Đề nghị đưa sách giáo khoa vào danh mục quản lý giá

Cập nhật, 06:05, Thứ Tư, 21/09/2022 (GMT+7)

(VLO) Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa cho ý kiến về dự thảo Luật Giá sửa đổi. Đáng lưu ý, trong Tờ trình của Chính phủ về sửa đổi Luật Giá do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày, Chính phủ đề nghị bổ sung sách giáo khoa vào danh mục quản lý giá do đây là mặt hàng có thị trường cạnh tranh hạn chế, ảnh hưởng lớn tới đời sống người dân.

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, sau 9 năm thi hành, Luật Giá đã phát huy được nhiều kết quả tích cực. Đó là, tạo hành lang pháp lý cho việc triển khai cơ chế thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước. Tuy nhiên, quá trình thi hành Luật Giá cũng bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế cần sớm được tháo gỡ như đối với biện pháp định giá, bình ổn giá, các biện pháp điều tiết giá khác…

Báo cáo thẩm tra vấn đề trên, ông Nguyễn Phú Cường- Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng, sách giáo khoa là mặt hàng thiết yếu.

Giá sách giáo khoa có phạm vi ảnh hưởng rất rộng, tác động trực tiếp đến người dân, trong đó có người thu nhập thấp. Vì vậy, cần thiết phải kiểm soát, khống chế giá để bảo đảm không tác động tiêu cực đến người tiêu dùng.

Theo đánh giá, hiện nay có nhiều đơn vị được phép phát hành sách, thị trường có tính cạnh tranh. Do vậy, để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người dân, nhất là người nghèo, Ủy ban Tài chính ngân sách đề nghị Nhà nước quy định giá bán tối đa, không ấn định giá để các đơn vị phát hành sách quyết định giá bán cụ thể nhằm tạo tính cạnh tranh, góp phần hạ giá bán, bảo đảm quyền lợi của người dân. Đồng thời, cần kiểm soát việc tổ chức thực hiện, bảo đảm không để thông đồng giá.

Tại hội nghị, nhiều đại biểu đồng tình việc đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá. Thường vụ Quốc hội nhất trí đưa sách giáo khoa vào danh mục quản lý giá.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan soạn thảo tiếp thu đầy đủ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ dự án luật để trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 4, dự kiến khai mạc vào ngày 20/10.

AN NHIÊN