Hiệu quả lan tỏa từ khởi nghiệp nông nghiệp

Cập nhật, 19:31, Thứ Năm, 23/11/2023 (GMT+7)

 

Nhiều mô hình khởi nghiệp từ nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nhiều mô hình khởi nghiệp từ nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tận dụng lợi thế từ tài nguyên bản địa, nhiều bạn trẻ đã mạnh dạn khởi nghiệp (KN) với các mô hình sản xuất, kinh doanh. Trong đó, chú trọng khai thác tiềm năng, thế mạnh về nông nghiệp ở địa phương và bước đầu nhiều mô hình KN từ nông nghiệp đã mang lại hiệu quả.

Theo các chuyên gia kinh tế, hiện nay, trong khi một số ngành kinh doanh, dịch vụ khác đang dần bão hòa thì KN từ nông nghiệp, nông thôn lại là một xu thế. Bởi, nông nghiệp được xem là lợi thế của Việt Nam và KN là phương thức hiệu quả và thiết thực để thúc đẩy nông nghiệp phát triển. Lĩnh vực nông nghiệp với đa dạng ngành nghề, giàu tiềm năng và dư địa để các bạn trẻ dấn thân trên con đường lập nghiệp, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.

Theo đó, thời gian qua, đã có không ít bạn trẻ đã tận dụng lợi thế từ tài nguyên bản địa, mạnh dạn dấn thân vào con đường KN từ nông nghiệp. Xu hướng này đang thổi một làn gió mới vào nông nghiệp, nông thôn với nhiều mô hình sáng tạo, hiệu quả…

Là 1 trong 5 bạn trẻ lên ý tưởng trồng nấm mối đen tại TX Bình Minh, Nguyễn Tuấn Anh- hỗ trợ kỹ thuật cho trại nấm mối đen Bình Minh, chia sẻ: Cả nhóm dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu, tìm tòi trên mạng internet về kỹ thuật nuôi phôi, trồng nấm mối đen và đi tham quan một số mô hình trồng nấm cho hiệu quả kinh tế cao và nhận thấy điều kiện khí hậu ở Vĩnh Long thích hợp trồng nấm, nên ấp ủ ý tưởng và bàn bạc với nhau để cùng nhau thực hiện.

Theo đó, mô hình được trồng trong môi trường hoàn toàn khép kín, sử dụng hệ thống làm mát tự động, mô hình KN trồng nấm mối đen đã mang lại hiệu quả kinh tế, nguồn thu nhập ổn định và tạo việc làm cho một số lao động tại địa phương. Hiện trại nấm có diện tích 120m2 có thể trồng tối đa 15.000 phôi. Nấm mối đen trồng từ 3 tuần đến 1 tháng là cho ra nấm. Với giá bán 250.000-300.000 đ/kg nấm, trừ chi phí đầu tư lợi nhuận thu được 400 triệu đồng/năm.

Sau 10 năm đi lao động hợp tác tại Nhật Bản, anh Lê Minh Hiếu (xã Hiếu Thuận, huyện Vũng Liêm) đã quyết định về quê nuôi lươn và quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất quê hương của mình, hỗ trợ bà con vươn lên phát triển kinh tế.

Anh Hiếu chia sẻ, lúc đầu nuôi lươn cũng gặp không ít khó khăn do thiếu kiến thức, kỹ thuật nên nuôi lâu mà lươn không chịu đẻ. Đến lúc lươn đẻ được thì chất lượng trứng không đạt, không nở con…

Song, nhờ học hỏi từ những người nuôi lươn đi trước với tích lũy kinh nghiệm thực tế mà mô hình nuôi lươn đã mang lại hiệu quả khả quan. Trước xu hướng phát triển khá thuận lợi, anh Hiếu đã chuyển hướng tập trung vào việc sản xuất lươn giống từ những cặp bố mẹ có tại trang trại và mở rộng diện tích nuôi theo hướng tuần hoàn.

“Tôi nhận thấy dù đi đâu thì cũng không bằng quê nhà mình nên tôi quyết tâm về quê lập nghiệp. Tuy sẽ có khó khăn, trở ngại nhưng nếu bền chí thì nhất định sẽ thành công”- anh Hiếu chia sẻ.

Theo ngành chức năng, thời gian qua, đa số các ý tưởng KN nông nghiệp đều bắt nguồn từ thế mạnh, sản phẩm đặc trưng, quen thuộc của địa phương đã phần nào đem lại thành công cho nhiều bạn trẻ, minh chứng thực tế cho hướng tiếp cận mới. Song song đó, nhiều thanh niên cũng đang tích cực tìm thêm hướng đi khác cho con đường KN và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Theo đó, nhờ áp dụng công nghệ mà những mô hình KN từ nông nghiệp chuyển biến rõ rệt. Nhiều mô hình đã chứng minh xu thế KN nông nghiệp, đặc biệt nông nghiệp thông minh là sự lựa chọn đúng đắn. Từ những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, cũng thúc đẩy phong trào KN trong thanh niên ở địa phương.

Theo các chuyên gia kinh tế, KN nông nghiệp phải gắn với xây dựng NTM, gắn với sản phẩm đặc thù của mỗi địa phương, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, chú trọng công tác quy hoạch sản phẩm, chế biến chuyên sâu…

Tuy nhiên, để KN thành công thì ngoài đam mê còn cần có nghị lực, ý chí và khát vọng vươn lên, đặc biệt dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn, thách thức, bởi KN từ nông nghiệp chưa bao giờ dễ dàng.

Nhiều mô hình khởi nghiệp từ nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nhiều mô hình khởi nghiệp từ nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Thời gian qua, các địa phương cũng có nhiều chương trình đào tạo, hỗ trợ để thúc đẩy hệ sinh thái KN nông thôn và đang bắt đầu phát huy hiệu quả. Cộng đồng KN địa phương cũng dần hình thành, từ đó, chia sẻ kinh nghiệm để cùng nhau phát triển.

Từ những câu chuyện KN nông nghiệp từ tài nguyên bản địa, có thể thấy sự nỗ lực, sáng tạo và đam mê của các bạn trẻ trong việc phát triển kinh tế địa phương. Đây cũng là một minh chứng cho việc KN không chỉ là một xu hướng hiện đại, mà còn là một cách để bảo tồn và phát huy giá trị của văn hóa, truyền thống và tài nguyên bản địa.

Bài, ảnh: TRÀ MY