Thủ đoạn lừa đảo "tuyển cộng tác viên xử lý đơn hàng online"

Cập nhật, 20:13, Thứ Tư, 17/08/2022 (GMT+7)
 Tin nhắn “tuyển cộng tác viên chốt đơn hàng online” mà chị T. nhận được từ một tài khoản Facebook.
Tin nhắn “tuyển cộng tác viên chốt đơn hàng online” mà chị T. nhận được từ một tài khoản Facebook.

Nhu cầu mua sắm gia tăng, cùng với sự ra đời ngày càng nhiều các sàn thương mại điện tử mang đến nhiều lợi ích cho khách hàng. Tuy nhiên, kẻ xấu cũng lợi dụng hình thức kinh doanh này để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong đó có thủ đoạn “tuyển cộng tác viên xử lý đơn hàng online”.

“Việc nhẹ, lương cao”

Tập tành kinh doanh mỹ phẩm online vài tháng nay, chị T.T. (TP Vĩnh Long) dành nhiều thời gian tương tác mạng xã hội, đăng ký gian hàng trên các sàn thương mại điện tử để giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm thêm bạn bè trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm. Bên cạnh những thông tin hữu ích, gần đây chị T. liên tục nhận được các thông tin quảng cáo, mời chào làm cộng tác viên xử lý đơn hàng online, kèm theo cam kết nếu được việc sẽ nhận được hoa hồng hấp dẫn. Những quảng cáo này đều có nội dung tương tự như: Cộng tác viên chốt đơn thả ga, chốt đơn hàng online, việc làm bán thời gian tại nhà, thu nhập ổn định hàng ngày, không yêu cầu kinh nghiệm chỉ cần có thời gian rảnh,…

“Vừa rồi, tôi nhận được tin nhắn từ tài khoản C.T. cho hay đang tuyển cộng tác viên duyệt đơn hàng cho hệ thống Shopee. Người này mô tả công việc hàng ngày chỉ đơn giản là đăng nhập hệ thống, nhận đơn hàng, kiểm duyệt và gửi lệnh xuất kho. Mỗi đơn hàng hoàn thành được hoa hồng từ 12- 20%. Ngày thử việc làm đủ 8 đơn hàng sẽ được công nhận là nhân viên chính thức, cộng thêm tiền hoa hồng 250.000đ”- chị T. thuật lại sự việc.

Một tài khoản mạng xã hội khác nhắn cho chị T. với nội dung: “Em có một công việc uy tín, ai làm cũng được, rảnh làm mệt nghỉ. Yêu cầu trên 20 tuổi và phải có tài khoản ngân hàng để nhận lương”- tài khoản này quảng cáo, kèm thêm thông tin chứng minh: “Em đã tham gia và được trả lương đầy đủ”. Thu nhập hấp dẫn, hoa hồng hậu hĩnh mà yêu cầu công việc lại quá dễ dàng làm chị T. không khỏi nghi ngờ. Mặt khác, qua thông tin báo chí, chị T. biết đây chỉ là thủ đoạn mà các đối tượng lừa đảo đang nhắm vào những người đang kinh doanh online như mình. Thực tế, việc mạo danh nhân viên các công ty thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki,… sau đó đăng tải thông tin quảng cáo tìm cộng tác viên bán hàng online, chốt đơn ảo không còn là chiêu mới, song nếu mất cảnh giác sẽ rất dễ “sụp bẫy”. Một số địa phương đã ghi nhận phản ánh của các nạn nhân, hầu hết là phụ nữ, sinh viên, các bà nội trợ cần tìm “việc nhẹ, lương cao”.

Nâng cao cảnh giác

Gần đây, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) nhận được nhiều email và cuộc gọi phản ánh về việc các đối tượng lừa đảo sử dụng mạng xã hội như Zalo, Facebook, Telegram,... tuyển cộng tác viên xử lý đơn hàng cho các sàn thương mại điện tử nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hầu hết nạn nhân đều trình bày cách thức bị lừa đảo như nhau. Theo đó, các đối tượng lừa đảo hướng dẫn cộng tác viên thực hiện đặt mua hàng online để tăng tương tác cho các gian hàng. Điều kiện bắt buộc là cộng tác viên phải có tài khoản ngân hàng để thanh toán đơn hàng trước và được cam kết sẽ nhận lại tiền gốc cùng chiết khấu hoa hồng. Tiếp đến, đối tượng lừa đảo gửi cho cộng tác viên đường link sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Tiki, Sendo,… và yêu cầu thực hiện các bước gồm: Xác thực đơn hàng, chuyển tiền vào tài khoản công ty. Ở những nhiệm vụ đầu tiên, với các đơn hàng có giá trị nhỏ, cộng tác viên sẽ được hoàn trả tiền hàng và hoa hồng gửi vào tài khoản ngân hàng.

Từ những đơn hàng có giá trị thấp, bọn lừa đảo sẽ yêu cầu cộng tác viên “chốt đơn” hàng có giá trị cao dẫn đến không còn khả năng chuyển tiền. Lúc này, đối tượng lừa đảo lấy lý do công ty đang bảo trì hệ thống hoặc các lý do khác để từ chối không gửi lại tiền hàng và tiền hoa hồng cho cộng tác viên, đồng thời yêu cầu họ tiếp tục công việc. Với tâm lý muốn nhận lại tiền, lại tin vào lời hứa số tiền chuyển vào sẽ được hoàn trả nên nhiều người liên tục chuyển tiền cho các đối tượng cho đến khi không còn khả năng chuyển tiếp mới nhận ra đã bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cơ quan chức năng nhận định, các đối tượng lừa đảo đã dựa vào uy tín của các sàn thương mại điện tử để dẫn dụ nạn nhân vào bẫy. Thực tế, nhiều gian hàng trên các sàn thương mại điện tử làm ăn uy tín, cung cấp sản phẩm chất lượng và được người tiêu dùng đánh giá cao, được xếp vị trí tốt trong danh mục bán hàng của các sàn thương mại điện tử đó. Tuy nhiên, một số gian hàng lại thuê người đặt các đơn hàng ảo nhằm tăng lượt tương tác và đây cũng là kẽ hở để các đối tượng lừa đảo gia tăng hoạt động.

Trước thực trạng này, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân nên cân nhắc, tìm hiểu rõ thông tin hàng hóa, địa chỉ cửa hàng, công ty trước khi quyết định giao dịch online hoặc tham gia các nhóm tuyển cộng tác viên trên mạng xã hội. Khi phát hiện trường hợp nghi ngờ, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an để nhanh chóng xác minh, kịp thời ngăn chặn và xử lý.

Bài, ảnh: TRUNG HƯNG