Thua kiện vì đất được cho bằng... lời nói

Cập nhật, 11:22, Thứ Sáu, 06/05/2022 (GMT+7)

(VLO) Cho rằng nguồn gốc đất đang tranh chấp là do ông bà để lại nhưng bị đơn không có giấy tờ chứng minh nên đã thua kiện và bị hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp.

Trong đơn gửi TAND TX Bình Minh, anh V.V.G. cùng các nguyên đơn trình bày: Năm 1988, cha mẹ anh G. có cho dì ruột cất nhà ở nhờ trên phần đất của gia đình. Khoảng 6 năm thì gia đình người dì tháo dỡ nhà đi nơi khác, trả đất lại cho cha mẹ anh G..

Sau đó, gia đình anh G. lên liếp làm vườn và canh tác cho đến nay, không có ai tranh chấp. Khi cha mẹ qua đời thì anh G. trực tiếp quản lý và sử dụng phần đất trên.

Gần đây, anh chị em của anh G. làm thủ tục phân chia thừa kế tài sản cha mẹ để lại thì phát hiện bà N.N.Đ. (con dâu của dì) đứng tên quyền sử dụng đất (QSDĐ) diện tích 241,9m2 mà cha mẹ anh G. cho ở nhờ trước đây và phần đất này, bà Đ. đang thỏa thuận bán lại cho người khác.

Do đó, anh G. cùng các anh chị em đồng đứng đơn khởi kiện yêu cầu tòa hủy giấy chứng nhận QSDĐ đã cấp cho bà Đ.

Bà Đ. không đồng ý với yêu cầu trên vì đây là đất ông bà để lại và mẹ chồng bà (dì anh G.) được cho khi về cất nhà ở nhờ. Lúc cho, cha mẹ anh G. chỉ nói miệng, không làm giấy tờ.

Sau đó, chồng bà Đ. kê khai đăng ký đứng tên QSDĐ. Sau khi chồng chết, bà Đ. được thừa kế đứng tên mặt 4 giấy chứng nhận QSDĐ vào năm 2006.

Khi kê khai không có ai tranh chấp nên bà Đ. định bán lại phần đất này nhưng vì phát sinh tranh chấp với gia đình anh G. nên bà không bán nữa. Do đất bà Đ. đứng tên được cấp đúng quy định pháp luật nên bà không đồng ý hủy giấy chứng nhận QSDĐ theo yêu cầu của các nguyên đơn.

Tại phiên tòa sơ thẩm, HĐXX đã tuyên bà Đ. được tiếp tục sử dụng phần đất 241,9m2 và hoàn trả cho anh G. số cây trồng (cam, bưởi, chuối) trên đất trị giá hơn 2,1 triệu đồng. Cho rằng phán quyết trên là không hợp lý, gia đình anh G. gửi đơn kháng cáo và tại phiên tòa phúc thẩm, bà Đ. đã bị xử thua kiện.

Theo HĐXX, cả nguyên đơn và bị đơn đều thừa nhận phần đất 241,9m2 đang tranh chấp là của cha mẹ anh G. và bà Đ. đã được cha mẹ anh G. cho bằng lời nói khi đến cất nhà ở vào năm 1988. Ngoài lời trình bày trên thì bị đơn không có giấy tờ, chứng cứ nào khác chứng minh.

Bà Đ. cũng thừa nhận, sau khi chồng và mẹ chồng mất thì gia đình bà không sử dụng phần đất trên mà anh G. là người trực tiếp canh tác trồng cây.

Việc này được những hộ dân lân cận xác nhận và tại bản án sơ thẩm, HĐXX cũng đã buộc bà Đ. bồi hoàn giá trị cây trồng cho anh G., điều này thể hiện anh G. là người đang trực tiếp quản lý, sử dụng phần đất tranh chấp.

Từ đó có căn cứ xác định, phía bị đơn đã tự kê khai đăng ký QSDĐ nên án sơ thẩm xử cho bà Đ. được tiếp tục QSDĐ đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các nguyên đơn.

Do đó, HĐXX cấp phúc thẩm đã tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc bà Đ. trả lại phần đất diện tích 241,9m2 cho gia đình anh G., đồng thời hủy giấy chứng nhận QSDĐ đã cấp cho bà Đ.. Các nguyên đơn được kê khai đăng ký đứng tên QSDĐ diện tích 241,9m2 theo quy định pháp luật.

Theo quy định của pháp luật, nhà đất là loại tài sản khi tặng cho phải lập thành văn bản có công chứng, chứng thực. Đây là quy định bắt buộc và bà Đ. đã không có được chứng cứ này nên dù có được cấp QSDĐ thì giấy chứng nhận đó vẫn có thể bị hủy.

DIỄM PHƯỢNG