Tích cực tuyên truyền chuyển đổi số quốc gia

Cập nhật, 22:47, Thứ Sáu, 29/04/2022 (GMT+7)

 

   Công an tỉnh Vĩnh Long tuyên truyền sử dụng dịch vụ công tận cơ sở kinh doanh.
Công an tỉnh Vĩnh Long tuyên truyền sử dụng dịch vụ công tận cơ sở kinh doanh.

 Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022- 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 06) là một trong những đề án lớn của Chính phủ với mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số. Với vai trò là cơ quan thường trực và là đơn vị thực hiện trực tiếp các nội dung của Đề án 06 của tỉnh Vĩnh Long, Công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị cập nhật, bổ sung đầy đủ, kịp thời thông tin công dân.

Bộ Công an tiếp tục phát huy vai trò thường trực trong thực hiện Đề án 06 và toàn lực lượng công an ở 4 cấp có vai trò tiên phong, gương mẫu, đi đầu trong triển khai thực hiện Đề án 06, trong đó phải đảm bảo dữ liệu dân cư luôn “đúng, đủ, sạch, sống” và tập trung thực hiện tốt các dịch vụ công, cải cách triệt để các thủ tục, quy trình, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp.

Tiện ích dễ dàng nhận thấy nhất hiện nay là khi người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến giúp giảm thời gian, chi phí đi lại cho việc gửi hồ sơ và nhận kết quả của người dân góp phần đảm bảo tính nhanh chóng, chính xác và hiệu quả. Hiện nay Công an tỉnh Vĩnh Long đã triển khai tích hợp, chia sẻ đối với các thủ tục hành chính: xác nhận số chứng minh nhân dân khi đã được cấp thẻ căn cước công dân (CCCD); cấp lại đổi thẻ CCCD, đăng ký thường trú, tạm trú, tạm vắng và thông báo lưu trú; thủ tục làm con dấu mới và cấp giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu; thủ tục làm con dấu thu nhỏ và cấp giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu; triển khai thực hiện thu nhận hồ sơ cấp CCCD gắn với cấp tài khoản định danh điện tử cho công dân; liên thông thủ tục hành chính về đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Tiện ích từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đối với xã hội là rất lớn. Số liệu thống kê của ngành chức năng, mỗi ngày có hàng triệu lượt giao dịch trên cổng dịch vụ công. Mục tiêu của đề án là trong năm 2022 sẽ hoàn thành việc tái cấu trúc, tích hợp, chia sẻ dữ liệu dân cư phục vụ định danh, xác thực và giải quyết 25 thủ tục hành chính thiết yếu phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Chị Huỳnh Thị Ngọc Như- xã Thanh Đức, huyện Long Hồ vui vẻ nói: “Tôi kinh doanh nhà trọ nên lâu nay tôi đi đến công an xã để trình lưu trú của khách. Được sự tuyên truyền của công an địa phương, tôi đang tìm hiểu đến dịch vụ công trực tuyến, tôi thấy việc làm này khá thuận tiện. Trong thời gian tới, tôi sẽ tìm hiểu kỹ và làm theo hướng dẫn về dịch vụ công trực tuyến để thuận tiện hơn trong kinh doanh”.

Hiện tại Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an tỉnh) và công an cấp huyện đã và đang triển khai việc thu nhận hồ sơ cấp CCCD kèm theo cấp tài khoản định danh điện tử cho công dân. Khi sử dụng tài khoản định danh điện tử, người dân sẽ giảm tối đa giấy tờ phải mang theo khi thực hiện giao dịch hành chính. Khi sử dụng tài khoản này, người dân sẽ được bảo mật thông tin, tránh bị giả mạo, giúp các giao dịch được an toàn.

Người dân phấn khởi khi được làm thủ tục CCCD gắn chip điện tử kèm tài khoản định danh điện tử.
Người dân phấn khởi khi được làm thủ tục CCCD gắn chip điện tử kèm tài khoản định danh điện tử.

Chị Huỳnh Thị Ngọc Phượng (phường Tân Ngãi- TP Vĩnh Long) cho biết: “Tôi đi làm ở TP Hồ Chí Minh, việc cấp tài khoản định danh điện tử rất là thuận tiện cho tôi, vì không cần phải đem nhiều giấy tờ thủ tục khi mình thực hiện các giao dịch hành chính như đăng ký tạm vắng, tạm trú mà không cần phải đi đến cơ quan công an”.

Thượng tá Nguyễn Minh Hải- Phó Trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an tỉnh) cho biết: “Công an tỉnh đã tích cực tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản triển khai thực hiện, kiện toàn các tổ công tác, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức đến từng người dân trên địa bàn về Đề án 06, vì đây là đề án mang lại nhiều lợi ích cho người dân và doanh nghiệp; đồng thời tập trung nguồn lực hoàn thành việc triển khai 25 dịch vụ công thiết yếu phục vụ người dân và doanh nghiệp theo đúng tiến độ. Tới đây thì Công an tỉnh sẽ tổ chức kiểm tra, phúc tra các tổ công tác thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh để thúc đẩy việc thực hiện đề án này đạt hiệu quả cao nhất. Người dân nên tìm hiểu và lựa chọn các tiện ích để sử dụng nhằm mang lại lợi ích cho công dân để thúc đẩy phát triển xã hội số”.

Với mục tiêu tổng quát của đề án là ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ CCCD gắn chip điện tử trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia một cách linh hoạt, sáng tạo phù hợp với chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để phục vụ 5 nhóm tiện ích gồm: Phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; phục vụ công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.

Bài, ảnh: THANH THẢO-
HOÀNG THÂN