Tìm giải pháp xây dựng thương hiệu tỉnh Vĩnh Long

Cập nhật, 05:45, Thứ Năm, 08/09/2022 (GMT+7)
Tác giả cho rằng, Vĩnh Long có những chiến lược phát triển thương hiệu phù hợp.  Ảnh: TRẦN PHƯỚC
Tác giả cho rằng, Vĩnh Long có những chiến lược phát triển thương hiệu phù hợp. Ảnh: TRẦN PHƯỚC

(VLO) Việc xây dựng thương hiệu tỉnh Vĩnh Long đã và đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của các cấp quản lý, chính quyền địa phương thời gian qua thông qua các dự án, đề án nhằm thu hút đầu tư, du lịch, phát triển kinh tế. Do đó, thông qua thực trạng, phương pháp tiếp cận và lý thuyết về tiếp thị tin đồn, tác giả đề xuất 3 giải pháp cơ bản nhằm xây dựng, làm mới thương hiệu địa phương.

Thực trạng xây dựng thương hiệu tỉnh Vĩnh Long

Ngày nay sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường đòi hỏi mỗi doanh nghiệp, địa phương trên cả nước nói chung và tỉnh Vĩnh Long nói riêng cần có những chiến lược phát triển thương hiệu đúng đắn, phù hợp.

Ngày 13/1/2016, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 103/QĐ-UBND về việc ban hành đề án hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu đến năm 2020. Đến giai đoạn 2021- 2025, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3264/QĐ-UBND về việc ban hành đề án hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu đến năm 2025.

Theo đó, mục tiêu chung là hỗ trợ các doanh nghiệp của tỉnh xây dựng, quản trị và phát triển thương hiệu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo sự tin cậy về chất lượng đối với sản phẩm hàng hóa của các doanh nghiệp trên thị trường trong và ngoài nước, phù hợp với các điều kiện hội nhập kinh tế
quốc tế.

Từ cách tiếp cận trên cho thấy tỉnh Vĩnh Long đang áp dụng chiến lược xây dựng thương hiệu khá phổ biến ở các nước là: bottom-up (từ dưới đi lên, cái riêng quảng bá cho cái chung).

Tuy nhiên trong trường hợp các địa phương không có đặc trưng, thương hiệu sản phẩm chưa đủ hấp dẫn, phổ biến thì rất khó thực thi một cách hiệu quả.

Cụ thể qua đánh giá giai đoạn 2016- 2020, các cơ sở, doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Long có quy mô sản xuất vừa, nhỏ và siêu nhỏ, hoạt động chủ yếu dựa vào nguồn vốn vay hoặc nguồn vốn gia đình,…

Chưa đầu tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật nên chất lượng hàng hóa còn hạn chế, thiếu sự quan tâm công tác tiếp thị, nghiên cứu thị trường.

Do đó, có thể nhận định xuất phát điểm để tỉnh Vĩnh Long xây dựng thương hiệu địa phương còn thấp, chưa có nhiều sản phẩm, doanh nghiệp, cũng như giá trị chủ lực được các nước biết đến.

Bên cạnh, các hoạt động phát triển thương hiệu địa phương mới được tổ chức ở mức độ riêng lẻ, chỉ hỗ trợ cho xây dựng thương hiệu doanh nghiệp và thật sự chưa chú trọng nhiều đến các giá trị cốt lõi khác.

Để có một góc nhìn tổng quan hơn về xây dựng thương hiệu tỉnh Vĩnh Long, quan điểm của tác giả cho rằng việc xây dựng thương hiệu hiện nay cần áp dụng các lý thuyết về marketing hiện đại như marketing truyền miệng, marketing tin đồn, marketing dẫn dắt… để thúc đẩy thông điệp lan truyền tích cực và hiệu quả hơn.

Giải pháp cho tỉnh Vĩnh Long

Trên cơ sở phân tích thực trạng và cơ sở lý luận, tác giả đề xuất các giải pháp để định hình và làm mới thương hiệu địa phương, cụ thể:

Thứ nhất, cần có sự kết hợp hài hòa cả hai cách tiếp cận trong chiến lược xây dựng thương hiệu địa phương đó là: “top-down” và “bottom-up”.

Đối với cách tiếp cận top-down, cần xây dựng tầm nhìn, định hướng thương hiệu tỉnh Vĩnh Long cần nhắm tới, muốn mình trở thành để xây dựng từng thương hiệu riêng lẻ nhằm đảm bảo đúng định hướng, khu vực ảnh hưởng của thương hiệu (hiệu quả nhắm đến) và thống nhất trong quản lý.

Theo quan điểm của tác giả, việc xây dựng thương hiệu cần áp dụng các lý thuyết về marketing hiện đại.Ảnh: TRẦN PHƯỚC
Theo quan điểm của tác giả, việc xây dựng thương hiệu cần áp dụng các lý thuyết về marketing hiện đại.Ảnh: TRẦN PHƯỚC

Theo nghiên cứu của Parul Soni (2019), có 4 khu vực mục tiêu của việc xây dựng thương hiệu cần nhắm đến là: khu vực đầu tư, thu hút nhân tài, sản xuất sản phẩm- dịch vụ và cuối cùng là khu vực du lịch, nhằm tác động đến tăng trưởng phát triển kinh tế. Đây là các khu vực tỉnh Vĩnh Long cần cân nhắc khi xây dựng các chương trình, dự án phát triển thương hiệu.

Tỉnh Vĩnh Long cũng cần xây dựng các giải pháp theo hướng bottom-up, đó là xây dựng, định hình những thương hiệu riêng lẻ như sản phẩm, dịch vụ, hay những nét đặc trưng như văn hóa vốn dĩ được nhiều người biết đến để quảng bá cái chung, quảng bá thương hiệu tỉnh Vĩnh Long.

Điều này cũng phù hợp với nghiên cứu của Lê Minh Chí và Lê Tấn Nghiêm (2017) về tác động của tiếp thị tin đồn, vận dụng lý thuyết này, tỉnh Vĩnh Long cần phải xác định và khai thác được các đặc điểm, nội dung thế mạnh, được nhiều người biết đến, xem đây là động lực để thúc đẩy lan truyền thông tin, truyền miệng.

Cùng với đó là xây dựng được các nội dung thông điệp kèm theo để quảng bá thương hiệu địa phương.

Thứ hai, việc phát triển một thương hiệu địa phương cần dựa vào nhiều giá trị cốt lõi của địa phương hiện có ngoài thương hiệu doanh nghiệp như giá trị về con người, nét đặc trưng về tầm nhìn lãnh đạo, du lịch, tâm linh…

Tất cả những khía cạnh này về tổng thể hình thành thương hiệu địa phương một cách hoàn chỉnh. Bên cạnh đó, việc xây dựng thương hiệu sản phẩm theo tác giả không nên tập trung vào nhãn hiệu, thương hiệu của một sản phẩm, doanh nghiệp, thay vào đó là thương hiệu của một ngành hàng tỉnh Vĩnh Long cần định hình.

Ví dụ như Gạo tím Vĩnh Long, thay cho tên gạo của một doanh nghiệp cụ thể, với cách tiếp cận này cơ bản sẽ đảm bảo công bằng cho các bên khi tham gia sản xuất, xây dựng thị trường Gạo tím Vĩnh Long; đồng thời tránh phụ thuộc vào một thương hiệu sản phẩm cụ thể hoặc loại bỏ những thương hiệu tương đồng.

Cuối cùng, dù là bất cứ giải pháp hay cách tiếp cận nào thì người nghiên cứu và thực thi cũng cần tôn trọng lịch sử, văn hóa và căn cứ vào những đặc điểm hiện có, những mặt làm được của địa phương thời gian qua để xây dựng, làm mới thương hiệu, tránh bị nhạt nhòa khi so sánh với các địa phương khác.

Do vậy, các giải pháp tiếp cận xây dựng thương hiệu tỉnh Vĩnh Long phải dựa vào các giá trị cốt lõi nhằm nâng tầm, mà không phải “bỏ đi” những cái hiện có để tránh lãng phí nguồn lực và thành quả đã đạt được.

TS. LÊ MINH CHÍ (Văn phòng UBND tỉnh)