Trung tâm văn hóa- thể thao- học tập cộng đồng

Nỗ lực thoát cảnh "cửa đóng then cài"

Cập nhật, 19:11, Thứ Bảy, 23/07/2022 (GMT+7)

 

Khuôn viên trung tâm văn hóa- thể thao phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí, học tập của người dân.
Khuôn viên trung tâm văn hóa- thể thao phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí, học tập của người dân.

Để những trung tâm văn hóa- thể thao- học tập cộng đồng (gọi tắt là trung tâm VHTT) ở các xã thoát cảnh “cửa đóng then cài”, bên cạnh việc quan tâm đầu tư của tỉnh, cần nhất ở sự năng động, sáng tạo của mỗi địa phương để đa dạng các hoạt động, nâng cao công năng sử dụng. Có như vậy, trung tâm VHTT mới thực sự trở thành nơi không thể thiếu, góp phần nâng cao đời sống VH, tinh thần cho Nhân dân.

Tăng cường công tác quản lý, tổ chức hoạt động

Những trung tâm VHTT là nơi hội họp, sinh hoạt của các đoàn thể, triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nơi tổ chức hoạt động vui chơi, giải trí… cho người dân. Thời gian qua, các ngành, các cấp ở Vĩnh Long đã quan tâm và tìm giải pháp đầu tư xây dựng, phát triển thiết chế VHTT cơ sở.

Theo ông Lê Đức Vĩnh Tuyên- Giám đốc Trung tâm VH Nghệ thuật tỉnh, việc tổ chức các hoạt động VH, văn nghệ, TT, vui chơi, giải trí tại các trung tâm VHTT xã ngày càng sôi nổi, đa dạng góp phần tạo dựng môi trường sinh hoạt VH lành mạnh. Đời sống VH tinh thần của người dân vùng nông thôn không ngừng được nâng lên. Tuy nhiên, việc khai thác, tổ chức hoạt động tại trung tâm VHTT xã còn gặp nhiều khó khăn như: Nguồn kinh phí cấp cho trung tâm còn hạn chế; công tác phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể địa phương chưa được quan tâm đúng mức; đội ngũ cán bộ chuyên môn quản lý còn yếu; ban chủ nhiệm chưa phát huy vai trò tổ chức hoạt động,…

Công trình Nhà VH xã Long Phước (Long Hồ) được xây dựng vào năm 2002 với kinh phí đầu tư trên 200 triệu đồng, song theo quy định của tiêu chí cơ sở vật chất VH thì chưa đạt chuẩn về diện tích đất sử dụng. Để tiết kiệm chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả sử dụng các công trình hạ tầng nông thôn, UBND xã Long Phước chủ trương không đầu tư xây mới mà tập trung nâng cấp, mở rộng quy mô công trình hiện có, phối hợp với Ban Quản lý đình làng xây dựng khu đình làng mở rộng diện tích trên 3.000m2 để đáp ứng nhu cầu tổ chức các hoạt động cộng đồng. Theo ông Trần Công Bằng- Công chức Văn hóa Xã hội xã Long Phước, trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động trung tâm VHTT cấp xã, yếu tố con người là rất quan trọng. Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò của Ban Chủ nhiệm trong công tác quản lý, tổ chức; tăng cường liên kết khi tổ chức các hoạt động tại trung tâm…

Trong năm 2021, mặc dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng Sở VHTT và Du lịch vẫn tổ chức được 2 lớp tập huấn. Cấp hỗ trợ 6 bộ thiết bị âm thanh cho 6 trung tâm VHTT xã ở các xã nông thôn mới nâng cao, kinh phí 573 triệu đồng và 12 bộ dụng cụ tập luyện thể thao cho 12 trung tâm VHTT xã nông thôn mới nâng cao, kinh phí gần 1,8 tỷ đồng từ chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó, tiếp tục tham mưu HĐND tỉnh ban hành nghị quyết thay thế Nghị quyết số 161/2015/NQ-HĐND về hỗ trợ hoạt động trung tâm VHTT xã để nâng mức hỗ trợ mỗi năm từ 20 triệu đồng lên 30 triệu đồng/trung tâm.

Khắc phục những bất cập

Các trung tâm VHTT trong tỉnh tuy được đầu tư nhưng hoạt động chưa đồng bộ, chưa mang lại hiệu quả tích cực. Một số nơi thiết chế phát huy chưa tốt, đặc biệt các sân vận động. Có nơi chưa có kế hoạch, còn trông chờ kinh phí, có nơi có kinh phí, kế hoạch nhưng người dân ít tham gia. Ông Nguyễn Xuân Hoanh- Phó Giám đốc Sở VHTT và Du lịch cho biết, đánh giá này sát với thực tế hiện nay ở địa phương. Có nhiều nguyên nhân như: một số trung tâm VHTT xã, nhà VH- khu TT ấp, liên ấp do địa phương chọn vị trí xây dựng không phù hợp, nên chưa thu hút được nhiều người dân đến tham gia. Cán bộ công chức VH cấp xã thường xuyên thay đổi hoặc cán bộ bố trí quản lý các thiết chế VH cơ sở có nơi chưa đúng chuyên môn, nên việc tham mưu cho cấp ủy và chính quyền địa phương trong tổ chức hoạt động còn hạn chế.

Bên cạnh đó, một số địa phương bố trí kinh phí cho hoạt động trung tâm VHTT xã còn hạn chế. Trong khi nhu cầu hoạt động mỗi trung tâm khoảng 60- 70 triệu đồng/năm (theo Thông tư số 12/2010/TT-BVHTTDL ngày 22/12/2010 của Bộ VHTT và Du lịch quy định mẫu về tổ chức, hoạt động và tiêu chí của trung tâm VHTT xã) thì chỉ được cấp 20 triệu đồng/năm theo Nghị quyết số 161/2015/NQ-HĐND về hỗ trợ hoạt động trung tâm VHTT xã. Các phong trào VH, văn nghệ được tổ chức tại địa phương thiếu lực lượng trẻ kế thừa tham gia mà đa phần là người lớn tuổi.

Buổi triển lãm các tác phẩm văn học nghệ thuật tại Trung tâm Văn hóa- Thể thao xã Chánh An (Mang Thít).
Buổi triển lãm các tác phẩm văn học nghệ thuật tại Trung tâm Văn hóa- Thể thao xã Chánh An (Mang Thít).

Để khắc phục các hạn chế này, ông Nguyễn Xuân Hoanh cho rằng: “Lực lượng đóng vai trò chủ đạo phải là cấp ủy, chính quyền nơi có trung tâm VHTT xã. Ở phạm vi trách nhiệm cơ quan hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ, Sở VHTT và Du lịch thường xuyên nhắc nhở, hỗ trợ về chuyên môn nghiệp vụ cho các trung tâm VHTT xã”.

Theo Sở VHTT và Du lịch, ở cấp xã có 438 thiết chế (75 trung tâm VHTT- học tập cộng đồng; 362 thư viện và phòng đọc sách cấp xã; Thư viện tư nhân Tứ Hưng), hầu hết đều đáp ứng các tiêu chuẩn về cơ sở vật chất văn hóa. Đặc biệt, từ năm 2018- 2021, sở đã cấp thiết bị VHTT cho 23 xã nông thôn mới, trong đó có 12 xã nông thôn mới nâng cao. Bộ trang thiết bị đã tạo điều kiện cho các địa phương tổ chức các hoạt động VH, văn nghệ TT phục vụ trẻ em, người cao tuổi và Nhân dân vui chơi, giải trí, rèn luyện sức khỏe.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ