"Tiền mất tức mang" vì ham lời

Cập nhật, 05:47, Thứ Tư, 16/11/2022 (GMT+7)

(VLO) Thông thường, trước khi giao kết hợp đồng mua bán nhà đất thì đôi bên sẽ thỏa thuận với nhau để bên mua đặt cọc một khoản tiền nhất định cho bên bán.

Đây là hình thức phổ biến nhằm tạo sự ràng buộc trách nhiệm cũng như đảm bảo quyền lợi cho cả bên mua lẫn bên bán khi thực hiện giao dịch.

Tuy nhiên, có những đối tượng đã lợi dụng việc đặt cọc để giăng bẫy đưa “con mồi” rơi vào cảnh “tiền mất tức mang”. Trường hợp anh T. gặp phải là một bài học mà chúng ta cần cảnh giác.

Anh T. là giáo viên dạy Tiếng Anh ở một trường ĐH. Do có nhu cầu tìm chỗ ở gần trường cho tiện việc đi lại, anh lên mạng xã hội tham khảo thông tin thì vô tình tìm được một căn nhà mặt tiền khá khang trang, rộng rãi nhưng giá đăng bán chỉ có 1,2 tỷ đồng.

Thấy mức giá này phù hợp khả năng tài chính của mình, anh T. liên hệ với chủ nhà là ông H. để hẹn gặp mặt thỏa thuận việc mua bán.

Sau cuộc gặp, đôi bên đi đến thống nhất là bên mua đặt cọc 10% giá trị căn nhà cho bên bán, nếu bên nào đơn phương hủy hợp đồng thì phải đền bù gấp đôi số tiền đã đặt cọc.

Hai ngày sau đó, có một người phụ nữ gọi vào số điện thoại của anh T. để ngỏ ý mua lại căn nhà trên với giá 2 tỷ đồng. Dù khá ưng ý với căn nhà của ông H. nhưng do ham lời, anh T. đồng ý bán ngay vì nghĩ rằng sớm muộn gì thì căn nhà này cũng sẽ thuộc về mình.

Và tương tự như lần mua bán trước đó, anh T. ký hợp đồng nhận cọc của người phụ nữ với số tiền tương đương 10% giá trị căn nhà, nếu ai hủy hợp đồng sẽ phải đền gấp đôi.

Vào ngày hôm sau, bỗng dưng ông H. gọi điện thoại cho anh T. nói rằng không muốn bán căn nhà và chấp nhận đền gấp đôi số tiền đã đặt cọc.

Nghe qua như “sét đánh ngang tai”, anh T. cảm thấy bàng hoàng vì nếu căn nhà không thuộc về mình thì không chỉ đền tiền cọc cho người phụ nữ, còn mất luôn tiền lời.

Thế là anh T. vội vàng đến tìm ông H. để ra sức nài nỉ, thuyết phục với hy vọng đảo ngược tình thế. Tuy nhiên, ông H. vẫn nhất quyết không bán căn nhà và đền gấp đôi số tiền cọc là 240 triệu đồng.

Dù nhận được khoản tiền bồi thường trên, song việc ông H. “bẻ kèo” giữa chừng đã khiến anh T. phải bỏ ra 400 triệu đồng để bồi thường hợp đồng đặt cọc cho người phụ nữ.

Vì ham lời dẫn đến quyết định nóng vội, anh T. đành ngậm ngùi mất trắng một số tiền lớn mà không làm được gì.

Còn ông H. và người phụ nữ trong câu chuyện thực chất là quen biết nhau từ trước và bọn họ đã giở chiêu trò này để đưa anh T. rơi vào bẫy.

P.TẤN