Chồng vay tiền, vợ bị kiện

Cập nhật, 21:57, Thứ Tư, 25/05/2022 (GMT+7)

Chồng đứng tên vay tiền nhưng không trả đúng hẹn nên người vợ bị chủ nợ khởi kiện yêu cầu liên đới chịu trách nhiệm trả nợ thay.

Năm 2019, anh N.L.H.V. (ở TP Vĩnh Long) có vay của anh N.V.M. nhiều lần với tổng số tiền 400 triệu đồng. Khi vay tiền, anh V. là người viết giấy nợ và ký tên, chị P.T.K.L. (vợ anh V.) không biết. Tuy nhiên, tại đơn khởi kiện, anh M. trình bày đã cho anh V. vay tổng cộng 800 triệu đồng, thể hiện trên 3 biên nhận nợ đã nộp cho tòa. Do đó, anh M. khởi kiện yêu cầu anh V. và chị L. cùng trả số nợ 800 triệu đồng, không yêu cầu trả lãi theo quy định về trách nhiệm liên đới của vợ, chồng trong Luật Hôn nhân và Gia đình.

Anh V. thừa nhận nội dung trên 3 giấy nhận nợ là do anh viết nhưng nợ gốc thực tế chỉ có 400 triệu đồng. Do nợ lâu ngày không trả nên ngày 25/6/2020, anh V. viết biên nhận nợ tiền lãi là 200 triệu đồng. Do anh M. không đồng ý nội dung nợ tiền lãi nên anh V. viết lại biên nhận vay 200 triệu đồng nhưng sơ ý không thu hồi lại bản chính biên nhận có chữ nợ tiền lãi. Đến tháng 2/2021, anh V. chuyển khoản trả cho anh M. được 145 triệu đồng nên không đồng ý với yêu cầu đòi số tiền 800 triệu đồng và buộc vợ anh cùng có nghĩa vụ trả số nợ trên vì đây là khoản anh vay riêng để bổ sung vốn kinh doanh, chị L. không biết.

Chị L. cho rằng, vợ chồng chị kinh doanh riêng, không ai sử dụng tiền của ai, việc anh V. vay tiền chị không biết, không có ký tên trong biên nhận nợ và cũng không sử dụng số tiền này vào việc phát triển kinh tế gia đình nên không đồng ý liên đới trả nợ theo yêu cầu của anh M..

Tại tòa, anh M. vẫn giữ nguyên yêu cầu chị L. cùng có nghĩa vụ trả nợ nhưng số tiền giảm xuống còn 600 triệu đồng, trừ 145 triệu đồng anh V. đã trả trước đó nên số nợ còn lại là 455 triệu đồng.

Mặc dù các giấy biên nhận nợ không thể hiện chị L. có ký vay nhưng theo Luật Hôn nhân và Gia đình thì “vợ chồng phải chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch do một bên thực hiện và chịu trách nhiệm liên đới về các nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình”. Do đó, bản án sơ thẩm của TAND TP Vĩnh Long đã tuyên buộc chị L. và anh V. cùng liên đới trả cho anh M. số tiền 455 triệu đồng.

Chị L. không đồng ý nên đã gửi đơn kháng cáo. Anh V. cũng có đơn yêu cầu tòa phúc thẩm xem xét việc anh vay chỉ 400 triệu đồng nhưng anh M. tính lãi 200 triệu đồng rồi cộng vào nợ gốc nên yêu cầu tính lại phần tiền lãi theo quy định của pháp luật và chỉ cá nhân anh trả số tiền trên, chị L. không phải liên đới chịu trách nhiệm.

Tại phiên tòa phúc thẩm, sau khi HĐXX phân tích, nguyên đơn và bị đơn đã đi đến thỏa thuận và được tòa công nhận: Anh M. giảm tiền lãi nên số nợ anh V. còn thiếu là 365 triệu đồng và anh V., chị L. đã đồng ý cùng có nghĩa vụ trả số nợ trên. Cách giải quyết “dĩ hòa vi quý” nêu trên đã giúp cho sự việc trở nên nhẹ nhàng hơn và cũng được xem là hợp tình, hợp lý sau thời gian đôi bên kiện tụng kéo dài.

DIỄM PHƯỢNG