Những bài học từ khu cách ly

Cập nhật, 22:19, Chủ Nhật, 08/08/2021 (GMT+7)

 

Tận dụng thời gian cách ly để làm được nhiều việc có ích, thời gian sẽ qua nhanh.
Học cách lắng nghe và quan sát nhiều hơn, lạc quan hơn.

Khi chúng ta nhìn cuộc sống ở một góc độ khác, cả thế giới sẽ khác đi- tôi nghĩ như vậy và luôn tìm thấy mọi mặt tích cực của vấn đề trong 21 ngày ở Khu cách ly lần 2. Đó là thời gian “đi công tác” hiệu quả, chăm chút sức khỏe bản thân, sống khoa học hơn, nói ít hơn, lắng nghe nhiều hơn… để yêu thương cuộc sống bình thường.

Bình tĩnh đối diện

“Sốc” là chuyện không thể tránh khỏi khi tôi được gọi đi cách ly lần thứ 2. Lòng không khỏi hoang mang vì “2 ngày ở chung phòng F0 liệu mình có bị lây bệnh?” Sự lo lắng ấy đeo theo tôi suốt chặng đường trên xe cứu thương, lần đầu tiên trong cuộc đời gần 34 năm, tôi bị say xe. Xuống xe trong tình trạng buồn nôn, Khu cách ly mới tại Trung tâm Bồi dưỡng chính trị TP Vĩnh Long chào đón tôi là “người mở hàng”.

Tối 9/7 là một đêm không ngủ được đầu tiên trong cuộc đời tôi. Vì tiếng xe cứu thương ra vào khu cách ly, tiếng xe cứu thương ngoài đường tất cả đều được tôi lóng tai nghe rõ mồn một. Chỉ duy nhất nỗi lo làm tôi hoang mang “Nếu tôi thành F0 cũng không đáng lo, nhưng lo sẽ có 3 F1 đi cách ly theo, trong đó có F1 8 tuổi và F1 75 tuổi nhiều bệnh nền!”

Sáng 10/7, tôi dành thời gian trả lời tin nhắn của nhiều người, cảm ơn những tình cảm mà mọi người dành cho mình. Tôi đã bình tĩnh và làm nhiều việc chuẩn bị thích nghi với cuộc sống cách ly mới. Tôi quyết định không dành thời gian để lo lắng những chuyện mà “có lo cũng không làm được gì”, tôi chọn cách đối diện hiện tại và bình tĩnh giải quyết những tình huống có thể xảy ra trong tương lai.

Đây cũng là khoảng thời gian tôi sống một cách khoa học nhất từ trước đến giờ. Phóng viên là một công việc không đong đếm thời gian, tôi quen rồi những giờ ăn không điều độ, ăn vội, vừa ăn vừa làm. Nhưng ở khu cách ly tôi lại có thời gian “điều độ” với khung giờ: 7 giờ ăn sáng, 11 giờ 30 ăn trưa và 17 giờ ăn chiều. Các bữa phụ trái cây cũng được tôi xen hợp lý sau bữa ăn chính ít nhất 30 phút với những loại trái cây tốt cho sức khỏe. Ngay sau khi ăn trưa, ăn chiều, tôi lại có 30 phút đi bộ tại chỗ. Không có nước đá, cà phê sữa đá, tôi quen với nước suối, nước ấm và uống tới 3- 4 lít nước/ ngày. Đây là thời gian tôi dành cho mình nhiều nhất vì “cơm nước có người lo, mỗi ngày chỉ lao động 30 phút bằng việc lau dọn xung quanh cái giường của mình”.

Những công việc có thể làm trong khu cách ly được tôi làm trọn vẹn một cách đáng ngạc nhiên. Đây là khoảng thời gian tôi tập trung làm nhanh gọn những công việc còn dang dở. Latop đã được dọn sạch sẽ những hình cũ không sử dụng; những tin, bài nhẹ nhàng với tư liệu tại chỗ cho phóng viên trong vùng dịch; tiểu luận cuối khóa chuyên viên đang nợ đã được hoàn thành và thầy “ok, em in nộp đi nhe”. Ngoài thời gian cho công việc thì học Tiếng Anh online chiều, đọc truyện tranh; mỗi tối lên lớp cho khóa học online mới. Ngày 2-3 lần gọi về nhà, nói chuyện với cả gia đình như một người đang đi công tác xa. Có lẽ nhờ vậy, thời gian điều độ trôi qua không lâu như tôi tưởng.

Phòng cách ly của tôi ở trên lầu, tôi thường nghe tiếng bi bô gọi “ba ba ba” của một em bé dưới đất. Mẹ bé là công nhân phải thôi bú con để đi cách ly. Vài hôm sau chị thành F0, cả nhà chị thành F1 đi cách ly, trong đó có bé. Tôi nhìn thấy bé duy nhất một lần khi đi lấy mẫu thử, được 2 ngày sau thì nghe tin ba bé cũng thành F0 rồi!

Tìm khía cạnh lạc quan

Khu cách ly dạy tôi phải biết sống lạc quan vì mỗi việc đều có khía cạnh hay riêng. Những bữa cơm hộp liên tục có thể không hợp với nhiều người nhưng thật may mắn vì tôi là người dễ ăn, món gì cũng được. Và cũng thật may mắn vì đồ ăn không quá ngon để tôi phải “lên size” khi hoàn thành cách ly.

Đi cách ly cho mình nghe nhiều hơn, quan sát nhiều và nói ít hơn. Những câu chuyện thú vị, vui có, buồn có, lo sợ có,… Một chú nói chuyện điện thoại oang oang, chắc có người hỏi thăm ăn ở cách ly thế nào. Chú nói “ngày 3 bữa… tui ăn ngủ được, không chừng về lên ký”. Thỉnh thoảng tôi lại vui vì tiếng cười giòn của em bé, tiếng cút hà,… Tiếng anh Sao- quản lý khu cách ly- chiều chiều gọi cho con gái 4 tuổi. Con gái cứ trách: “Bố ơi, sao bố đi lâu thế chưa về!” Chợt nhói lòng, hôm tôi về anh vẫn còn thực hiện nhiệm vụ.

 

Tận dụng thời gian cách ly để làm được nhiều việc có ích, thời gian sẽ qua nhanh.
Tận dụng thời gian cách ly để làm được nhiều việc có ích, thời gian sẽ qua nhanh.

Điều hơi mủi lòng là những khi “có F1 thành F0”, những F1 chung phòng lại tỏ ra kỳ thị F0 kia. Ai muốn mình là F0 không? Tôi chỉ trách những người biết mình bệnh, nghi mình bệnh mà đi lung tung khai báo không trung thực, trốn cách ly.

Vì đi cách ly vào ngày 9/7, tôi không được áp dụng mức cách ly theo quy định mới của Bộ Y tế là 14 ngày mà phải áp dụng mức cũ 21 ngày. Nỗi buồn kéo dài trong vòng 30 phút vì nhớ con lắm, chỉ muốn hôn lên đôi má trắng hồng đó, muốn ôm tình yêu nhỏ bé đó vào lòng. Và xót xa làm sao khi hay “tối qua ba dỗ tới khuya mới ngủ, vì con nhớ “má mi” không ngủ được”.

Tôi lại bắt đầu suy nghĩ theo một hướng khác, nếu cách ly 14 ngày về phải cách ly tại nhà thêm 14 ngày. Thôi thì ở đâu cũng vậy, ở lại khu cách ly cũng yên tâm hơn vì được test thêm lần nữa. Tôi sẽ yên tâm hơn khi về với gia đình nhỏ của mình. Cuộc sống dạy chúng ta lạc quan nhưng không có nghĩa là chúng ta hy vọng tuyệt đối vào những điều tốt đẹp và may mắn đến với mình, theo tôi lạc quan là suy nghĩ tích cực nhất trong mọi hoàn cảnh.

Hôm nay, khi tôi đã hoàn thành 7 ngày cách ly tại nhà sau thời gian cách ly tập trung, đã được tiêm chủng mũi 2, tôi viết bài này với tư cách một người đi cách ly. Thực hiện tốt “5K”, tiêm vắc xin, công nghệ và cách ly khi được gọi tên- đó là yêu nước.

Góc nhỏ cách ly của tôi với cái bàn hội trường được đặt ngay dưới tượng Bác Hồ được tôi trưng dụng làm bàn làm việc. Có lẽ nhờ vậy, tôi luôn suy nghĩ đến những câu chuyện, những bài thơ của Bác, ý chí kiên cường của Bác trong mọi hoàn cảnh và học theo đó để bình tĩnh hơn.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN

Các tin khác: