"Nhờ được hỗ trợ, chúng tôi bớt khó khăn trong dịch bệnh"

Cập nhật, 19:59, Thứ Tư, 04/08/2021 (GMT+7)
Những người bán vé số nhận nhu yếu phẩm ở Gian hàng 0 đồng (Phường 2). Ảnh chụp sáng 2/8/2021.
Những người bán vé số nhận nhu yếu phẩm ở Gian hàng 0 đồng (Phường 2). Ảnh chụp sáng 2/8/2021.

Tầm 8 giờ ngày 2/8/2021, tại Gian hàng 0 đồng ở Trung tâm Hoạt động thanh thiếu niên tỉnh diễn ra những hình ảnh gây xúc động. Người khuyết tật trên xe lăn lần lượt qua các gian hàng nhận rau củ, thực phẩm, hàng thiết yếu...

Hầu hết họ là những người bán vé số có hoàn cảnh khó khăn, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 phải ở nhà và mất thu nhập. Họ xúc động nói với chúng tôi: “Nhờ có những hỗ trợ từ các ngành chức năng, mạnh thường quân… mà chúng tôi bớt khó khăn trong dịch bệnh”.

“Một miếng khi đói bằng một gói khi no”

Là “khách hàng” quen thuộc của “Gian hàng 0 đồng”, cô Đặng Hồng Hoa ở Khóm 6 (Phường 2) vui mừng khi đến nhận rau củ, thực phẩm thì bất ngờ được một chủ doanh nghiệp tặng thêm túi gạo. Cô Hoa bộc bạch, gia đình tôi có 6 người, trong đó có 3 trẻ nhỏ. Do dịch bệnh, người lớn không thể đi làm nên cả nhà rơi vào túng quẫn. May nhờ có ngành chức năng, các nhà hảo tâm hỗ trợ gạo, đường, muối, nước mắm, nước tương… và nhờ có “Gian hàng 0 đồng” này giúp cô có thực phẩm, rau củ cho bữa ăn hàng ngày. “Nếu không có hỗ trợ, chúng tôi không biết sống thế nào trong những ngày bị ảnh hưởng dịch bệnh”- cô Hoa cảm kích nói.

Mạnh thường quân tặng gạo cho người có hoàn cảnh khó khăn.
Mạnh thường quân tặng gạo cho người có hoàn cảnh khó khăn.

Ở trọ tại Khóm 5 (Phường 2) trên 10 năm, chú Phan Văn Hùng ngày ngày bán vé số trên chiếc xe lăn, thường bán được chừng trăm tờ. Ngoài đóng tiền trọ thì chú ăn cơm từ thiện hoặc mua đồ ăn giá rẻ, dành dụm gửi cho vợ con ở quê (Trà Ôn). Chú Hùng cho biết, từ khi dịch bệnh bùng phát phải nghỉ bán thì ăn uống hàng ngày của gia đình nhờ vào rau củ, thực phẩm ở “Gian hàng 0 đồng”. Chỉ vào túi đựng gạo, trứng, dầu ăn, rau củ, cá làm sẵn…, chú nói: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Được hỗ trợ như vầy thì còn gì bằng. Mỗi lần đến nhận là cả nhà ăn được 4- 5 ngày mới hết. Cái nào tươi thì ăn trước, như trứng thì để ăn sau”. Chia sẻ thêm niềm vui vì đã nhận được hỗ trợ 1.200.000đ cho người bán vé số từ chính quyền địa phương, chú Hùng xởi lởi: “Tiền đó chủ yếu để mua thêm gạo ăn khi thiếu hụt. Còn thức ăn hàng ngày thì hái thêm rau vườn…”.

“Chúng tôi xin cảm ơn!”

Ngày thường trên chiếc xe lăn, dì Nguyễn Thị Bích Châu bán vé số lời được 50.000- 60.000đ để kiếm tiền chợ. Dì Châu là lao động chính trong gia đình thuộc hộ cận nghèo với ba mẹ hơn 70 tuổi và người em. “Khi dịch bùng phát không đi bán được thì lâm cảnh rất khó khăn nên những ngày qua sống nhờ phường xã, mạnh thường quân quan tâm, hỗ trợ”.

Nhà ở xã Thanh Đức (Long Hồ), cứ 3- 4 ngày chú Nguyễn Văn Tân đến nhận rau củ, thực phẩm… ở “Gian hàng 0 đồng” 1 lần. Chú Tân cho biết, nhà có 9 người, trong đó những người lớn bán vé số, làm hồ, làm công ty… đã tạm nghỉ nên rất khó khăn. “Có gian hàng này và vừa qua nhận hỗ trợ 1.200.000đ nên rất mừng!”

Ở trọ một mình ở Phường 2 hơn 3 năm qua, chú Nguyễn Quang Thanh nói: “Tiền trọ hàng tháng 450.000đ, tiền uống thuốc hơn 600.000đ. Do dịch bệnh không đi bán vé số nên mất thu nhập nhưng nhờ nhận được hỗ trợ 1.200.000đ và nhờ có gian hàng 0 đồng… nên tui cảm ơn dữ lắm!”

Mang rau củ đến tận nhà tặng hộ có hoàn cảnh khó khăn.
Mang rau củ đến tận nhà tặng hộ có hoàn cảnh khó khăn.

Ông Nguyễn Ngọc Thành- Trưởng Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội TP Vĩnh Long- cho biết, vừa qua thành phố đã thực hiện hỗ trợ 1.182 người bán vé số gặp khó khăn do đại dịch COVID- 19 trên địa bàn với hơn 1,4 tỷ đồng. Đồng thời, hỗ trợ người lao động tự do bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch 2 đợt: đợt 1 hỗ trợ 2.122 người với 2,546 tỷ đồng; đợt 2 hỗ trợ 987 người với hơn 1,184 tỷ đồng.

Còn tại TX Bình Minh, ông Nguyễn Nhật Thuấn- chuyên viên Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội thị xã cho biết: Thị xã đã hỗ trợ 510 người bán vé số, 1.200.000 đ/người. Đồng thời, đã chi hỗ trợ 1.115/1.180 lao động tự do mất việc (số còn lại ở các khu phong tỏa nên sẽ hỗ trợ khi kết thúc phong tỏa).

Bên cạnh hỗ trợ tiền, hầu hết các phường- xã của tỉnh đều có các đợt vận động hỗ trợ, trao nhu yếu phẩm cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người bán vé số, lao động tự do mất việc… Qua đó, giúp các hộ giảm bớt khó khăn, thêm ấm lòng giữa cơn đại dịch.

Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN

Các tin khác: