Buộc bồi thường cho khách hàng hơn 725 triệu đồng

Cập nhật, 09:26, Thứ Năm, 17/11/2022 (GMT+7)

(VLO) Công ty bảo hiểm (BH) đưa ra lý do từ chối bồi thường nhưng không có chứng cứ chứng minh nên thua kiện và bị buộc phải bồi thường cho khách hàng hơn 725 triệu đồng.

Ngày 10/9/2019, chị L.T.P.T. ở huyện Mang Thít ký hợp đồng với một công ty BH ở TP Vĩnh Long mua BH thân tàu với số tiền BH là 2 tỷ đồng, thời hạn hợp đồng 3 tháng. Tuy nhiên, sau khi ký hợp đồng chưa đầy 1 tháng thì tàu của chị T. bị chìm do lốc xoáy.

Khi nhận được tin báo của chị T., công ty BH đã cử người đến nơi tàu chìm nắm thông tin và đồng ý cho chị T. thuê bên thứ ba trục vớt phương tiện.

Sau khi trục vớt được tàu, chị T. yêu cầu công ty BH bồi thường theo hợp đồng đã ký nhưng công ty BH từ chối với lý do tai nạn xảy ra do tàu chị T. không có máy trưởng.

Chị T. không đồng ý và viện dẫn thời điểm tàu chìm, trên tàu có thuyền trưởng và một thuyền viên, còn máy trưởng lên bờ đi chợ mua thức ăn.

Nguyên nhân tàu chìm được xác định do thiên tai, giông gió nhiều, mưa lớn và nước mưa làm sụt cát đang chở trên tàu dẫn đến tàu nghiêng và chìm nên việc máy trưởng vắng mặt không phải là nguyên nhân để tàu chìm.

Do đó, công ty BH từ chối bồi thường rủi ro cho chị T. là không đúng với thỏa thuận hợp đồng mà hai bên đã ký nên chị T. khởi kiện ra tòa.

Quá trình giải quyết vụ kiện, đại diện công ty BH cho rằng khi ký hợp đồng, nhân viên công ty có tư vấn cho chị T. rõ về quyền và nghĩa vụ của người tham gia BH.

Khi tai nạn xảy ra, công ty có cử người xuống hiện trường xem xét nhưng do vụ việc phức tạp nên đã thuê công ty giám định độc lập xác định nguyên nhân chìm tàu và thiệt hại có liên quan.

Theo đó, thời điểm tàu chìm không có máy trưởng, thiếu định biên an toàn theo quy định tại Điều 24 Luật Giao thông đường thủy nội địa thuộc trường hợp loại trừ BH của quy tắc BH tàu thủy nội địa, nên công ty BH không đồng ý bồi thường theo yêu cầu của chị T.

Tại phiên tòa sơ thẩm, HĐXX không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của chị T. nhưng tại phiên xử phúc thẩm, chị T. được tòa tuyên thắng kiện và công ty BH buộc phải bồi thường cho chị T. hơn 725 triệu đồng.

Cụ thể, qua các tài liệu, chứng cứ thu thập được trong hồ sơ vụ kiện và lời trình bày của các bên tại tòa, HĐXX cấp phúc thẩm xác định: Theo hợp đồng BH đã ký và chị T. đã được cấp giấy chứng nhận BH thì trường hợp của chị T. được chi trả tiền BH theo hợp đồng BH tàu sông vì thiệt hại xảy ra đối với tàu chị T. hoàn toàn do thiên tai, không có yếu tố con người, nên tàu có hoạt động hay không thì cũng bị chìm.

Phía công ty BH cho rằng tàu của chị T. bị tổn thất do chìm vào ngày 3/10/2019 thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm BH theo quy tắc BH thân tàu của công ty.

Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2, Điều 16 và Điều 17 Luật Kinh doanh BH thì “Điều khoản loại trừ trách nhiệm BH phải được ghi rõ trong hợp đồng BH. Doanh nghiệp BH phải có nghĩa vụ giải thích rõ cho bên mua BH về các điều kiện, điều khoản BH; quyền, nghĩa vụ của bên mua BH khi ký hợp đồng”.

Thực tế tại hợp đồng BH tàu sông do chị T. và công ty BH ký ngày 10/9/2019 hoàn toàn không thể hiện có thỏa thuận điều khoản loại trừ trách nhiệm BH.

Tại phiên tòa phúc thẩm, người đại diện hợp pháp của công ty BH và chị T. đều xác định chị T. không được công ty BH giao bản quy tắc này. Khi ký hợp đồng, chị T. cũng không được nhân viên công ty BH giải thích về điều khoản loại trừ trách nhiệm BH.

Phía công ty BH cho rằng chị T. đã được nghe giải thích về điều khoản loại trừ trách nhiệm BH nhưng không có chứng cứ chứng minh để cung cấp cho tòa nên HĐXX không có cơ sở để áp dụng và đó là lý do công ty BH thua kiện, buộc phải bồi thường cho chị T. theo hợp đồng đã ký.

DIỄM PHƯỢNG