Truyện ký

Tháng Giêng leo núi trồng mì...

Cập nhật, 12:32, Chủ Nhật, 20/02/2022 (GMT+7)

 

Tranh minh họa: TRẦN THẮNG
Tranh minh họa: TRẦN THẮNG

1. Tôi về làm dâu xóm núi, nghề chính là đi dạy học; nhưng khi rảnh chuyện trường lớp cũng có theo nhà chồng phụ thêm việc nương rẫy. Chồng thương, cho rớ toàn việc nhẹ, gần nhà.

Tôi tuy ở đồng bằng nhưng vốn gốc nông dân, lúc nhỏ cũng có ra đồng tham gia chuyện ruộng nương- chưa kể họa hoằn còn được theo mẹ leo lên ngọn núi Chai gần nhà kiếm củi.

Vậy nên những chuyện nhà chồng giao tôi làm chẳng thấy nhọc nhằn gì lắm, bụng nghĩ: việc nương rẫy thì cũng như dưới đồng thôi, gì ghê gớm đâu trời?

Đất núi, tháng Giêng là mùa ra quân trồng mì. Năm đó Tết xong, cả nhà chuẩn bị đi trồng mì nơi cái rẫy to, tận lưng chừng núi Lá.

Rẫy này nằm xa, đường sá lại hiểm trở nên tôi chưa bao giờ được đến. Gặp ngày nghỉ dạy, tôi cũng hăng hái… xin đi!

Chồng tôi ái ngại: liệu em có đi nổi không? Rẫy lớn đường xa, leo vất vả lắm đó! Tôi cười tự tin: Anh quên lúc nhỏ em từng leo núi kiếm củi hay sao?

Đừng có khi dễ dân đồng bằng…. lời qua tiếng lại, ba chồng tôi phải dàn hòa: Thôi, cứ để nó đi một lần cho biết; nhưng làm được chừng nào hay chừng đó, không cố nghe con?

Tôi khoái chí dạ rõ to, bụng nghĩ: lần này phải quyết chứng minh cho nhà chồng thấy dân đồng bằng tôi cũng thạo việc, đủ sức “trèo đèo lội suối” như ai, đâu cứ phải là dân xóm núi mới biết… trèo?

2. Tinh mơ, cả nhà đèo nhau trên mấy chiếc xe máy tàng, còn chất thêm lỉnh kỉnh rổ rá cuốc xẻng cùng cơm ăn nước uống phía sau. Hết đường nhựa là rẽ vào đường núi.

Hơn 5km đường đất lổn nhổn ổ gà khiến tôi ngồi sau bị dồi lên dập xuống ê ẩm cả mông cho dù chồng đã cố chạy chậm, đánh lái “nương tay” mỗi lúc nghe tôi oai oái phía sau.

Nhắm mắt, gồng lưng chịu đựng cảnh “cưỡi ngựa” bất đắc dĩ không dám kêu ca; tới lúc chồng dừng lại tắt máy, đẩy xe vào bụi cây tôi mới hoàn hồn. Tới rồi hả anh? Chưa.

Mới tới chân núi thôi, còn phải leo lên…. Ngước mắt nhìn theo hướng tay chồng chỉ, trời ạ, tôi tái xám tái xanh khi thấy “rẫy” là vạt đất trống bé tẻo teo nằm xa hút, chênh vênh bên sườn núi cao chớn chở.

Giờ mới hiểu ra: trái núi Chai ngày nhỏ tôi leo hái củi so với ngọn “thâm sơn” lừng lững nơi đây thực ra chỉ đáng hàng… con cháu- tức là một quả đồi!

Sợ cũng phải trèo. Đã lỡ “to còi” thì ráng bấm bụng thôi, đâu còn đường lùi. Cả nhà trông bộ dạng “thất thần” của tôi chắc ái ngại nên chia nhau gồng gánh hết đồ đạc cho tôi đi không.

Đường dốc tức ngược, phải đu cây bíu đá mà đi (chính xác là bò lên). Nắng xuân bình thường ấm áp mơn man nhưng giờ đây tôi có cảm giác như đang bị Mặt trời táp lửa.

Ráng lên chưa hết dốc mà mồ hôi như tắm, mắt nổ hào quang đom đóm, gối khuỵu chân run. Hồng hộc thở cả mũi mồm không chưa đủ; hơi thở còn tràn luôn ra cả… đôi tai, nghe rõ tiếng xì xì. Chồng tôi đi cạnh động viên: cố lên em, sắp tới rồi….

Thì cố! Tay trái tôi bíu vào mô đá, tay phải bắc qua một cành cây. Cành khô giòn gẫy rắc khiến tôi mất đà chới với - may nhờ tay chồng chụp lại kịp. Hoàn hồn, tôi ngoái nhìn chân dốc sâu hút, tưởng tượng cảnh mình bị lăn xuống đó mà lạnh cả người! Xung quanh tôi mọi người vẫn im lặng trèo.

Từng bước, từng bước một lên cao dần không một tiếng kêu ca. Tuổi cao như ba chồng, mẹ chồng tôi mà vẫn thoăn thoắt bíu cành đạp đá vững chãi bươn lên. Hình ảnh ấy gây cho tôi xúc cảm mạnh.

Dù mệt, tôi vẫn lờ mờ cảm nhận ra cái nghị lực ẩn tàng đằng sau những bước chân của người xóm núi. Làm một người dân xóm núi thực thụ hóa ra không dễ.

Tôi quay lại nhìn chồng, nhìn cánh tay vững chãi anh đưa tôi níu với vẻ hàm ơn. Hiểu ý, chồng cũng nhìn lại tôi, mắt lấp lánh như cười…

3. Leo lên tới rẫy đã lưng buổi sáng. Mặc cho tôi ngồi bệt, thở dốc; mọi người uống vội ngụm nước rồi lập tức lao ra “tác nghiệp”. Phải trồng cho xong trước tối còn kịp đi về.

Đất làm sẵn. Hom mì cũng đã tải lên từ hôm trước. Giờ chỉ người cuốc người bưng hom thả. Vậy mà cũng nhọc đừ do phải làm liên tục không ngơi tay.

Bữa trưa ăn ngay ngoài trời nắng, đâu chỉ mười lăm phút là xong. Ăn xong buông đũa lập tức đi làm. Nắng trưa chang chang đổ lửa. Mảnh rẫy dưới chân núi nhìn lên thấy bé nhưng sự thực rộng rinh, phơi ngang sườn núi trụi trơ chạy dài hút mắt không một bóng cây.

Vô ích thôi, cho dù có bóng cây cũng đâu thể chui vào mà đụt. Phải chạy đua cùng thời gian cho kịp xuống núi lúc trời còn sáng, không thể lơn tơn về muộn như dưới đồng bằng.

Tôi nhớ đến những ngày còn nhỏ ở quê theo mẹ cha đi ra thổ (những chân đất cao không canh tác lúa nước mà dành để trồng màu) đào khoai, bẻ bắp hoặc trồng mì.

Dân đồng quen lệ buổi mai đi sớm làm cho mát; buổi chiều làm muộn, thâm qua đêm để tránh nắng trưa- nhất là vào những đêm trăng. Trăng dãi vàng trên đồng đất bao la, đã đẹp lại còn tiện soi đường cho công việc. Đường quê bằng phẳng, chẳng ngại việc đi về trong đêm tối.

Những đêm trăng ấy, con bé con tôi cứ muốn nấn ná mãi ngoài đồng. Vừa làm vừa nhẩn nha chơi. Nhẩn nha ngắm bóng trăng tròn vạnh lung linh trên từng lá cỏ đẫm sương hay ngửa mặt thẳng lưng hứng từng làn gió đêm mát rượi…

Nhưng đây là miền núi.

Chồng tôi dọa: Không nhanh tay xuống núi, lỡ trời sập tối có khi phải… ở lại qua đêm! Vâng, chuyện ấy thì tôi tin. Con đường hiểm trở ban sáng phải “liều mình” mới có thể leo lên thì chắc như đinh không thể xuống ban đêm, khỏi bàn!

4. Chiều. Lấp xong cái hom mì cuối cùng, ba chồng tôi đứng thẳng, nhìn bao quát mảnh rẫy lần cuối; xong tay đấm lưng thùm thụp miệng hô: Về! Hiệu lệnh ấy khiến cả nhà thở phào như trút xong gánh nặng, nhanh chóng túm dọn đồ đạc, vác mang lỉnh kỉnh ra đường.

Lượt về tưởng khỏe ư? Mơ đi. Giờ tôi mới chính thức biết thêm cái khổ hình… xuống dốc! Dốc đứng chênh vênh, chỉ cần sơ ý sẩy chân là trượt. Hai cẳng chân tôi còn tê rần sau trận leo ban sáng giờ cứ như chân mượn của ai, nhấc lên không được!

Dũng khí “muốn chứng tỏ” tiêu tan đâu hết sạch. Anh ơi…, tôi ngồi phịch xuống đất, mếu máo. Nhìn “thảm cảnh” ấy chồng bật cười, giao cuốc xẻng cho người khác lại xốc nách tôi: Nào, bản lĩnh “dân đồng” đâu, đứng lên nào, dô ta….

Từng bước một, anh kè kè theo bên dìu đỡ tôi, vừa đi vừa pha trò cho tôi bớt mệt. Xuống tới chân núi trời mới kịp chạng vạng. Còn may, ơn Chúa, “sống” rồi…

Đó là lần đầu - và cũng lần cuối - tôi theo nhà chồng lên rẫy!

*

Sau này, mỗi khi vui nhắc chuyện cũ chồng tôi hay trêu “cũng biết leo núi trồng mì rồi đó. Đừng ai coi thường “dân đồng bằng” nữa nghe!”. Tôi cười lỏn lẻn chữa thẹn; nhưng trong đầu chợt nghĩ: nếu không có lần “trải nghiệm” dại dột đó thì sao tôi hiểu được sức mạnh tiềm tàng của người dân xóm núi, hiểu được họ mưu sinh vất vả dường nào?

Y NGUYÊN