Lê Quý Đôn và vấn đề đọc sách

Cập nhật, 05:50, Thứ Ba, 26/07/2022 (GMT+7)

(VLO) Lê Quý Đôn (1726 - 1784) nhà bác học lớn của Việt Nam thời phong kiến đã có một sự nghiệp trước tác đồ sộ.

Các tác phẩm của Lê Quý Đôn đề cập đến nhiều lĩnh vực khác nhau: Sử học, Triết học, Chính trị, Quân sự, Thực vật học, Địa lý, Đạo giáo, Nho giáo, Phật giáo… là những bộ sách hết sức giá trị không những ở đương thời mà còn là nguồn tra cứu phong phú cho chúng ta ngày nay và về sau.

Các tác phẩm tiêu biểu của Lê Quý Đôn, có thể kể đến: Kiến văn tiểu lục; Đại Việt thông sử; Phủ biên tạp lục; Quần thư khảo biện; Thư kinh diễn nghĩa; Toàn Việt thi lục… đặc biệt “Vân đài loại ngữ” là bộ bách khoa toàn thư tập hợp những tri thức về tất cả các ngành khoa học.

Đánh giá về thiên tài của Lê Quý Đôn trong sáng tác, Trần Danh Lam (tác giả bài tựa bộ “Vân đài loại ngữ”) đã viết: “Quế Đường (bút danh của Lê Quý Đôn), người huyện Diên Hà không sách gì không đọc, không sự vật gì không suy xét đến cùng, ngày thường ngẫm nghĩ được điều gì đều viết ngay thành sách, sách chứa đầy bàn, đầy tủ, kể ra không xiết”.

Với khối óc thiên tài và kinh nghiệm của cả cuộc đời nghiên cứu, Lê Quý Đôn cho chúng ta những bài học quý giá về vấn đề đọc sách.

Những ý kiến của Lê Quý Đôn về đọc sách thật là xác đáng. Bằng sự vận dụng những lời nói của người xưa, bằng những suy nghĩ của một nhà bác học, Lê Quý Đôn đưa ra cho chúng ta những danh ngôn đáng ghi nhớ.

Lê Quý Đôn không bàn riêng về vấn đề đọc sách trong một tác phẩm nào mà nêu rải rác trong các tác phẩm của mình. Đặc biệt, khi bàn về văn học nghệ thuật (mục “văn nghệ” trong “Vân đài loại ngữ”) ông đã đề cập nhiều đến điều này.

Những ý kiến của Lê Quý Đôn về vấn đề đọc sách rất toàn diện. Trước hết, ông cho chúng ta thấy tác dụng to lớn của sách. Lê Quý Đôn viết: “Đỗ Mục nói: sinh sau trăm đời chưa hẳn là sự không may, vì sách thì đủ, mà việc thì nhiều”.

Quả vậy, sách là kho tàng tri thức được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Con người đọc sách là để tiếp thu mọi tri thức mà nhân loại đã đúc kết được qua quá trình lịch sử; từ đó mà nghiên cứu, sáng tạo và phát triển lên.

Ở thời đại nào, con người cũng được kế thừa vốn tri thức phong phú của người xưa, tất nhiên với sự tiếp thu có chọn lọc, nghĩa là “mình chỉ cần xét lý do, sửa chỗ dài, thêm chỗ ngắn, mười phần được độ bốn năm phần cũng đủ ứng dụng việc đời”.

Do kế thừa kiến thức của người đi trước, người nghiên cứu tránh được con đường vòng, rút ngắn được thời gian nghiên cứu, tránh được những gian khổ của những bước đầu. Lê Quý Đôn đã cho thấy kiến thức người xưa để lại đáng quý biết bao!

Đối với học giả, việc đọc hết sức quan trọng. Lê Quý Đôn viết: “Sách thuyết uyển nói: học giả nên có ba sự nhiều: Đọc sách nhiều, nghị luận nhiều, trước thuật (viết sách nói chung) nhiều”.

Qua đây, Lê Quý Đôn muốn nói đến sự cần thiết của việc đọc, dù là viết văn, làm thơ, chép sử, biên soạn sách khoa học… đều phải học hỏi, tiếp thu tri thức qua sách vở, bởi vì: “Trong bụng không có được ba vạn quyển sách, trong mắt không có được núi sông kỳ lạ của thiên hạ thì chưa chắc đã làm được văn” (Lê Quý Đôn dẫn lời Ngô Lai).

Kho sách của nhân loại hết sức đồ sộ, song từng loại sách lại có tác dụng riêng. Mỗi người cần tùy theo yêu cầu của mình mà tiếp thu từng lĩnh vực khác nhau.

Nhiệm vụ của mỗi người là phải đọc, tiếp thu những tinh hoa trong các sách ấy, nghĩa là “Học kinh phải cho tinh, đọc sử phải cho rộng”. Đặc biệt, những người làm văn, làm thơ càng cần phải đọc nhiều.

Lê Quý Đôn cũng dẫn lời của Âu Dương Tu: “Muốn văn chương hay càng nên chăm đọc sách, đọc sách lại làm văn nhiều, thì tự nhiên văn hay”.

Qua những điều trên, Lê Quý Đôn đã cho ta thấy tác dụng to lớn của sách, nhưng điều quan trọng hơn là ông đã chỉ ra cho chúng ta một phương pháp đọc thật khoa học. Việc đọc sách với đầy đủ ý nghĩa của nó thực không phải vấn đề đơn giản. Đọc sách cũng không phải là điều dễ dàng.

Thiệu Tử nói: “Người biết đọc sách thiên hạ ít có”. Vậy phải đọc sách như thế nào? Lê Quý Đôn dẫn lời của Chu Tử: “Phàm xem văn, thì nên chú ý xem những chỗ các nhà văn nói giống nhau, khác nhau...”. Với cách nói giản dị đó, người xưa đã cho chúng ta một bài học về cách đọc có tìm tòi, phân tích, so sánh.

Đó là cách đọc tích cực, năng động, nhằm tiếp thu những nguồn thông tin mới với những tri thức mới. Với cách ấy, người đọc có thể rút ra được những tinh túy của sách, khai thác những điều mà các tác giả đã dày công nghiên cứu, phát hiện và gửi gắm trong các tác phẩm của mình.

Lê Quý Đôn viết: “Đọc sách nên đọc bản văn cho kỹ, nhằm từng chữ một, mới thấy thú vị, thấy chỗ nào không hiểu thấu được thì nghĩ cho kỹ; nghĩ kỹ không ra mới xem chú giải, như thế mới có ý vị”. Mặt khác, đọc sách phải hết sức kiên trì, phải tránh chủ quan.

Có như vậy mới đạt kết quả, và “đọc sách một trăm lần thì tự nhiên thấy được nghĩa của sách” (trích sách Thuyết phu).

Đọc kỹ, đó là điều cần thiết, song đọc còn phải nhớ được, phải suy xét, đặt vấn đề nghi vấn để nghiên cứu. Lê Quý Đôn trích lời Trương Tử: “Đọc sách nên thuộc lòng, nghĩ kỹ, thuộc mà không nhớ được thì không nảy ra tứ. Nhưng hiểu suốt được đại thể rồi, thì sách cũng dễ nhớ. Ở chỗ không nghi ngờ mà còn nghi ngờ, thế là học đã tiến”.

Người đọc cũng luôn luôn phải biết phân biệt đúng- sai của sách, tiếp thu vốn cổ phải có phê phán, Lê Quý Đôn cũng phê phán mạnh những biểu hiện lệch lạc khi đọc sách của một số người trẻ, thiếu kinh nghiệm “đọc sách mà không xem đại ý”.

Đồng thời ông cũng nhắc nhở mọi người cần phải đọc cho nghiêm túc, noi gương người xưa, vì “Cổ nhân đọc sách không cẩu thả”. Lê Quý Đôn còn nhấn mạnh đặc biệt đến việc vận dụng sách vào thực tế.

Ông cho thấy rõ rằng: Điều quan trọng không phải ở chỗ đọc được bao nhiêu cuốn sách, thuộc bao nhiêu kinh sử, mà ở chỗ tiếp thu được bao nhiêu kiến thức trong sách và vận dụng những kiến thức đó vào cuộc sống như thế nào. Lê Quý Đôn dẫn lời trình Y Xuyên: “Đọc sách được một thước không bằng làm được một tấc”.

Ông cũng nêu rõ và phê bình kịch liệt những kẻ đọc sách chỉ để học lý thuyết suông, ông viết: “Đời sau, bàn luận lục kinh, thuộc làu Ngữ, Mạnh; lại còn hiểu thêm các sách tử, sử, đạo lý, chính sự thì miệng nói lau láu mà rút cục đến lúc làm thì mờ mờ mịt mịt, không có mấu chốt, ít biết đem suy ra thực dụng, tuy sách đủ, việc nhiều, cũng có ích gì đâu”.

Lê Quý Đôn nêu cách học của các bậc tiền hiền và dạy chúng ta rằng: “Đọc sách không cần nhiều, đọc một chữ, đem áp dụng làm việc được một chữ, thế là được”.

Lê Quý Đôn cũng viết theo cách “ý tại ngôn ngoại”, đó là cách viết như Tô Đông Pha nói: “Ý hết mà lời dừng, ấy là cái lời rất mực trong thiên hạ; song lời dừng mà ý không tả hết được, lại càng hay tuyệt”.

Những câu nói mà Lê Quý Đôn đã viết, đã trích từ hơn 200 năm trước khiến chúng ta phải suy nghĩ, càng nghĩ, càng thấy nhiều điều hay và rút ra những bài học bổ ích.

Đối với ngành thư viện, Lê Quý Đôn không chỉ là một nhà bác học, tác giả của hàng chục bộ sách quý được xếp ở vị trí trang trọng, mà ông còn là người biên soạn bản thư mục đầu tiên của nước ta. Với tác phẩm thư mục “Nghệ văn chí” với những đoạn văn nói về vấn đề đọc sách, Lê Quý Đôn đã góp nền móng cho lý luận về thư viện học, thư mục học Việt Nam.

ĐỖ THẠCH