Huy động toàn dân tham gia phòng cháy chữa cháy

Cập nhật, 06:28, Thứ Năm, 26/05/2022 (GMT+7)

Sau 1 năm triển khai cao điểm tuyên truyền, kiểm tra về phòng cháy chữa cháy (PCCC) đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh và triển khai các biện pháp phòng ngừa cháy lớn, số vụ tuy có giảm nhưng vẫn còn xảy ra trên cả nước, gây thiệt hại lớn về tài sản. Thực tế đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, các cấp; trong đó xác định người dân là trọng tâm trong công tác phòng cháy.

 

Các hoạt động tập huấn, hội thao PCCC được triển khai thường xuyên nhằm nâng cao trình độ, kỹ năng cho lực lượng chữa cháy tại chỗ và chuyên nghiệp.
Các hoạt động tập huấn, hội thao PCCC được triển khai thường xuyên nhằm nâng cao trình độ, kỹ năng cho lực lượng chữa cháy tại chỗ và chuyên nghiệp.

Nhiều vi phạm về PCCC

Đợt cao điểm triển khai từ 15/4/2021- 15/4/2022, đã kịp thời phát hiện và hướng dẫn, kiến nghị cơ sở khắc phục các thiếu sót, vi phạm, loại trừ các nguyên nhân dẫn đến cháy, nổ. Nhiều địa phương triển khai quyết liệt, mạnh tay áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong lĩnh vực PCCC như: tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động, công khai danh tính các cơ sở vi phạm nghiêm trọng về PCCC trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc đề nghị cơ quan chức năng xem xét thu hồi giấy phép kinh doanh, không cấp phép đầu tư dự án mới đối với các chủ đầu tư có công trình vi phạm về PCCC. Bên cạnh công tác nghiệp vụ, tuyên truyền vận động, lực lượng cảnh sát PCCC đã xây dựng, duy trì nhiều mô hình, phong trào PCCC hiệu quả như: Tổ liên gia an toàn PCCC, Khu dân cư an toàn PCCC, Đội PCCC cơ sở lưu động, Hộp thư PCCC,…

Chiều 25/5, tại hội nghị tổng kết 1 năm triển khai cao điểm, Bộ Công an đánh giá, nhận thức, ý thức trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình và người dân đã có chuyển biến tích cực, tự giác khắc phục những thiếu sót, vi phạm về PCCC và cứu nạn, cứu hộ. 1 năm qua, có 3 tỉnh không xảy ra cháy tại cơ sở hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; 52 tỉnh- thành có số vụ cháy giảm; 20 tỉnh- thành giảm số vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người.

Bên cạnh, công an các tỉnh- thành tổ chức hơn 23,3 triệu lượt kiểm tra đối với hơn 24,3 triệu hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; phát hiện trên 12 triệu thiếu sót, hơn 34.700 trường hợp vi phạm và phạt hành chính trên 3,2 tỷ đồng đối với trên 2.700 trường hợp. Các vi phạm chủ yếu như: Không bảo đảm ngăn cháy lan giữa khu vực để ở, cầu thang thoát nạn với khu vực để xe, sản xuất, kinh doanh; chỉ 1 lối ra thoát nạn ở tầng 1 và lắp đặt nhiều lớp cửa bảo vệ; lắp đặt biển quảng cáo, lồng sắt tại ban công, cửa sổ… cản trở lối ra thứ 2 trong nhà; hệ thống điện không đảm bảo an toàn PCCC hoặc tự ý câu móc thêm đường điện mới; không đủ phương tiện, thiết bị báo cháy, chữa cháy,…

Cũng trong khoảng thời gian qua, cả nước xảy ra 1.908 vụ cháy, làm chết 80 người, 113 người bị thương, thiệt hại hơn 826 tỷ đồng; giảm 277 vụ, tăng 6 người chết, giảm 28 người bị thương so thời điểm trước khi triển khai đợt cao điểm. Về cháy lớn, xảy ra 45 vụ, chủ yếu tại các thành phố lớn, tập trung nhiều nhà máy, xí nghiệp; gây thiệt hại tài sản hơn 225 tỷ đồng. Đến nay đã có 28 vụ được điều tra làm rõ, nguyên nhân do sự cố kỹ thuật thiết bị điện, máy móc, tự cháy, đốt và rò rỉ gas. Vĩnh Long cùng với 47 tỉnh- thành khác trong cả nước không xảy ra cháy lớn.

Cả nước hiện có hơn 22,7 triệu nhà ở hộ gia đình và hơn 1,4 triệu nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. 68.118 khu dân cư, trong đó có 4.923 khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao.

Huy động toàn dân tham gia PCCC

Thực tế, nhiều nhà ở hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh được thiết kế dạng nhà ống, gồm nhiều tầng, chỉ một lối ra thoát nạn và cửa được lắp đặt kiên cố nhưng lại bố trí nhiều vật dụng dễ cháy tại khu vực sản xuất, kinh doanh nên khi xảy ra cháy, lửa lan truyền theo phương ngang và phương thẳng đứng, bao trùm toàn bộ ngôi nhà trong thời gian ngắn, sản sinh lượng lớn khói, khí độc đe dọa đến tính mạng những người bên trong. Trong khi đó, các vụ cháy thường xảy ra vào thời điểm người dân không có ở nhà hoặc ban đêm nên khi phát hiện đám cháy đã lớn. Tại khu dân cư, hạ tầng giao thông không bảo đảm cho xe chữa cháy hoạt động, không có hệ thống cấp nước chữa cháy đô thị, gây khó khăn cho công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Do vậy, Bộ Công an đặt mục tiêu đến hết năm nay, 100% hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh và ít nhất 50% nhà ở hộ gia đình được trang bị bình chữa cháy xách tay và dụng cụ phá dỡ thô sơ.

100% khu dân cư thành lập, kiện toàn và duy trì hoạt động của đội dân phòng đảm bảo hoạt động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu “4 tại chỗ”. Đối với công tác phòng chống cháy lớn, Bộ Công an yêu cầu công an các địa phương tăng cường công tác điều tra cơ bản, phân loại cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC và lập danh sách địa bàn, cơ sơ có nguy cơ cao về cháy lớn để có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn phù hợp.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Long- Thứ trưởng Bộ Công an, yêu cầu công an các đơn vị, địa phương đổi mới về tư duy, nhận thức, xác định lấy người dân là trọng tâm, chủ thể, vừa là mục tiêu, vừa là động lực, vừa là nguồn lực trong công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ.

Vì vậy phải có tầm nhìn chiến lược, tư duy đột phá, đổi mới, sáng tạo về phương thức tổ chức và hoạt động trong công tác PCCC và xác định phòng là chính, cơ bản, chiến lược và lâu dài nhằm hạn chế hậu quả, thiệt hại.

Đồng thời, cũng cần xác định rõ người dân là lực lượng trực tiếp, theo phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng trong dân, phương tiện trong dân, hậu cần trong dân, chỉ huy trong dân), kết hợp với lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp, từ đó tận dụng tối đa “thời điểm vàng” (từ 5- 7 phút kể từ khi xảy ra cháy) nhằm hạn chế hậu quả do cháy, nổ gây ra.

Công an 63 tỉnh- thành đã hoàn thành việc ký quy chế phối hợp về công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ liên vùng, liên ngành, liên địa phương với công an các địa phương lân cận để kịp thời chi viện, hỗ trợ xử lý khi có tình huống cháy, sự cố, tai nạn quy mô lớn. Công tác thường trực sẵn sàng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được duy trì thực hiện nghiêm túc 24/24 giờ theo quy định; phân công chỉ huy, cán bộ thường trực chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ với tổng quân số trung bình hàng ngày khoảng 6.030 cán bộ, chiến sĩ và 2.324 phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

 

Bài, ảnh: TRUNG HƯNG