Hành trang cho sinh viên

Cập nhật, 07:00, Thứ Sáu, 18/12/2015 (GMT+7)

Đại học là một môi trường mới đòi hỏi sinh viên (SV) có tính tự lập, chủ động và sáng tạo. Làm sao để bắt nhịp với môi trường mới- nhất là những SV phải sống xa nhà?

Tân SV Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long làm thủ tục nhập học.
Tân SV Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long làm thủ tục nhập học.

Tập thích nghi

Đậu ĐH, CĐ, nhiều SV phải sống xa nhà, hòa nhập vào môi trường mới, do đó, những khó khăn là khó thể tránh khỏi. Bởi, các bạn không chỉ tự nấu ăn, tự chăm lo cho mọi sinh hoạt cá nhân mà còn làm quen với cách học mới và những người bạn mới.

Khó khăn bước đầu sẽ là chỗ ở, nếu SV đã quen với căn nhà rộng rãi ở nông thôn thì sẽ “khó thở” khi ở phòng trọ SV. Bạn Đặng Hoài Thanh- cựu SV Trường CĐ Phát thanh- Truyền hình II cười: “Mới lên TP Hồ Chí Minh, tôi ở trọ trong cái phòng ọp ẹp, hơn 10m2, 4 thằng bạn ở chung chui ra chui vào “cái lỗ mũi” ấy, khó chịu lắm nhưng thuê chỗ rộng rãi thì mắc quá”.

Do vậy, SV phải có kỹ năng sống để thích ứng trong môi trường mới. Nếu không học bài được ở không gian phòng trọ thì bạn có thể đến thư viện trường, phòng học. Thanh nói thêm: “Một kỹ năng quan trọng nữa là chi tiêu hợp lý tránh để “viêm màng túi” vào mỗi cuối tháng”.

Nếu trường có ký túc xá, tân SV nên đăng ký vì ở đó có nhiều thuận lợi hơn. SV Nguyễn Phương Vinh có 3 năm ở ký túc xá Trường CĐ Kinh tế- Kỹ thuật Cần Thơ đã kể một tràng những thuận lợi khi ở ký túc xá: “Quen nhiều anh chị cùng ngành nên dễ học hỏi kinh nghiệm và mượn tài liệu; gần phòng học; tiết kiệm chi phí cho gia đình; an ninh;… Nhìn chung, ký túc xá có nhiều thuận lợi cho SV, nhất là các bạn mới vào trường còn nhiều bỡ ngỡ”.

Chuyện sống chung với những người bạn mới cũng có lắm chuyện phát sinh. Bạn Lê Nhi ở Hòa Bình (Trà Ôn)- cựu SV Trường ĐH Cần Thơ cho biết: “Bỡ ngỡ nhất là tập sống chung với các bạn, 4 người, 4 tỉnh, 4 cá tính khác nhau trong 1 căn phòng nhỏ”.

Tuy vậy, Nhi cho rằng, không nên vì vậy mà các bạn SV chọn cách ở riêng. “Bởi, khi ở cùng các bạn mới, các bạn sẽ rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp và mỗi người bạn đều có cái hay cho ta học hỏi”- Nhi nói.

ĐH không phải “lớp 13”

Phương thức học tập ở ĐH khác nhiều ở THPT, vì vậy bạn phải nhanh chóng làm quen và chủ động mới có thể học tốt được.

Nguyễn Thị Phương Nga- SV Trường ĐH Cửu Long cho biết: “Hồi phổ thông, có trả bài và kiểm tra thường xuyên, còn lên ĐH thì chỉ có thi giữa kỳ và cuối kỳ. Có nhiều môn không điểm danh nữa nên các bạn vắng nhiều lắm”. Theo Nga thì năm đầu thường là năm khó khăn của SV và nhiều bạn bị rớt hoặc chỉ học ở mức trung bình do thiếu tính tự giác. Nga cười: “Quen được cha mẹ dạy bảo, nên lên ĐH, SV hay ỷ lại lắm, tới thi mới… học bài”.

Năm đầu tiên lại là năm SV bị thu hút bởi một môi trường hào nhoáng hơn, vui tươi hơn. Các hoạt động cộng đồng cũng chiếm nhiều thời gian, nếu các bạn không biết sắp xếp sẽ ảnh hưởng đến kết quả học tập. Bạn Nguyễn Diễm Phúc- cựu SV Trường ĐH Cần Thơ chia sẻ: “Năm đầu lên ĐH, tôi vừa làm lớp trưởng vừa tham gia liên chi Vĩnh Long, vừa tham gia CLB văn nghệ.

Kết quả là đi phong trào nhiều hơn học, rớt 1 môn, điểm trung bình cả năm đầu có 2,72 (theo thang điểm 10 là tương đương 6,8- PV)”. Từ đó, Phúc rút ra kinh nghiệm: “Hoạt động phong trào phải tham gia nhưng có chọn lọc những cái mình thật sự thích và có chất lượng, ưu tiên sắp xếp việc học trước mới đến phong trào”.

Bạn Đặng Hoài Thanh thì: “Để giảm gánh nặng cho gia đình, năm đầu, tôi đã đi làm thêm ở quán bánh xèo. Công việc không vất vả lắm nhưng ảnh hưởng thời gian học vì 17 giờ vào làm mà 17 giờ 30 mới tan học”.

Sang năm thứ 2, Thanh quyết định nghỉ bán bánh xèo mà chuyển sang cộng tác với các báo. Thanh cười tươi: “Làm thêm giúp bạn học được nhiều thứ nhưng phải không ảnh hưởng đến giờ học và càng tuyệt vời nếu làm thêm hỗ trợ được cho ngành học”.

Khi học ở giảng đường ĐH, SV cần chủ động vì “ai đi trước, ngồi trước”. Giảng viên thường giảng bài bằng mi rô và nói thao thao, SV phải tập trung nghe, hiểu, không học “vẹt” được.

Chia sẻ thêm chút kinh nghiệm học ở ĐH, bạn Nguyễn Diễm Phúc cho rằng: “ĐH đòi hỏi mình phải tự nghiên cứu, tìm tòi chứ không phải cứ đợi thầy giảng bao nhiêu là chép vào vở bấy nhiêu”.

 

Ông Lê Thanh Vũ- Phó Trưởng Phòng Quản lý công tác sinh viên Trường ĐH Cửu Long: Khi bước vào trường ĐH, SV phải tìm hiểu kỹ các quy chế, quy định của trường, trách nhiệm của SV trong nhà trường; kỹ năng học ĐH hiệu quả; tìm hiểu về điều kiện và môi trường sống; tham gia đầy đủ các buổi sinh hoạt và không được trốn học.

 

 

Bài, ảnh: CAO HUYỀN