đạo, (8) Lòng thành, (9) Lòng tin, (10) Lập chí, (11) Tinh tiến, (12) Kỳ vọng được triển khai bằng lời của người hiện tại (tác giả) trong sự ứng chiếu với di huấn của người xưa (Saigo Takamori).

Sự hô ứng này tạo ra niềm tin khá bền vững cho những giá trị tư tưởng đã vượt qua thử thách của thời gian để trở thành chân giá trị có tính quy luật.

Làm gì làm, hãy đi trên “vương đạo”, đừng chọn “bá đạo”. Đây là thông điệp xuyên suốt nội dung sách và luôn đúng trong mọi thời đại.

Về lý thuyết, ai cũng chọn “vương đạo”, nhưng đi vào thực tế, người ta dễ sa vào “bá đạo”. Về lý thuyết, ai cũng muốn mình sống tốt, sống thiện, nhưng đi vào thực tế, người ta khó tránh bị hoàn cảnh làm cho ngả nghiêng.

Vương đạo là chọn con đường đi đến thành công bằng sự tử tế, bằng trung hiếu, nhân nghĩa và giáo hóa. Và “bá đạo” là ngược lại. Đi trên “vương đạo” nhiều gian nan nhưng nhất định phải đi vì đó là con đường duy nhất dẫn đến mọi điều tốt đẹp “thuận ý trời và hợp lòng người”.

Sách chủ yếu định hướng tư tưởng cho nhà lãnh đạo, quản lý. Nhà lãnh đạo mà vô tư được thì người bên dưới nể phục.

Vô tư là không có tư tâm, không được cá nhân, toàn tâm toàn ý cho cái chung, tuyển dụng chọn người tài đức, không chọn họ hàng.

Đây là chân lý thiết yếu cho việc sử dụng nhân lực “thưởng người có công, thăng người có đức”. Nhà lãnh đạo mà biết nhu, biết cương “vừa lạnh lùng vừa nồng ấm”, “vừa mạnh mẽ vừa khiêm nhường”, quyết đoán mà không độc tài, lắng nghe mà không nhu nhược thì sẽ dẫn dắt được người khác bằng sự ảnh hưởng hơn là áp đặt- lãnh đạo thực thụ là truyền cảm hứng cho người khác cùng làm chứ không phải là dùng quyền kiểm soát để áp đặt người khác theo ý mình.

Khi người lãnh đạo không tham tức không cần cả tính mạng, danh vị, tiền tài, lúc đó ta có được một con người lớn đạt đến sự giác ngộ. Và tất yếu, những giá trị tốt đẹp được tạo ra và bền vững với thời gian.

Cho dù bạn là ai, bạn đang ở vị trí nào, cuốn sách vẫn sẽ làm được cả ba điều cho bạn: giúp bạn nhìn rõ điểm mạnh của bản thân; chỉ ra những điểm yếu bạn cần khắc phục và mở ra điểm mù để khai minh cho bạn.

Sách sẽ gửi đến bạn một câu thần chú mà càng niệm, bạn càng có phép màu biến những điều không thể thành có thể trong cuộc sống. Câu thần chú đó là: “Làm gì làm, hãy bắt đầu từ việc “làm người” tử tế”.

TRẦN HUỲNH NHỊ