Có "Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian"

Cập nhật, 16:40, Chủ Nhật, 27/02/2022 (GMT+7)

 

Trong những ngày đầu năm 2022, một trong những quyển sách dịch được nhắc đến nhiều nhất tại Việt Nam là “Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian” chuyển ngữ từ cuốn tiểu thuyết “On Earth we’re briefly gorgeous” của Ocean Vuong.

Sinh ra trong một gia đình làm nông ở Sài Gòn vào năm 1988, năm 2 tuổi, Ocean Vuong cùng gia đình di cư sang Mỹ. Từ một người “đánh vật” với các con chữ để hiểu được ngôn ngữ xứ người, Ocean Vuong đã trở thành nhà thơ với tuyển tập thơ đầu tiên “Night sky with exit wounds”- đã được xuất bản tại Việt Nam với tên gọi “Trời đêm những vết thương xuyên thấu”. Đây cũng chính là tập thơ mang về cho anh giải thưởng Whiting Award (2016), Thom Gunn Award, và Forward Prizes (2017)- một giải thưởng thơ quan trọng của Anh quốc được ví như giải Oscar trong lĩnh vực thi ca.

Ngay sau đó, cuốn tiểu thuyết đầu tay của anh: “On Earth we’re briefly gorgeous”, khi vừa xuất bản cũng ngay lập tức lọt vào danh sách best seller của New York Times và trở thành cuốn sách đáng mong đợi nhất năm 2019 từ giới phê bình, nhận hàng loạt giải thưởng lớn nhỏ.

Ocean Vuong từng được Tạp chí Foreign Policy của Mỹ bình chọn là một trong 100 Nhà tư tưởng hàng đầu thế giới (100 Leading Global Thinkers) cùng với cựu Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Hillary Clinton, cựu Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon và Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ocean Vương hiện đang giảng dạy tại Đại học Massachusetts ở Amherst.

Dưới hình thức một lá thư của nhân vật chính- Chó Con gửi cho mẹ, “Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian” mang dáng dấp tự truyện của chính Ocean Vuong, người chuyển đến Mỹ năm 2 tuổi, sống với người mẹ đơn thân làm nghề móng trong một gia đình không ai biết tiếng Anh. Tuy nhiên trong một buổi phỏng vấn, Ocean Vuong nói rằng, anh không muốn viết và bán đi câu chuyện riêng tư của gia đình, nên tất cả câu chuyện đời của Chó Con dù chân thật đến khó tin, vẫn hoàn toàn là sản phẩm của trí tưởng tượng, chứ không phải là ghi chép lại hiện thực. 

Hành trình trưởng thành của Chó Con đầy đau khổ khi cuộc sống của một người nhập cư trên đất Mỹ không đẹp như ta tưởng. Tuổi thơ anh chịu đựng những đòn roi bạo hành của mẹ. Những ám ảnh chiến tranh in đậm trong tâm trí khiến ngoại Lan mắc chứng tâm thần phân liệt. Văn chương Ocean dù buồn nhưng rất đẹp. Dù trong khó khăn, người đọc tiểu thuyết vẫn cảm nhận lấp lánh trong đó là tình yêu thương. Tình thương là sợi dây nối kết những con người bấu víu vào nhau vì không còn ai.

Chó Con học tiếng Anh, trở thành người phiên dịch của gia đình, kết nối mẹ với văn hóa Mỹ. Bà ngoại và mẹ lại dạy Chó Con học cách kiên cường, nghị lực vượt lên hoàn cảnh, nhất là con mắt tinh tế quan sát thế giới này, nhìn nhận được cái đẹp dù là một cánh chim ruồi, một vạt hoa, hay một chiếc đầm trong cửa hàng. Anh tỉ mẩn so sánh một trận bom nơi quê hương với những cánh bướm vua tan nát, khúc chân hoại tử vì bệnh tật với những đóa hoa tím vô danh, hay mái tóc bạc trắng của bà ngoại với tuyết.

Cuốn sách không chỉ về tình cảm gia đình mà ở đó còn là những giằng xé tuổi trưởng thành với mối tình đầu nồng cháy của Chó Con và chàng trai trẻ Trevor 17 tuổi. Chuyện tình đồng tính là khao khát được yêu thương và thấu hiểu của những con người trẻ tuổi. Đó còn là hành trình nhìn sâu vào bản ngã, lấp đầy những tâm hồn nhiều tổn thương bằng sự đồng cảm và tình yêu, thứ tình yêu thô ráp, trần trụi mà mang tính chữa lành hơn cả.

“Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian” không “đao to búa lớn” nhưng bao hàm những đề lớn của văn chương: tình mẫu tử, tuổi mới lớn, chiến tranh, nhập cư, đồng giới, và vượt lên tất cả, đó là một suy tư đau đáu về sự rực rỡ thoáng chốc ấy của cái đẹp. Ocean Vuong bóc tách hiện thực trần trụi bằng ngôn ngữ thấm đượm chất thơ.

Một khía cạnh cực kỳ cuốn hút ở “Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian” là sự chơi đùa với câu chữ của Ocean Vuong. Có những điều vô cùng gần gũi, độc giả có khi đã lướt qua hàng trăm lần nhưng chẳng nhận ra vẻ đẹp của câu từ cho đến khi Ocean Vuong khéo léo để mỗi người khám phá ra, như những dòng: “Bất công thay khi từ laughter (tiếng cười) bị mắc kẹt bên trong slaughter (sát sinh); hay “Trong tay mình không cầm gì ngoài tay nhau”…

Một trích dẫn được nhiều người nhắc đến nhất là: “Có lần mẹ nói con rằng mắt người là tạo vật cô đơn nhất của Chúa. Vì quá nhiều thứ trên thế giới đi qua con ngươi mà nó vẫn không giữ lại điều gì. Con mắt trong hốc, một mình một cõi, còn không biết rằng có một vật khác giống nó y hệt, cách chỉ vài phân, cũng đói khát và trống rỗng như nó”.

“Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian” thể hiện rõ nét về cả nỗi khổ đau lẫn niềm kiêu hãnh của con người. Trong góc tối tận cùng, niềm kiêu hãnh ấy khiến con người trở nên đẹp đẽ, dù những phút huy hoàng đều ngắn ngủi. Thế hệ trước đi qua chiến tranh, thế hệ sau đối diện với nhiều ngả rẽ, nhiều vấn đề của thời cuộc. Sợi dây yêu thương có sức gắn kết kỳ lạ. Họ bấu víu vào nhau, viết nên câu chuyện đầy suy tư mà thật đẹp như Chó Con đã viết trong thư gửi mẹ: “Suốt thời gian qua con tự nhủ mẹ con mình sinh ra từ chiến tranh- nhưng con đã nhầm rồi mẹ ạ. Mình sinh ra từ cái đẹp”.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ